Sau gần 20 năm chờ đợi, Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 31 đã chính thức quay trở lại Việt Nam. Tại lễ khai mạc SEA Games lần thứ 31 vừa qua, khán giả trong và ngoài nước đã được chứng kiến những hình ảnh đẹp nhất về tầm vóc, văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam cũng được thấy tinh thần, thông điệp mà SEA Games 31 muốn mang đến.
Với thông điệp tinh thần Việt Nam chủ động, kết nối và truyền cảm hứng, lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giữa bối cảnh thế giới gặp nhiều biến động lớn, lễ khai mạc SEA Games 31 đã thật sự thỏa mãn cả về phần nghe và phần hình.
Để có thể mang đến cho khán giả khắp Đông Nam Á một tiết mục hoành tráng mang đầy ý nghĩa, không thể không nhắc đến đạo diễn. Đạo diễn Hoàng Công Cường - người đứng sau thành công của chương trình.
Đạo diễn Hoàng Công Cường không phải là cái tên quá xa lạ với những khán giả thích xem những chương trình được đầu tư hoành tráng như các cuộc thi Hoa hậu, hay những sự kiện lớn ở nước ngoài…
Với bàn tay “ma thuật” giàu kinh nghiệm của mình, Đạo diễn Hoàng Công Cường cùng với ê-kíp đã thật sự mang đến cho người xem một buổi lễ khai mạc đầy màu sắc hiện đại, nhưng vẫn không thiếu đi ý nghĩa, thông điệp mà SEA Games 31 muốn mang đến.
Để hiểu rõ những khó khăn để thực hiện cho lễ khai mạc SEA Games 31 vừa qua, cũng như công tác chuẩn bị cho buổi bế mạc sắp tới, SAOstar đã có cuộc kết nối với Hoàng Công Cường để nghe những chia sẻ của vị Đạo diễn này năng này!
Xin chào Đạo diễn Hoàng Công Cường, chúc mừng anh vừa có màn thể hiện thành công tại lễ khai mạc SEA Games 31. Anh đã xem qua những đánh giá, bình luận của khán giả ở đêm khai mạc này chưa?
Tôi đã đọc khá nhiều bình luận trên các trang báo và mạng xã hội, nhiều tranh cãi đã nổ ra, tuy nhiên tôi rất tự hào về việc chúng tôi cùng ê-kíp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.
Nghệ thuật không có đúng sai, nghệ thuật là do góc nhìn mỗi người, nhưng kết cấu của lễ khai mạc SEA Games 31 rất chặt chẽ, vì mỗi tiết mục đều có thông điệp của nó. Những người làm nghề như chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì ý tưởng của mình đã trở thành hiện thực, với những khó khăn về thời gian và về công nghệ nhưng chúng tôi vẫn có thể hoàn thành thành công chương trình.
Anh và ê-kíp đã trải bao lâu để lên ý tưởng và bắt tay dàn dựng cho buổi khai mạc?
Thời gian viết kịch bản trước khai mạc, chúng tôi tốn khoảng 2 tháng, chốt kịch bản trước 45 ngày, và chỉ có 40 ngày để dàn dựng, tập luyện, lên phương án sản xuất nội dung, âm nhạc, đạo cụ, trang phục, hiệu ứng, cũng như tập hợp thiết bị âm thanh ánh sáng, sân khấu, máy chiếu và công nghệ.
Có sự bất đồng quan điểm nào giữa anh và ê-kíp trong quá trình dàn dựng, lên ý tưởng cho buổi khai mạc?
Có rất nhiều ý kiến khác nhau sau khi chúng tôi đưa ra kịch bản lần này, tuy nhiên kịch bản lễ khai mạc vẫn được thể hiện đến 90% kịch bản ban đầu của tôi và chị Ly Ly đặt ra.
Anh và ê-kíp đã trải qua những khó khăn nào trong quá trình dàn dựng cho buổi lễ khai mạc?
Chúng tôi tốn 300 triệu cho một lần thay bạt phủ kín 8000m sau mỗi lần tổng duyệt. Vì không có kinh phí nên dồn sức bảo vệ mặt sàn hết mức có thể. Đồng thời, ê-kíp cũng đã huy động 5 trường đại học làm tính nguyện viên tham gia lắp ráp, gắn khung, trải bạt để vừa bảo vệ sân cỏ, vừa để thực hiện mapping vì trời mưa, gió hàng ngày.
Dù khó khăn nhưng chúng tôi rất vui và có động lực khi Thủ Tướng cũng đã có mặt tại sân để động viên, kiểm tra tiến độ. Chưa kể khi tổng duyệt, Phó Thủ Tướng cũng bên cạnh theo dõi và góp ý kịch bản, dàn dựng. Chúng tôi coi đó là động lực tuyệt vời nhất.
Ngoài ra, ê-kíp cũng có sự hỗ trợ của Đạo diễn hình ảnh công nghệ - Nguyễn Hồng Vỹ, một người rất sáng tạo, nhiệt huyết trong quá trình dàn dựng. Anh cũng chính là tác giả của phần hình ảnh Chú Rồng thời Lý được thể hiện 3D trên bầu trời sân Mỹ đình
Bên cạnh đó, Giám chế điều phối công nghệ - đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh cũng đã theo sát, hỗ trợ dàn dựng để các phần trình diễn được chỉn chu nhất. Đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh là người rất có kinh nghiệm, tiên phong trong việc đưa công nghệ này lên sóng truyền hình quốc gia. Vì thế, tôi càng rất yên tâm, tin tưởng với sự góp sức này.
Đặc biệt, không thể thiếu sự hỗ của chị Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, kiêm Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Đây là một người chị mà tôi thấy được sự tham vọng, lúc nào cũng dặn mọi người đặt cái tâm vào các tiết mục để tạo nên một đêm khai mạc ấn tượng nhất. Nhờ chị Ly Ly mà vai trò của tôi càng được hiện rõ nét hơn tại lễ bế mạc vừa qua.
Anh có tham khảo qua các buổi khai mạc ở những lễ hội thể thao trên thế giới không, và đã áp dụng được những gì cho buổi khai mạc vừa qua?
Tôi có 10 năm nghiên cứu các kỳ Olympic và các đại nhạc hội thể thao lớn trên thế giới được tổ chức ở Rio, Sochi, Tokyo, Bắc Kinh hay Superbowl, Euro visions… Tôi đã mơ ước một ngày Việt Nam có thể làm được điều đó.
Tại SEA Games lần này, chúng tôi đã hoàn thành giấc mơ của mình như công nghệ 3D mapping nhiều nhất trong lịch sử một chương trình của Việt Nam với gần 50 chiếc, hay Công nghệ thực tế ảo AR Realtime với độ phủ đại cảnh hoành tráng lần đầu tiên tại Đông Nam Á, cũng là lần đầu tiên tại các kỳ SEA Games.
Yếu tố kỹ xảo được ê-kíp thực hiện như thế nào?
Kỹ xảo trong buổi khai mạc SEA Games được nhóm chuyên gia hàng đầu Việt Nam thực hiện gồm các tổ về Visual, công nghệ AR, nhóm họa sĩ, các chuyên gia kỹ sư đầu ngành để đấu nối các tín hiệu giữa công nghệ với máy quay truyền hình. Sau đó, chúng tôi phải quay lại toàn bộ chuyển động của các diễn viên để thực hiện những điểm nói về đồ họa mapping và AR, sao cho từng giây trên sóng truyền hình giữa đồ họa, âm nhạc, diễn viên, ánh sáng đều khớp với nhau.
Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn sự sáng tạo của nhóm chuyên gia: Hồng Vỹ, Hữu Thanh, Mạnh Viềng, Thảo Dark và Vũ Luân là những nhóm chuyên gia đầu ngành đã nghiên cứu và hiện thực hóa những đầu bài mà tôi đặt ra cho kỳ SEA Games lần này.
Vẫn còn điều gì khiến anh chưa thấy thỏa mãn ở buổi khai mạc?
Chúng tôi quá ít thời gian và làm việc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Nếu như có thêm thời gian để chuẩn bị hơn, thời tiết tốt hơn thì buổi khai mạc sẽ trọn vẹn.
Anh có trăn trở gì cho lễ bế mạc sắp tới của SEA Games 2021?
Tại buổi bế mạc cho SEA Games sắp tới, tôi muốn mang đến một không gian ấm cúng, sang trọng, và một lời chào thân mật với các bạn bè Đông Nam Á, không phô trương, không hoành tráng nhưng vẫn mang đến một không khí ấm cúng, xúc động.
Anh có thể tiết lộ lễ bế mạc sắp tới sẽ có những gì để không bị trùng lặp với buổi khai mạc?
Chắc chắn sẽ toàn khác biệt, tuy nhiên sẽ có một phần tổng hợp các tiết mục hay nhất của khai mạc để làm phần mở đầu cho lễ bế mạc.
Các buổi Lễ khai mạc và bế mạc luôn ẩn chứa những thông điệp được mỗi quốc gia đăng cai gửi gắm, anh nghĩ bạn bè quốc tế sẽ nhớ đến điều gì khi nhắc đến SEA Games 31 tại Việt Nam?
Đó chính là những hình ảnh mang thông điệp của chúng tôi qua hình tượng AR, Mapping. Thưởng thức buổi khai mạc, người xem có thấy xuất hiện hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Quay ngược trở lại lịch sử, Việt Nam là một nước có nghìn năm văn hiến, người xem có thể thấy hình ảnh trống đồng được thể hiện để làm phần Countdown. Countdown mở màn với hình ảnh câu chuyện về các quốc gia đăng cai SEA Games qua các mùa. Ở đây, chúng tôi mang hình tượng trống đồng là một di sản của Việt Nam thông qua các kỳ lễ hội. Trống đồng mang biểu tượng lịch sử, văn hóa, mùa lễ hội. Việc lấy thông tin này đưa lên kỳ SEA Games giống như cách mà Việt Nam đang chào đón bạn bè quốc tế.
Sau hình ảnh trống đồng là hình tượng rồng thời Lý bay lên. Vì đây là SEA Games do Hà Nội đăng cai tổ chức nên việc lấy hình tượng rồng thời Lý bay lên tạo nên sự thăng hoa, dấu ấn lịch sử, sự tự hào của người dân Thủ Đô chào đón bạn bè quốc tế.
Còn về tiết mục hoa sen. Hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết, đó là sự trong sáng, không vấy đục. Nó có ý nghĩa rất lớn, vì nhằm mục đích hướng tới những người tham gia SEA Games lần này, các vận động viên đều thể hiện tinh thần Fair-play, đoàn kết, vươn lên mạnh mẽ trong bùn lầy, và không bị vấy bẩn bởi các yếu tố tiêu cực nào. Mang hình tượng hoa sen vào đây, mặc dù chúng ta thấy hoa sen rất gần gũi với dân tộc Việt Nam nhưng cũng nói về tinh thần thể thao quốc tế.
Về hệ thống roll bay trên bầu trời khi kết cuối là biểu tượng của SEA Games 31, thể hiện sự trong sáng, minh bạch trong SEA Games được đẩy lên để nâng tầm SEA Games lên. Nếu như trên thế giới, người ta phải dùng hàng nghìn chiếc roll bay trên bầu trời để tạo nên đại cảnh lớn thì Việt Nam đã làm được điều đó.
Còn về hình ảnh tranh Đông Hồ - một loại hình tranh dân gian ở Bắc Ninh. Đây cũng là loại hình tranh xuất hiện trong các ngày vui, ngày lễ hội, thường nói về cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Việc dùng tranh Đông Hồ để vẽ ra các chất liệu khi các quốc gia đến với Việt Nam, thể hiện sự thân thiện của người dân Việt Nam. Đây là điểm nhấn rất quan trọng trong kịch bản lần này. Việc sử dụng chất liệu tranh Đông Hồ thể hiện thông điệp của Đông Nam Á - “Thể thao mang đến sự đoàn kết”, nằm trong một tổng thể, sự đoàn kết về văn hóa hòa trộn với nhau trong một dòng chảy.
Sau đó, có 40 bộ môn thể thao bằng hình tượng Sao La xuất hiện trên tranh Đông Hồ với nhiều hình ảnh vui nhộn. Đây là điều được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, tác phẩm tranh Đông Hồ trong chương trình lần này có thể trích dẫn trong báo Singapore, báo Thái Lan, Brunei,...
Bên cạnh đó, sự chào đón của nước chủ nhà Việt Nam thông qua những hình tượng những cô gái múa nón và câu chuyện đường đến Việt Nam. Hình ảnh những cô gái với chiếc nón, áo dài Việt Nam là đại diện cho sự thân thiện, hòa đồng, tiếp đón chu đáo. Những chiếc nón AR xuất hiện trên sân vận động Mỹ Đình giống như sự che mưa, che nắng, chào đón bạn bè quốc tế đến với Việt Nam bằng một nụ cười ấm áp, thân thiện và rất gần gũi.
Trong phần diễu hành, hình tượng 250 cô gái mặc áo dài xuất hiện trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình giống như một lời ấm áp khi một đoàn vận động viên xuất hiện và di chuyển ra sân khấu, họ sẽ cảm thấy được chào đón một cách rất gần gũi.
Bên cạnh đó, tiết mục mái chèo được thể hiện bởi 11 đoàn chèo, đại diện cho 11 quốc gia Đông Nam Á tới Việt Nam. Tên tiết mục này là “Chung một dòng chảy” - Đó là cùng chung một ý chí, sự đoàn kết, tinh thần của các quốc gia Đông Nam Á hướng tới một kỳ đại hội là SEA Games 31.
Tiếp đến là tiết mục rước đuốc để lấy ngọn lửa thiêng từ ánh mặt trời ở Lăng Bác. Hay việc sử dụng hình tượng 11 đàn cò bay về trong tiết mục múa tre, thể hiện Việt Nam là nơi đất lành, một đất nước hòa bình. Hình tượng con cò còn đại diện cho những người nông dân Việt Nam, nông dân của Đông Nam Á. Vì Đông Nam Á là các quốc gia làm nông nghiệp, có nền văn minh lúa nước. Thế nên hình tượng đàn cò thể hiện sự chịu thương chịu khó, chăm chỉ, giống như thông điệp của các vận động viên - phải rèn luyện, tôi luyện thì mới có thành tích cao.
Cảm ơn Đạo diễn Hoàng Công Cường về cuộc trò chuyện này!