Sắc màu Cuộc Sống

Hai giả thiết về nguồn lây của BN 2.229 người Nhật tử vong tại khách sạn

Theo Kinh tế Đô thị
Chia sẻ

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 15/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu 2 giả thiết về nguồn lây của BN 2.229 người Nhật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 14/2 tại Hà Nội đã xác định trường hợp người Nhật mắc Covid-19 (BN2229) tại khách sạn Somerset West Point (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Người này nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17/1, được cách ly tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian cách ly, người này có 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 17/1 và 31/1. 

Hai giả thiết về nguồn lây của BN 2.229 người Nhật tử vong tại khách sạn Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp

Tại TP Hồ Chí Minh, trường hợp người Nhật cách ly cùng 34 người trong khách sạn, trong 14 ngày cách ly không tiếp xúc bên ngoài. Sau thời gian cách ly, người đàn ông này di chuyển bằng máy bay ra Hà Nội và ở tại khách sạn Somerset West Point.

Có 2 giả thiết, giả thiết thứ nhất là bệnh nhân người Nhật này mới lây nhiễm Covid-19 ngay trong khu vực Hà Nội.

Theo Bộ trưởng, trường hợp này được cách ly với 34 trường hợp khác tại khách sạn và qua trích xuất camera cho thấy, trong 14 ngày cách ly tại đây, người đàn ông này thực hiện nghiêm việc cách ly, không có tiếp xúc với bên ngoài.

"Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hôm nay cho thấy, nồng độ virus của trường hợp này ở mức độ rất cao, nếu như lây nhiễm ở khu vực cách ly thì không phải cho nên chúng tôi cho rằng, trường hợp này có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội và không phải F0", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Hà Nội phát hiện thêm 2 trường hợp nữa, cụ thể, là một người nữ làm việc tại công ty Mitsui và một người Nhật cũng làm việc tại đây. Xét nghiệm cho thấy, nồng độ virus của người Việt Nam ở mức độ cao.

"Chúng tôi ước tính trường hợp này nhiễm từ 5- 7 ngày trước. Hiện chúng tôi đang cho giải mã gen và tới đây sẽ có kết quả để biết chủng, nguồn gốc virus ở bệnh nhân này”.

Giả thiết thứ 2 lây nhiễm tại cơ sở cách ly và đi ra ngoài, có thể xảy ra nhưng ở mức độ rất thấp, bởi 34 người cách ly cùng đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Thêm vào đó, tỷ lệ bệnh nhân dương tính sau 14 ngày thì thế giới cũng có ghi nhận một số trường hợp nhưng với mức độ thấp.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tại địa phương có sự lây nhiễm trong cộng đồng, và trên địa bàn đã xét nghiệm hơn 90.000 mẫu.

Chúng tôi cho rằng, tốc độ truy vết, tốc độ xét nghiệm, tốc độ khoanh vùng, tốc độ giải quyết các trường hợp ở Hải Dương vẫn còn chậm hơn so tốc độ của dịch. Chúng tôi bắt đầu quan ngại tại một số khu vực như ở Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách... cần phải chủ động, lưu ý. Đối với khu vực Chí Linh, chúng ta đã tổ chức phong tỏa từ đầu, nên tạm thời có thể yên tâm” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại Hải Dương, cần phải giải quyết vấn đề cách ly, bởi thời gian vừa qua, mặc dù nỗ lực, cố gắng cách ly các trường hợp liên quan các ca bệnh. Tuy nhiên, do dịch xảy ra tốc độ lây lan nhanh, ở một cộng đồng lớn, nên việc cách ly tại Hải Dương còn gặp nhiều khó khăn.

“Do đó, Hải Dương đã phải tận dụng các cơ sở có thể cách ly được, nên chúng tôi quan ngại có thể có sự lây nhiễm trong khu vực cách ly. Tuy nhiên, chúng tôi rất hoan nghênh Hải Dương sáng nay đã họp, tiến hành thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.  

Chia sẻ

Bài viết

Theo Kinh tế Đô thị

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất