Ngày 25/8, thông tin từ Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết trên báo Công Lý, đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân N.N.H. (45 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị hoại tử vùng mông rất nặng.
Theo lời kể, trước thời điểm vào viện một ngày, bà H. có tiêm dung dịch lỏng đựng trong chai thủy tinh không rõ nhãn mác (khả năng là silicon lỏng) tại một cơ sở thẩm mỹ.
Sau khi bơm silicon lỏng, bệnh nhân thấy mông phải có hiện tượng căng cứng, khó chịu, loét nên tìm đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chữa trị.
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, bệnh nhân được chẩn đoán bị hoại tử diện rộng da, mô mỡ vùng tiêm, viêm lan tỏa bẹn đùi. Bệnh nhân được mổ cấp cứu nạo vét ra khoảng 2.500 cc (khoảng 2,5 lít) tổ chức hoại tử và dịch mủ.
Theo PGS-TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình của bệnh viện, dù được điều trị ngay sau khi nhập viện nhưng chắc chắn mông của bệnh nhân sẽ bị biến dạng.
Silicon lỏng thường được gọi là mỡ nhân tạo, trước đây thường được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và cũng dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, năm 1991, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế đã ban hành quy định cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.
Tuy nhiên, theo PGS Lâm, hiện vẫn có tình trạng một số cơ sở làm đẹp “chui” sử dụng silicon công nghiệp - chất tuyệt đối không được sử dụng trên người thành chất làm đầy.
Khi dùng silicon lỏng tiêm vào cơ thể, dễ gây ra biến chứng tắc mạch, từ đó máu sẽ không thể đủ để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, môi, mũi, dễ gây ra hoại tử những bộ phận đó, thậm chí có thể gây tử vong cho người sử dụng.