Sắc màu Cuộc Sống

Hãi hùng suất ăn công nghiệp: Khâu nào cũng bẩn

Theo Người lao động
Chia sẻ

Tôi hỏi sao không rửa cho sạch, đầu bếp cười: “Khỏi rửa, làm nhanh cho kịp”. Thấy tôi nhăn mặt khó chịu, anh ta phân bua: “Suất ăn công nghiệp mà, không như ở nhà được đâu”

Sáng sớm, chiếc xe bán tải biển kiểm soát TP HCM chở rau củ quả chạy thẳng vào Công ty Nam Giang (KCN Song Mây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Ngay sau đó, nhân viên nhà bếp nhanh chóng bắt tay vào sơ chế.

Rất nhanh, rất… mất vệ sinh

Một phụ nữ tên Hiền bê túi rau muống đặt lên bàn, lấy từng bó cắt phần gốc rồi gạt xuống sàn nhà. Chị ta đập đập bó rau vào thành bàn rồi lấy dao cắt thành ba, vứt sang thùng nước bên cạnh.

“Lặt” rau siêu tốc ở nhà bếp Công ty Nam Giang.

Chỉ khoảng 10 phút sau, gần 50 kg rau muống đã được người phụ nữ này “lặt” xong. Xoay qua thùng rau, chị ta dùng tay đảo sơ rồi vớt ra rổ, chờ đầu bếp đưa vào chế biến.

Chế biến suất ăn công nghiệp tại cơ sở Thành Huy.

Từng bó rau dền cũng được Hiền “lặt” như vậy. Nhiều ngọn rau đã héo úng nhưng chị ta vẫn mặc kệ, chỉ dùng dao cắt bỏ gốc, phần còn lại cắt thành bốn rồi gạt xuống rổ, dùng vòi nước xịt qua…
Khâu chế biến món rau muống xào tỏi trong nhà bếp số 8 của Công ty Nam Giang cũng “siêu tốc” không kém. Đầu bếp tên Tâm bỏ rau vào 2 nồi loại 50 lít để luộc, chừng 10 phút thì vớt ra ngâm trong thau nước lạnh. “Vậy cho nhanh nguội, rau lại dòn” - anh ta giải thích. Hai phút sau, rau luộc được vớt ra một cái thau lớn. Tâm lấy một cái chảo dầu bắc lên bếp, cho vào ít đường, muối, bột ngọt, tỏi xay rồi đảo đều. Hỗn hợp này được rưới lên thau rau, thế là xong món rau muống xào tỏi.

Sáng hôm sau, tôi lại có dịp chứng kiến nhân viên nhà bếp ở đây chế biến các món ăn rất nhanh và mất vệ sinh. Chẳng hạn, món nộm cũng được làm cực nhanh. Đu đủ nạo ra, cộng thêm ít dưa leo muối, cho bột ngọt vào rồi trộn đều. Dưa chuột sau khi trụng qua nước sôi được ngâm vào nước lạnh rồi vớt ra dọn cho công nhân ăn; phần nước luộc được tận dụng, cho vào ít hành lá thành món canh…

Tại DNTN Thành Huy (đường Bình Đường 1, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), trong những ngày phụ việc ở đây, tôi chứng kiến rau củ quả mà cơ sở này dùng để chế biến thành các món canh, xào… phần lớn đã héo úa, thậm chí thối rửa. Theo tìm hiểu, tất cả rau củ quả này đều là loại phế phẩm, được các chủ vựa ở chợ đầu mối Thủ Đức loại ra hoặc bán giá cực rẻ. Sau khi lấy hàng về, chủ cơ sở cho nhân viên cắt gốc, bỏ bớt phần đã quá hư, số còn lại bỏ vào tủ đông để sử dụng dần.

“Vậy là sạch rồi!”

Trong khu vực nhà bếp của Công ty Nam Giang, 4 thùng gà đông lạnh được khuân ra. Các nhân viên “rã đông” gà bằng cách… bê từng thùng liên tục ném lên cao. Sau gần chục lần rớt xuống sàn nhà, gà bung ra khỏi thùng nằm rải rác, nhầy nhụa đất.

Một thanh niên hốt tất cả mớ gà vương vãi trên sàn nhà vô rổ, dùng dao chặt thành các miếng nhỏ, chờ chế biến. Tôi hỏi sao không rửa cho sạch, đầu bếp Tâm cười: “Khỏi rửa, làm nhanh cho kịp”. Thấy tôi nhăn mặt khó chịu, anh ta phân bua: “Vậy là sạch rồi, suất ăn công nghiệp mà, không như ở nhà được đâu”.

Sáng hôm sau, đầu bếp Tâm lấy từ trong tủ đông ra gần 50 kg thịt heo các loại bỏ xuống nền nhà để tan bớt đá. Sau đó, anh ta cùng với 2 người phụ bếp cắt mớ thịt này thành từng miếng nhỏ, dùng vòi nước xịt sơ mấy cái rồi đưa vào chế biến. Cá lóc mua từ chợ về cũng chỉ được nhân viên nhà bếp dùng vòi nước xịt mấy cái rồi để ráo nước. Nhiều con còn đầy vẩy, đất cát…

Không chỉ sơ chế, nấu nướng món ăn mất vệ sinh, nhiều khâu liên quan cũng bẩn không kém. Ngày 14-2, tại các nhà bếp của Công ty Nam Giang, tôi chứng kiến tất cả khay, thố, bát đựng đồ ăn và thìa, nĩa… đều được nhân viên ở đây ngâm vào thùng nước đã được pha nước rửa đặc quánh. Sau đó, những thứ này được vớt ra, xối sơ nước qua rồi để ráo, hôm sau dùng.

Cạnh đó, 2-3 phụ nữ đang cho vào một thùng nước to tướng khoảng 3 lít nước rửa chén. Tiếp đó, họ cho đống bát vào khuấy đều rồi vớt bỏ vào thùng nước, lát sau lấy ra bỏ vào thùng nhựa. Như vậy là xong công đoạn rửa khay, bát… Thậm chí, với nắp khay thì cứ 2-3 ngày mới rửa một lần.

Trong khi đó, sọt đựng thịt, cá đều không được rửa hoặc ít ra là dội sơ nước qua. Dùng xong các nguyên liệu, nhân viên nhà bếp kéo lê những sọt này trên sàn nhà nhầy nhụa dầu mỡ, thức ăn rơi vãi và để vào một chỗ, hôm sau dùng tiếp.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Người lao động

Tin mới nhất