Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Giết con 35 ngày tuổi vì trầm cảm: Gia đình đã tha thứ, xã hội cần bao dung, phần còn lại là của pháp luật

Nếu có tỉnh lại sau cơn u mê của căn bệnh trầm cảm, người mẹ ấy sẽ là người đau đớn nhất chứ không phải chúng ta - những người đang lên án cô ấy.

Ngày hôm qua, thông tin tìm được nghi phạm trong vụ sát hại đứa trẻ 35 ngày tuổi ở Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội khiến dân tình ngóng chờ từng phút. Thế nhưng ngay sau đó thôi, người dân vùng quê ngoại ô Hà Nội được một phen kinh hãi khi nghi phạm được công bố không ai khác lại chính là mẹ của đứa bé. Theo thông tin điều tra ban đầu của cơ quan cảnh sát, chị Phan Thị Trinh, sinh năm 1998, mẹ của bé bị mắc chứng trầm cảm nặng dẫn đến hành vi giết con.

Trưa 14/6, khi công an đưa nghi phạm về dựng lại hiện trường vụ án. Cảnh tượng hàng nghìn người dân nhao nhao khi nghi phạm đi qua, người thì chửi, người thì muốn xông vào đánh khiến ai xem cũng phải lặng người.

“Hổ dữ còn không ăn thịt con”. Có lẽ trong suy nghĩ của những người dân miền quê ấy, chẳng ai hiểu và cũng chẳng ai muốn hiểu thêm, trầm cảm sau sinh là gì? Ở Thạch Thất, đa phần là làm nông, người dân ở Hữu Bằng khá giả hơn với nghề mộc truyền thống. Tuy kiếm được tiền nhưng tối ngày vất vả bên những chiếc bàn ghế gỗ đầy bụi bặm. Cơm áo gạo tiền cho những nhu cầu cuộc sống hàng ngày đã đủ mệt, tâm sức đâu để quan tâm đến tâm lý người khác.

Với họ, mẹ giết con là tội ác tày trời, dù bất kỳ lý do nào cũng không thể tha thứ và đáng thông cảm. “Trầm cảm sau sinh” là cụm từ vẫn còn xa vời với đời sống thường nhật. Và có lẽ vì suy nghĩ đó nên khi thấy người mẹ khổn khổ, mang trong mình tội ác giết con đó đi qua, họ lao vào như muốn cắn xé, trút hết sự phẫn nộ lên người mẹ.

Có lẽ đã đến lúc, xã hội nên nhìn nhận thực tế và tìm hiểu sâu hơn về chứng bệnh trầm cảm sau sinh bởi nó vẫn đang xảy ra mỗi ngày với rất nhiều bà mẹ bỉm sữa. Thực tế cho thấy rằng chứng bệnh này ngay cả ở các gia đình thành phố, nơi có khả năng tiếp cận thông tin nhiều hơn cũng chưa được quan tâm, chú ý một cách đúng đắn.

Bị trầm cảm sau sinh, người mẹ không kiểm soát được cảm xúc. Họ gặp khó khăn trước trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ, những đêm mất ngủ vì tiếng khóc của con, khó chịu bực bội vì sự có mặt của con, sợ làm con đau hoặc oán giận cả gia đình rồi lại thấy tội lỗi vì chính những cảm xúc tiêu cực ấy.

Ở cái tuổi 18 non nớt như Trinh, làm mẹ vẫn còn là một việc quá sớm. Thay vì bay nhảy như những bạn bè cùng trang lứa, Trinh đã phải ở nhà nuôi con, kiếm tiền phụ gia đình. Một số ý kiến nói rằng Trinh vì kết hôn và sinh con sớm, lại chỉ làm công nhân với lương tháng ít ỏi nên những điều đó có thể là nguyên nhân khiến cô trầm cảm. Thật ra, không phải cứ có cuộc sống vật chất đủ đầy thì người phụ nữ sẽ không trầm cảm sau sinh.

Những bà mẹ vừa trải qua cơn đau như hàng ngàn chiếc búa đập vào người khi sinh con, nay lại phải ngày đêm chăm dưỡng. Nếu không nhận được sự quan tâm, tâm lý từ mọi người thì rất dễ cảm thất mệt mỏi, chán nản và sinh ra những suy nghĩ tiêu cực. Những người mắc bệnh về tâm lý như Trinh, họ không hành động theo lý tính thông thường, mọi logic trong cuộc sống thường ngày đều vô nghĩa.

Nơi Trinh sinh ra, việc lấy chồng ở tuổi 18 như cô không còn xa lạ. Cuộc sống của người dân nơi ấy vẫn vậy, học xong THPT thường lấy chồng sinh con, yên bề gia thất rồi làm việc kiếm tiền. Chẳng mấy ai quan tâm đến những điều xa vời như bệnh trầm cảm. Với họ cuộc sống đơn giản là kiếm được tiền, thích ăn gì thì ăn, thích mua gì thì mua, vậy là đủ vui, đâu cần gì quan tâm nhiều đến những giá trị tinh thần.

Và thế là khi sự việc tày trời này xảy ra, ai cũng bàng hoàng, ai cũng thảng thốt. Ai cũng thấy lạ lẫm với bệnh trầm cảm, bởi thế nên có lẽ cũng chẳng mấy ai thấu hiểu cho hành động dại dột của người mẹ này. Đâu đâu cũng thấy những lời lẽ chửi rủa, đay nghiến người mẹ trẻ.

Có một sự thật đáng buồn rằng, hầu hết những người phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh hiếm khi nói ra được tình trạng bệnh của mình. Nhiều người chấp nhận sống chung với nó vì họ chẳng biết phải giải thích ra sao, nói như thế nào cho người thân hiểu được. Họ chịu đựng nó, có người vượt qua được, cũng có người không - như Trinh.

Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, mẹ chồng của Trinh có chia sẻ rằng: “Ban đầu cũng giận lắm, uất lắm nhưng suy nghĩ lại thấy con bé cũng rất đáng thương. Chính vì vậy, tôi muốn mọi người đánh giá sự việc này dưới góc nhìn nhân đạo hơn. Tôi đã mất cháu trai, niềm hi vọng của gia đình nhưng tôi cũng không muốn để người khác phải đau khổ thêm. Gia đình không oán trách nếu Trinh bị trầm cảm sau sinh.”

Đứa trẻ đáng thương vì mới chỉ được sống trên cõi đời này trong thời gian ngắn ngủi, nhưng Trinh cũng là một người mẹ đáng thương bởi có lẽ sau khi tỉnh táo khỏi sự u mê của trầm cảm, có lẽ cô là người đau đớn nhất. Gia đình đã tha thứ cho Trinh thì xã hội cũng nên bao dung hơn với người mẹ tội lỗi này, phần còn lại là để cho pháp luật xét xử đúng người đúng tội!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết My An

Được quan tâm

Tin mới nhất