Sắc màu Cuộc Sống

Đàn ông Việt và sự 'bạo hành tinh thần' không dám thổ lộ

Lê Hồng Lâm
Chia sẻ

Hình ảnh một ông bố kiểu “daddy’s home” không xa lạ gì ở các nước phương Tây, đặc biệt là có cả những câu lạc bộ “daddy’s home” ở Mỹ; nhưng ở Việt Nam, nếu có một ông bố ở nhà chăm con để vợ đi làm, hình ảnh ấy thường gắn liền với cái nhìn soi mói kiểu “đàn ông bất tài, vô dụng”.

Đấy chỉ là một trong những định kiến của xã hội về đàn ông Việt.

Đàn ông có (nên) được "miễn" việc nhà?

Đàn ông có (nên) được “miễn” việc nhà?

Nếu ở Mỹ, việc người phụ nữ chịu trách nhiệm kiếm tiền nuôi sống cả gia đình khá phổ biến. Không dễ dàng như việc “gửi con ở bà nội, bà ngoại” hay thuê ô sin chăm như ở ta, ở các nước phương Tây, nếu bà mẹ chịu trách nhiệm kiếm tiền, thì ông bố phải chấp nhận nghỉ việc để ở nhà chăm nuôi con hoặc ngược lại. Nhưng ở Việt Nam, với truyền thống Á Đông và cái định kiến gắn chặt với hình ảnh “đàn ông là trụ cột của gia đình” khiến nhiều quý ông phải gồng mình lên để thể hiện, cho dù đôi lúc công việc đó hoàn toàn không phù hợp với năng lực của họ.

Nếu phụ nữ Việt thường bị định kiến “đảm việc nước, giỏi việc nhà” như một chiếc vương miện (mà thực ra là một cái vòng kim cô) gắn chặt trên đầu thì đàn ông Việt cũng phải đối mặt với chí nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất. Trước cái áp lực “đại trượng phu” đó, đàn ông Việt thường “nuốt nước mắt vào trong” khi đứng trước những thất bại, hay gục ngã trước một biến cố nào đó. Đàn ông khóc thường gắn với cái gì đó yếu đuối, “nữ nhi thường tình”, và dần dần giết chết nhu cầu thể hiện cảm xúc, một nhu cầu vốn rất cơ bản của con người.

Đàn ông phải đẹp "ngọt ngào" như thế này?

Đàn ông phải đẹp “ngọt ngào” như thế này?

Truyền thông hiện đại Việt Nam trong cơn sốt về xây dựng “phong cách sống”, trước làn sóng của các bộ phim châu Á xây dựng các hình mẫu vốn không hề điển hình như các chàng “soái ca” ga lăng, hào hoa, lãng tử và lãng mạn trong các bộ phim ngôn tình, những quý ông “manly” theo chuẩn “6 múi” cũng vô hình trung đẩy quý ông Việt đối mặt với những đòi hỏi hay phán xét phi lý của các cô gái Việt Nam. Tất nhiên, những xu hướng phong cách sống mới đầy tích cực này cũng là cơ hội để đàn ông Việt nhìn lại mình, chăm chỉ tập luyện, hạn chế các chất kích thích và ít nhiều thay đổi về ngoại hình, ăn mặc theo hướng tích cực hơn. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội để thay đổi theo phong cách sống mới này vì nó còn phụ thuộc vào tính chất công việc, thói quen, quan điểm về vẻ đẹp nam tính của mỗi người.

Những định kiến về sự mạnh mẽ, trụ cột gia đình, các yêu cầu vô lý về chuyện “đi ăn đàn ông phải trả tiền” lâu dần hình thành những quan điểm sai lầm và càng khiến sự mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng ở xã hội Việt Nam. Nếu đàn ông không đủ mạnh mẽ thì bị cho là yếu ớt không đáng mặt nam nhi. Nếu đàn ông kiếm tiền thua vợ hoặc ở nhà chăm con thì bị chê là hèn kém, bạc nhược. Nếu đàn ông đòi “chia tiền” trong các buổi đi ăn thì bị cho là keo kiệt, bủn xỉn… Đó thực chất là những bạo hành về tinh thần mà đàn ông Việt phải đối mặt hàng ngày trước những định kiến và quan điểm sai lầm kéo dài trong nhiều năm trời và không dễ gì xóa bỏ.

Hoặc cơ bắp săn chắc, chuẩn 6 múi "soái ca" kèm theo gương mặt sắc lạnh?

Hoặc cơ bắp săn chắc, chuẩn 6 múi “soái ca” kèm theo gương mặt sắc lạnh?

Những bạo hành về tinh thần đó lâu dần sẽ đẩy đàn ông Việt vào thế phải gồng mình lên để chứng tỏ và thậm chí nảy sinh những biến thể theo hướng tiêu cực, mà bạo hành gia đình là một những hậu quả tồi tệ nhất. Khi đàn ông kiếm tiền nuôi cả gia đình, anh ta là ông chủ của gia đình. Khi đàn ông trả tiền trong các bữa ăn nhậu, anh ta có thể nhậu tới bến mà không cần quan tâm tới người phụ nữ bên cạnh. Những biến thể đó lâu dần hình thành thói quen gia trưởng, vũ phu.

Trong một nghiên cứu “định kiến về đàn ông Việt”, nữ tiến sĩ Khuất Thu Hồng thậm chí còn đề xuất: “Có lẽ chúng ta cần có phong trào để cứu lấy đàn ông Việt Nam. Có thể thấy, đàn ông gây ra nhiều đổ vỡ gia đình, là người gây ra đa số các vụ bạo lực gia đình; không chia sẻ việc nhà với vợ, gây áp lực cho vợ. Thực ra, nam giới cũng chính là nạn nhân của các định kiến xã hội về gia trưởng khắc sâu. Họ còn là nạn nhân và thủ phạm chính của các vụ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nghiện hút, nghiện rượu, bệnh tật hiểm nghèo, đánh nhau. Nếu không có các can thiệp có thể tình hình sẽ ngày càng xấu đi”…

Một xã hội văn minh là xã hội mà đàn ông và phụ nữ cùng gánh vác những trách nhiệm xã hội và gia đình, xóa bỏ những định kiến sai lầm về đặc điểm giới, ngoại hình. Một xã hội mà mỗi người đàn ông là một cá thể độc lập, một thế giới độc lập không bị đóng chung vào một cái khuôn méo mó kiểu “chuẩn soái ca 6 múi”. Có quý ông lịch lãm hào hoa thì cũng có những chàng trai hiền lành, chất phác. Có những anh hùng cứu nhân độ thế thì cũng có những người đàn ông bình thường biết làm tốt công việc của mình mỗi ngày và bảo vệ cho những giá trị nhỏ mà anh ta quan tâm…

Vậy thì điều gì để một người đàn ông thực sự là đàn ông? Nói một cách giản dị nhưng cũng đầy triết lý sâu xa như ngạn ngữ Mông Cổ, quê hương của Thành Cát Tư Hãn: “Dù bị ngã 7 lần, đến lần thứ 8 người đàn ông vẫn đứng dậy được.”

Thông tin về tác giả

Nhà báo Lê Hồng Lâm hiện là Thư kí toà soạn tạp chí Thể thao Văn hoá và Đàn ông, anh được biết đến như một trong những cây bút phê bình Điện ảnh hàng đầu hiện nay. Bên cạnh đó, Lê Hồng Lâm cũng đã từng được mời vị trí Giám khảo cho LHP trực tuyến Yxineff mùa đầu tiên và hiện đang kiêm nhiệm vai trò Host của chương trình Thảm đỏ - phát sóng trên Starmovie và HBO cũng như tham gia nhiều cuộc hội thảo liên quan đến đề tài Văn học - Điện ảnh với vai trò diễn giả. Ngoài viết báo, nhà báo Lê Hồng Lâm cũng đã tổ chức bản thảo và xuất bản một vài đầu sách phê bình Điện ảnh cũng như tham gia vào tủ sách Điện ảnh của nữ đạo diễn Việt Linh.

undefined
Chia sẻ

Bài viết

Lê Hồng Lâm

Tin mới nhất