Sắc màu Cuộc Sống

Giới trẻ đua đòi hút thuốc lá điện tử nên đọc những thông tin này

Chia sẻ

Thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng sẽ giúp cai được thuốc lá và giảm các tác hại, nhưng thực tế lại đang gây nghiện cho nhiều người trẻ. Hơn nữa rất tốn kém cho việc mua phụ kiện kèm theo.

Dọc các phố Đào Duy Từ, Bà Triệu, Cầu Giấy, quanh hồ Văn Quán (Hà Đông), không khó để tìm các quán cà phê, karaoke, cửa hàng bán thuốc lá điện tử.

Nhiều quán trưng biển to ngay trước cửa để “quảng cáo” cho những khách hàng có nhu cầu. Để thu hút người mua hàng, các cửa hàng còn mở fanpage trên Facebook, các trang web giới thiệu sản phẩm.

160529-xahoi-2

Làn khói thuốc lá điện tử trông rất hấp dẫn. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, trên thị trường, hàng nhái của Trung Quốc xuất hiện khá nhiều, có giá chỉ 200.000-300.000 đồng/bộ.

Tại một quán cà phê kinh doanh thuốc lá điện tử trên đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi được giới thiệu gần chục mẫu dụng cụ hút thuốc lá điện tử công suất lớn với giá 3-5 triệu đồng/bộ.

Cửa hàng có vài chục loại tinh dầu được chia thành bốn nhóm gồm: the, bánh, trái cây và thuốc lá. Giá tinh dầu Trung Quốc 100.000 đồng/chai 10 ml, Malaysia 330.000 đồng/chai 30 ml.

Còn tinh dầu được quảng cáo xịn của Mỹ là 700.000 đồng/chai 30 ml. Ngoài ra, cửa hàng còn có loại tinh dầu đặc biệt tự pha (giá 200.000-400.000 đồng/chai 50 ml).

Dễ gây nghiện

Theo chân nhóm bạn trẻ đến một quán bar ở phố Lò Đúc (Hà Nội), vừa bước qua cửa, tiếng nhạc lớn xập xình, không gian mờ ảo đặc quánh khói thuốc shisa và thuốc lá điện tử. Ở những góc quán, các cậu ấm và cả những cô gái trẻ thi nhau hút, rồi nhả khói vào mặt nhau cười đùa.

“Mình hút cái này được gần 3 tháng nay. Lúc đầu chơi thử, ai ngờ nghiện luôn. So với thuốc lá, loại này cho ra nhiều khói hơn, cảm nhận nhiều vị hơn”, Hưng, một vị khách trẻ, nói.

“Lúc đầu em cũng không dám hút, nhưng thấy đám bạn nó dùng nên hút thử. Thử một hai lần thấy hay hay, thơm hơn shisa, có mùi hoa quả nên dần thành quen. Bây giờ không hút lại thấy thiêu thiếu”, Hà Anh, một sinh viên nữ, vừa nhả khói vừa nói.

Cô gái tên Nhung đứng cạnh Hà Anh nói, hút thuốc lá, ma túy mới độc hại, còn hút thuốc lá điện tử thoải mái chứ không có hại. “Thuốc chủ yếu là ướp hương các loại tinh dầu trái cây như nho, cam, táo, dâu… nên yên tâm chứ có hại như thuốc lá và ma túy đâu?”.

Nói xong Nhung hít một hơi dài, phà khói ra bằng miệng, mũi trông rất điệu nghệ, chân lắc lư theo tiếng nhạc của DJ.

Theo lời anh D., một nam DJ sành sỏi trong giới dân chơi Hà thành, bạn anh nhiều người bán thuốc lá điện tử xách tay vì món này có lợi nhuận cao. “Cứ giới thiệu là hàng tinh dầu Mỹ, Canada, nhưng chủ yếu là đồ Trung Quốc. Bởi chi phí nhập hàng chính hãng từ Mỹ, Canada về Việt Nam giá thành cao, nên dân buôn chủ yếu nhập từ Quảng Đông, Trung Quốc.

Thực tế, hiện không có quán nào bán thuốc lá điện tử có giấy tờ, hay nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi về Việt Nam, các tay buôn tiếp tục xé lẻ cho các bar, quán cà phê, karaoke”, anh D. nói.

Nguy cơ bị ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá

Theo kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y Khoa New England (số ra ngày 21/1/2015), những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Portland đã tiến hành kiểm tra lượng chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.

Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.

Trước đó, các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế Nhật Bản kết luận, thuốc lá điện tử chứa lượng chất gây ung thư cao gấp 10 lần so với các loại thuốc hút thông thường. Giới khoa học Mỹ cũng từng khẳng định thiết bị này không thực sự giúp người nghiện cai thuốc.

Bác sĩ Ngô Văn Kha, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương cảnh báo: Thuốc lá điện tử bơm nicotin vào phổi và vì vậy vẫn gây nghiện như mọi loại thuốc lá khác. Nhiều thanh thiếu niên dùng thuốc lá điện tử như đồ chơi sĩ diện cuối cùng thành nghiện thuốc lá.

Chính kiểu tiếp thị: “Thuốc lá điện tử rất an toàn so với hút thuốc lá thật!”, và hình ảnh giới thiệu người hút thuốc lá điện tử có thể hút ở mọi nơi cấm hút thuốc do không tạo ra khói thuốc thật, làm cho giới trẻ chưa từng hút thuốc lá bị hấp dẫn và tập hút. Nhiều người nghĩ rằng dùng TLĐT để cai nghiện thuốc lá cuối cùng lại nghiện TLĐT.

Bác sĩ Kha còn cho biết, trong một nghiên cứu của Giáo sư Polosa và cộng sự (Mỹ) thử trên 40 người nghiện thuốc tình nguyện hút TLĐT có 22% người bỏ thuốc lá thật nhưng hầu hết tiếp tục hút thuốc lá điện tử.

Chính bác sĩ Ira J. Strumpf, phát ngôn viên của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc là TLĐT được quảng cáo không chỉ nhắm đến đối tượng cai thuốc lá mà còn cho số lượng đông đảo người trước kia chưa hề hút thuốc.

Do chưa được phép nhập khẩu nên tại Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào về TLĐT nhưng theo những tài liệu nước ngoài TLĐT không phải là sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất