Sắc màu Cuộc Sống

Từ chuyện 300 sinh viên tình nguyện chống dịch: Đừng 'phong tỏa' lòng bao dung của người Sài Gòn

Khải Anh
Chia sẻ

Nếu chưa đúng, hãy cùng nhau làm lại. Nếu chưa hòa hợp, hãy ngồi lại chia sẻ, giải thích. Nếu chưa biết cách hành động, hãy học cách lắng nghe. Đất Sài Gòn thì có chật nhưng lòng người luôn thênh thang và nó sẽ chẳng bao giờ bị 'phong tỏa', hay 'giăng dây' giữa cơn đại dịch này.

Giữa hai "làn đạn"

"Tại sao những sinh viên Hải Dương lại mặc áo blouse trắng ra sân bay, đi check-in... trong khi quy định của ngành Y là không được phép mặc áo blouse ra ngoài?"

"Các em nghĩ gì mà để người dân Gò Vấp đợi hàng giờ đồng hồ dưới cái nắng chỉ vì lí do "đồ bảo hộ không an toàn vậy".

"Hẹn dân 13 giờ xét nghiệm, thì 19 giờ các em mới tới. Chắc mấy bé muốn dân ngồi nắng để tự tiêu diệt Covid. Rồi các em xuất hiện thật đẹp, các em đòi “ăn no chóng nhớn” rồi mới làm. Khi làm thì các em bảo đồ không đúng tiêu chuẩn, N95 không đúng chuẩn, nhưng các em có biết đồ đó là của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cấp không… Hay là đồ của HCDC còn dở hơn đồ của trường y Hải Dương và các em chốt lại không làm".

Từ chuyện 300 sinh viên tình nguyện chống dịch: Đừng 'phong tỏa' lòng bao dung của người Sài Gòn Ảnh 1

Cách đây vài ngày, người dân TP.HCM không ngớt cảm kích vì thông tin hơn 300 sinh viên của trường Đại học Kĩ thuật y tế Hải Dương tình nguyện đến thành phố chống dịch sau thời gian ròng rã "chinh chiến" ở Bắc Giang, Bắc Ninh... Nhưng hiện tại, Đoàn Hải Dương đã là tâm điểm của mạng xã hội khi nhiều ý kiến than phiền về thái độ làm việc của những sinh viên này.

Một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra với hàng nghìn ý kiến trái chiều. Có người đồng tình, có người lên án, có người giải thích, có người băn khoăn, có người phẫn nộ... Gạch đá được "ném" tới tấp, những bình luận tranh cãi dắt díu nhau đến một cuộc chiến không hồi kết.

Từ chuyện 300 sinh viên tình nguyện chống dịch: Đừng 'phong tỏa' lòng bao dung của người Sài Gòn Ảnh 2

Tuy nhiên, không ít người trong số họ đã "đánh rơi" mệnh lệnh quan trọng nhất lúc này tại TP.HCM: Đó chính là đoàn kết chống dịch. Sự chia rẽ không tạo thêm sức mạnh. Nó chỉ khiến chúng ta làm việc trong sự ngờ vực, nghi kị nhau. Khi số ca nhiễm tại TP.HCM đã leo đến đỉnh điểm, chính tình đoàn kết, sự yêu thương, san sẻ mới hiệu triệu được động lực để chúng ta đi qua cuộc chiến chống COVID-19.

Có một Sài Gòn hiếu khách, bao dung

Người ta thường nghĩ gì khi nghĩ về Sài Gòn? Đó là một thành phố hơn 300 năm qua đã được di dưỡng bởi tính hào sảng và lòng bao dung. Nhắc đến Sài Gòn, người ta hay nhớ đến sự hiếu khách, lòng chân thành, tính xởi lởi. Người Sài Gòn cũng thế, đón ai, thương ai cũng làm "tới bến".

300 sinh viên từ Hải Dương đến với Sài Gòn, tôi tin các bạn có đủ lòng nhiệt thành. Bởi khi "trận mạc" tại Bắc Giang, Bắc Ninh vừa kết thúc, các bạn lại tất tả vào TP.HCM. Đa phần các bạn sinh viên đều có tuổi đời từ 19 - 22 tuổi, một độ tuổi còn quá trẻ với chặng đường trưởng thành, trải nghiệm còn ở phía trước.

Nếu còn có gì chưa đúng, cứ từ từ làm lại. Nếu chưa hòa hợp, hãy giải thích để hiểu nhau. Nếu chưa biết cách hành động, hãy lắng nghe và chia sẻ. Đất Sài Gòn thì có chật nhưng lòng người luôn thênh thang, bao dung, và nó sẽ chẳng bao giờ bị "phong tỏa", hay "giăng dây" giữa cơn đại dịch này.

Từ chuyện 300 sinh viên tình nguyện chống dịch: Đừng 'phong tỏa' lòng bao dung của người Sài Gòn Ảnh 3

Không ít người trong chúng ta từng rơi nước mắt khi thấy cảnh sinh viên các trường đại học Y gục ngã, ngất xỉu dưới thời tiết quá khắc nghiệt. Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn dài và khốc liệt . Ngay khi chúng ta còn đang tranh luận đúng sai, hàng trăm sinh viên trường Y tại TP.HCM đã và đang "nóng hừng hực" trong bộ đồ bảo hộ không kẽ hở, mồ hôi làm cay xè đôi mắt, không dám uống nước, cũng chẳng dám đi vệ sinh.

Khi chúng ta còn đang phân tích vấn đề, "luận tội" ai đó trên mạng xã hội, thì họ vẫn đang "chiến đấu" với hàng dài dằng dặc người lấy mẫu, nơi nguy cơ lây nhiễm có thể xảy đến bất kì lúc nào.

Làn sóng thứ 4 là thời điểm chúng ta thấy Sài Gòn "trở bệnh" nặng nhất. Vào thời điểm này, Sài Gòn cần được yêu thương, che chở, cần được động viên, đoàn kết với nhau để cố gắng. Và những sinh viên đến từ Hải Dương, họ xứng đáng được đón nhận với lòng biết ơn, trân trọng và cùng nhau hợp lực để chiến thắng dịch bệnh.

Những ý kiến chỉ trích, mỉa mai nên dừng lại. Người dùng mạng cần tỉnh táo để những lời nói chia rẽ, soi mói không cần thiết lúc này nên bị xóa bỏ. Như Nguyễn Khanh, một Facebooker nổi tiếng tại TP.HCM đã đưa ra quan điểm khiến nhiều người đồng tình: "Trong hoàn cảnh vô cùng nguy cấp này, dập dịch thành công là mệnh lệnh cao nhất, anh em có chút gì đó chưa hiểu nhau thì cùng ngồi lại giải bày. Lúc này, ai cũng phải mang tâm thế cao nhất là đưa đất nước sớm trở về những ngày bình thường mới. Giận dỗi, bực bội lúc này chỉ khiến mọi việc xấu hơn, khiến chúng ta xa nhau hơn mà thôi.

Ngừng chia sẻ những đoạn chat bị cắt ghép, những bình luận trôi nổi trên không gian mạng có nội dung chửi bới, chê bai, thậm chí là xúc phạm nhau… đó là điều văn minh nhất các anh chị chơi Facebook có thể làm được lúc này. Giận ở đâu thì làm hoà ở đó, sai ở đâu thì ta sửa ở đó… rồi cùng nhau chung sức vì mục tiêu chung của chiến dịch. Muốn đem lại bình yên cho người khác thì trước hết trong lòng mình phải bình yên".

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất