Sắc màu Cuộc Sống

Đề án Sữa học đường: Nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít phụ huynh băn khoăn lo ngại

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Mặc dù nhiều người tán thành chủ trương của chương trình vì sự phát triển của trẻ em song vẫn còn nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại về những rủi ro đến với con mình khi triển khai chương trình này.

Chương trình “Sữa học đường” được ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, nhằm giảm chi phí đóng góp mua sữa của phụ huynh. Bên cạnh đó, chương trình còn miễn phí đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, thể hiện sự quan tâm chăm sóc trẻ em của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng, còn lại phụ huynh học sinh sẽ đóng góp khoảng 548 tỷ đồng.

Nhiều phụ huynh ủng hộ…

Ghi nhận của báo Dân Trí, tại buổi Tọa đàm “Sữa học đường cần thiết không?” diễn ra vào chiều 9/10, anh Nguyễn Quân chia sẻ, cách đây vài tuần, anh đã được nghe thầy cô giáo phổ biến đề án Sữa học đường và cho rằng đây là chủ trương đúng.

“Tôi được biết thì giá sữa mà các con uống ở trường sẽ được trợ giúp 30% từ nhà nước và 20% từ doanh nghiệp. Do đó, giá thành một hộp sữa trong đề án Sữa học đường được trợ giá từ 7.000 - 8.000 đồng xuống chỉ còn 3.000 đồng, tương đương một ly trà đá. Đây là một mức giá rất thích hợp”, anh Quân nói.

Buổi Tọa đàm “Sữa học đường cần thiết không?”. Ảnh: báo Dân Trí.

Theo ghi nhận của báo Dân Việt, chị Đỗ Quyên (phụ huynh có 2 con nhỏ, một bé thuộc lứa tuổi mẫu giáo, một bé đang học cấp Tiểu học) cũng thể hiện sự ủng hộ với chương trình sữa học đường: “Các con tôi hiện cũng đều được uống sữa tại trường và tôi rất an tâm với điều này. Chương trình sữa học đường là chương trình giúp cho trẻ em ở tất cả các địa bàn khác nhau đều được uống sữa. Tôi thấy chương trình sữa học đường này rất tốt và cá nhân tôi vô cùng ủng hộ”.

Nhưng cũng không ít phụ huynh băn khoăn

Mặc dù tán thành chủ trương của chương trình vì sự phát triển của trẻ em thành phố, song vẫn còn nhiều phụ huynh lo rằng, làm thế nào triển khai chương trình đảm bảo tính minh bạch và nhất là đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Chưa kể, thời gian qua xuất hiện các vụ sữa học đường gây ngộ độc ở Đồng Nai khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Cụ thể, ngày 3/3/2018, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu tạm dừng đề án sữa học đường sau vụ 73 học sinh ở Trường Mầm non Phú Lộc và Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng bị ngộ độc nghi do sữa. Đề án sữa học đường này đã được tỉnh Đồng Nai triển khai từ cuối năm 2014 và toàn bộ học sinh mầm non, khối lớp 1 ở đây ở các huyện, thị xã đã được hưởng thụ chính sách uống sữa miễn phí. Tuy nhiên, sau vụ ngộ độc của 73 trẻ, nhiều phụ huynh ở tỉnh cũng như các tỉnh khác e ngại trước chương trình này.

Chị Văn Thị Liên, ngụ quận 7, TP HCM nhận xét, đây là chủ trương đúng đắn để tăng lượng sữa cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Nhưng quan trọng là khi triển khai chương trình cần chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sữa phải phù hợp đối với từng đối tượng.

“Theo tôi cần có sự thống nhất chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung cấp sữa và nhà trường, dưới sự giám sát của phụ huynh”, chị Liên nói, ghi nhận của VOV.

Trước đó, cũng không ít phụ huynh bày tỏ băn khoăn đề án này có nên triển khai với trẻ em thành phố bởi họ cho rằng, Sữa học đường chỉ nên hướng đến các tỉnh xa xôi, khó khăn mà ở đó đa số trẻ em đều thiếu thốn. Ở thành phố, tất nhiên vẫn còn những hoàn cảnh đáng quan tâm nhưng số đông thì trẻ em thành phố khá đầy đủ, việc uống sữa loại gì thậm chí đã được bố mẹ lựa chọn từ bé và đa số phụ huynh chỉ muốn cho con em mình dùng một loại sữa mà thôi. Và họ hoàn toàn không muốn khi đến trường con lại uống 1 loại sữa khác. Có phụ huynh còn đặt ra câu hỏi, để tăng chiều cao cho trẻ thì liệu với lượng sữa như đề án sữa học đường đưa ra có thể hỗ trợ được bao nhiêu.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất