Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện cụ bà 94 tuổi 52 năm chờ chồng về cùng vợ mới: 'Đừng lấy tiêu chuẩn từ người khác để áp lên tình yêu của mình'

Vương Phi
Chia sẻ

Valentine năm nay, bạn đang ở đâu, có ở bên người mình thương yêu không hay là đang giận dỗi trốn ở 1 góc phòng? Nếu đọc được bài viết này, đừng suy nghĩ quá nhiều rằng ngày mai sẽ ra sao, ngày hôm nay, chúng ta hãy cứ sống trọn vẹn cho tình yêu trước đã.

Mùa xuân năm 2017, tôi có dịp được viết về chuyện tình 52 năm chờ chồng của cụ Nguyễn Thị Xuân (khi ấy 94 tuổi, ở thôn Vĩnh Thanh, Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội). Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ rất minh mẫn. Từng câu chuyện trong hồi ức suốt 94 năm, cụ đều có thể kể ra vanh vách và rõ ràng nhất là quãng thời gian 9 năm sống cùng người chồng Nhật Bản - ông Shimizu Yoshiharu (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức, SN 1919).

Câu chuyện ấy đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Bởi lâu lắm rồi, họ mới thấy có tình yêu cao thượng đến thế. Người phụ nữ dành hơn nửa thế kỷ hướng về một tình yêu để rồi ngày đầu tiên gặp lại, chồng cũ lại xuất hiện cùng vợ mới và những người con của họ đang sống yên ấm, hạnh phúc ở cách đó hơn 4.000km.

Cô Phương khóc khi kể về tình yêu của mẹ.

Có buồn, vui, giận hờn và cả 1 chút than trách nhưng sau cùng, tình yêu đã giúp cụ Xuân thứ tha tất cả. Điều người ta vẫn tưởng là mong manh, dễ vỡ, cuối cùng lại trở thành sức mạnh to lớn, kết nối 2 gia đình với hàng chục con người gần nhau hơn. Mùa xuân năm 2018, cụ Xuân và ông Đức đều không còn trên thế gian này. 2 người đã lần lượt đi về thế giới bên kia, khép lại hành trình yêu thương trọn vẹn - 1 tình yêu sắt son, bền bỉ được nuôi dưỡng bởi 2 trái tim đẹp đẽ. Trong ngày lễ Valentine năm nay, chúng tôi muốn 1 lần nữa kể lại cho độc giả nghe về câu chuyện của họ - hành trình cuối cùng và những mẩu chuyện ngắn chưa từng được hé lộ trên mặt báo.

Năm 1945, cụ Xuân kết hôn cùng ông Shimizu. Sau đám cưới giản dị ở đơn vị công tác, họ về sống chung 1 nhà và có với nhau 4 mặt con. Chiến tranh khốc liệt, cả 2 nhiều lần phải tản cư hoặc di chuyển theo đơn vị bộ đội. Rồi dịch sốt rét đã cướp đi tính mạng người con gái út ở chiến trường. 9 năm bên nhau là 9 năm gian khó, đối mặt với biết bao hiểm nguy cận kề khi mưa bom bão đạn hay những lúc nắm chặt đôi tay, khóc cạn nước mắt vì đồng đội ngã xuống… Và rồi… hạnh phúc cũng đã đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc.

Hòa chung niềm vui cùng người dân cả nước, cụ Xuân lúc ấy mang hy vọng mãnh liệt rằng rồi đây, cuộc sống của mình sẽ yên ổn hơn. Không còn những chuyến công tác xa nhà, chồng lên Thái Nguyên vợ ở Hà Nội, không còn những ngày 2 vợ chồng con bồng, con bế dắt díu nhau đi tản cư… Hạnh phúc lúc ấy cụ mơ ước chỉ là mỗi sớm mai bình yên thức dậy, chồng cày cấy, vợ làm thuê sáng tối gần nhau.

Câu chuyện về cụ Xuân giờ đây chỉ còn là hoài niệm qua lời kể của cô Phương.

Thế rồi thực tế không như cụ mong đợi. 1954 cũng là năm mà ông Shimizu chào cụ Xuân lên đường về Nhật Bản. Chuyến đi dài như cả đời người ấy, ông Shimizu vốn đã biết nhưng lại không dám nói thật với cụ Xuân. Chỉ có mình cụ vẫn ngỡ rằng, lần này chồng đi, cũng như bao lần khác, 5-10-15-20 ngày rồi sẽ về…. Cụ cứ đợi, chớp mắt đã 52 năm đẵng đẵng trôi qua.

Nhiều lần dò la tin tức, năm 2006, cặp vợ chồng ngày nào gặp lại nhau nhưng lúc này, ông Shimizu đã có vợ và 3 người con ở Nhật Bản. Đáp lại bức thư dài nhận lỗi của chồng, cụ Xuân chỉ kịp nói 1 câu thật xót xa: “Tôi không ngờ, tôi lại mất anh“.

Nỗi đau, chua chát từng xâm lấn tâm hồn và trái tim cụ Xuân. Nhưng vì yêu 1 người, cụ sẵn sàng gạt qua tất cả, vượt lên trên những ranh giới mà người ta vẫn nghĩ là, 1 người phụ nữ yếu đuối không thể nào làm nổi để thứ tha trọn vẹn, thứ tha trọn đời cho ông Shimizu. Ngày gặp lại, 2 đôi tay nhăn nheo nắm chặt lấy nhau. Họ đã cùng già đi nhưng năm tháng chỉ có thể làm tẩy nhòa màu tóc mà chẳng thể khiến tình yêu phôi pha.

Cụ Xuân giờ đây đã yên nghỉ cùng ông Shimizu.

Khi nghe câu chuyện này, nhiều người vẫn hồ nghi về tình yêu của cụ Xuân và ông Shimizu. Đúng là tình yêu ấy đẹp quá, đến nỗi chính người được nghe từ đầu đến cuối câu chuyện do người trong cuộc kể lại như tôi còn cảm thấy mơ hồ. Có người hỏi tôi: “Cô tin có tình yêu đẹp đến vậy à“? Người khác lại bảo: “Chắc chỉ thời xưa mới có tình yêu như thế”. Hoặc người lại mỉa mai, nói rằng cuối cùng vì không có được hạnh phúc, cụ Xuân đành chọn cách thứ tha, vì không có sự lựa chọn nào nên mới phải chấp nhận hy sinh… .

Thế nhưng thế giới này luôn có những câu chuyện thực sự tốt đẹp và tình yêu chân thành, luôn ở gần bên bạn. Không chỉ có cụ Xuân yêu chồng mà rất nhiều người khác còn yêu nhiều hơn thế. Hãy tin vào điều đó vì phải có niềm tin, chúng ta mới có thể đọc và thật sự đồng cảm cùng nhân vật!

Năm 2011, ông Shimuzu qua đời ở Nhật Bản sau nhiều năm chống chọi với bệnh tai biến. Một ngày bất ngờ, cô Sasuko - con gái ông ở bên đó, gọi điện về báo tin cho cô Nguyễn Thị Phương (con gái cả của cụ Xuân).

Ngay lập tức, nỗi buồn quá lớn xâm chiếm và ngập tràn trong lòng tất cả mọi người. Không ai muốn tin, lần gặp gỡ năm 2006 sẽ là ngày đầu tiên cũng như lần cuối cùng họ được gặp lại bố ruột. Nhưng dù có khóc hay buồn đến bao nhiêu thì thực tế vẫn phù phàng như thế!

Biết rằng nỗi đau này quá lớn nên tất cả con cháu cụ Xuân đã cố gắng kìm nén, giữ giọt nước mắt âm thầm chảy trong lòng mà không dám nói thật với mẹ. 6-7 năm đã qua, suốt những năm còn sống, cụ Xuân vẫn ngày ngày nhắc đến ông Shimuzu với 1 tình yêu tha thiết vì tin rằng, ở Nhật Bản, ông vẫn đang sống khỏe và hạnh phúc.

Cụ hay kể với con cháu ông Shimizu là người tốt đẹp ra sao, yêu thương vợ con như thế nào, gương mặt hiền lành, tính cách lương thiện tuyệt vời… Mỗi lần như thế, những người con chỉ biết ngồi nghe rồi lặng lẽ rơi nước mắt, có lúc không chịu nổi, đành ngậm ngùi, quay ra giấu mẹ khóc nức nở.

Cô không dám nói vì cô biết nói ra mẹ sẽ gục ngã. Gần 1 thế kỷ, từ khi biết bố cô, mẹ sống nhờ tình yêu. Trong những năm tháng tuổi già, mẹ sống hoàn toàn vì niềm tin mơ hồ sẽ có ngày gặp lại bố. Mẹ không biết lúc nào mới được gặp, cũng biết là chuyện đó rất khó khăn nhưng mẹ cứ nuôi hy vọng, đợi chờ. Nếu nói thật với mẹ là bố đã mất thì thật sự quá tàn nhẫn, xót xa”, cô Phương kể lại.

Năm 2017, gia đình cô Phương nhận được thông báo về chương trình hội ngộ do Nhà nước Nhật Bản tổ chức để con các cựu chiến binh Nhật có thể về thăm quê hương. Tháng 10 năm ấy, 15 người con cháu cụ Xuân từ Việt Nam đáp chuyến bay đến xứ sở hoa anh đào. Cụ Xuân đang đổ bệnh phải nằm điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn không ngừng dõi theo với biết bao hy vọng.

Nhiều năm trước, cụ từng nhận món quà 10 chiếc khăn mặt lau nước mắt, 1 đôi đũa, 3 chiếc thìa và 1 đôi tất với ngụ ý trước sau vẫn đồng lòng như một nên lần này, cụ không biết ông Shimizu sẽ gửi gì, nhắn những lời yêu thương như thế nào dành cho mình. Thế nên cụ chờ đợi, hy vọng và trên hết, luôn mong rằng, dù có thế nào, vẫn nhận được tin ông Shimizu còn sống.

Nhưng rồi sau chuyến đi ấy, biết mọi chuyện không còn có thể giấu mãi được nữa, các con đành nói thật với cụ rằng bố đã mất và gia đình bên ấy đồng thuận để con cháu đem tro cốt của ông về Việt Nam an táng.

Ngày nghe con gái cả nói ra tin dữ, cụ Xuân không khóc nổi một giọt nước mắt. Nằm trên chiếc giường phủ ga trắng muốt ở bệnh viện, đôi tay cụ buông thõng xuống thành giường, đôi mắt rủ xuống và gương mặt bình thản chưa từng có.

Mẹ đã khóc hết nước mắt rồi con à. Tuổi già ai rồi cũng phải đi, không thể nào khác được nhưng mà lòng mẹ còn thương bố con nhiều lắm“, cô Phương nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Cụ Xuân nói thế rồi giả vờ thiêm thiếp ngủ, đến sáng hôm sau thì đập giường, đập chiếu đòi ra về. Mặc cho cô Phương thuyết phục bao nhiêu, cụ Xuân lúc đó chỉ lặng im, không nói gì. Sau cùng, cụ bảo mình đã già, mọi chuyện lực bất tòng tâm, chỉ mong được về nhà, sống vui vầy những ngày tháng cuối đời thay vì cứ phải vật vã chống chọi ở bệnh viện. Hơn nữa, cụ muốn về để tiễn chặng cuối đưa tro cốt ông Shimizu lên chùa.

Huy chương của ông Shimizu gửi tăng cụ Xuân.

Tất cả những kỉ niệm này giờ đây cô Phương thay cụ Xuân giữ gìn.

Sáng hôm sau, người nhà làm giấy cam kết đưa cụ Xuân ra viện. Ngày đưa tro cốt ông Shimizu đi, cụ Xuân lặng lẽ khóc. Ôm nắm tro tàn trong tay, cụ bảo với các con rằng kiếp này, mình đã hoàn toàn mãn nguyện.

Ngày xưa 52 năm đợi bố con, lúc nào mẹ cũng chỉ ước có ngày gặp lại chồng. Nếu không gặp được thì có ai đó sang Nhật Bản, chụp cho mẹ tấm ảnh bố con đã già để về đây đặt cùng ảnh của mẹ tóc đã bạc. Năm 2006 bố con sang đây, mẹ đã tha hồ có cả trăm bức ảnh. Mẹ lại được nắm tay, nhìn thấy, nói chuyện với ông ấy thế là mãn nguyện.

Rồi ông ấy về Nhật Bản, mẹ lại ước sau này mình mất đi, sẽ được chôn cùng chỗ với chồng. Bây giờ các con đã đưa bố về đây, sẽ không ai tranh giành nguyện ước ấy với mẹ được nữa. Thế là đời mẹ ước gì được nấy đó các con ạ“, cô Phương nhắc lại lời cụ Xuân mà nước mắt không ngừng rơi.

Nguyện ước của cụ Xuân sao mà xót xa quá! Có lẽ với người khác, họ phải mơ ước nhiều hơn thế nhưng cụ Xuân không giống họ. Cả đời cụ trọn vẹn với giấc mơ một tình yêu, ngay cả đến lúc sắp sang thế giới bên kia, vẫn còn cảm thấy an lòng vì những điều vô cùng bình dị. Ảnh cụ Xuân khi còn sống - Nguồn: Mai Lân/Trí thức trẻ.

Rồi mẹ gục ngã rất nhanh. Những ngày đầu xuất viện mẹ ăn uống rất tốt nhưng hóa ra chỉ cố để con cháu không tiếp tục đưa mẹ vào viện. Khi tim đã suy nặng, mẹ bình thản ra đi. Lúc đi xa, mẹ bảo sẽ đi tìm ông Shimizu của mình. Đời đời kiếp kiếp, mẹ nguyện được kết làm vợ chồng với bố. Người ta bảo, kiếp này ai còn nợ ai, kiếp sau sẽ trả. Kiếp này bố còn nợ mẹ thì kiếp sau sẽ đền đáp cho mẹ“.

Sau khi cụ Xuân mất, gia đình hỏa táng và đưa tro cốt ông Shimizu về cùng an táng ở ngôi mộ sóng đôi. Giờ đây, không ai có thể chia lìa đôi uyên ương. Chiến tranh, mưa bom, bão đạn hay cả sự thay đổi thời cuộc thì mãi mãi, họ vẫn được yên nghỉ nằm cạnh nhau. Hành trình dài hơn nửa thế kỷ, cuối cùng đã khép lại. Không còn nỗi nhớ đến quặn lòng, hy vọng mòn mỏi trong xót xa… ở đây chỉ còn lại tình yêu. Đến cuối cùng, giấc mơ của cụ Xuân cũng đã trở thành hiện thực và chính ông Shimizu, có lẽ cũng được thanh thản khi quay lại Việt Nam, vĩnh viễn ở bên cạnh cụ Xuân.

Hãy hỏi lòng rằng chúng ta đã làm gì để xây đắp 1 tình yêu đích thực?

Bấy lâu nay từ khi biết tới câu chuyện của cụ Xuân, tôi vẫn chỉ được gặp gỡ cụ và người nhà bên này mà chưa có dịp nói chuyện với những người thân bên Nhật Bản của ông Shimizu. Thật khó để cảm nhận trọn vẹn 1 tình yêu nếu chúng ta chỉ có thể nhìn từ 1 phía nhưng trong lời kể của cụ Xuân và con cháu, hình ảnh, tình yêu từ ông Shimizu cũng phần nào hiện lên thật rõ ràng.

Người ta nói, khi đã yêu, chuyện hy sinh giống như 1 bản năng. Chỉ cần người đó xứng đáng, cả đời họ cũng không còn cảm thấy tiếc nuối. Tình yêu của cụ Xuân, có lẽ cũng phần nào minh chứng rằng, ông Shimuzu, hẳn đã sống với 1 nhân cách rất đẹp.

Mẹ kể có lần bố đau mắt xin về nghỉ phép mà bom rơi rất dữ nên phải đi tản cư. Mẹ thì con bồng con bế, ngơ ngác còn bố cứ mải mê lo liệu chỗ ăn ở cho gia đình đồng đội. Mẹ chờ mãi không thấy bố hỏi han nên cáu quá, hỏi lại: “Anh không lo cho vợ con à, con khóc, vợ bơ vơ mà cứ mải mê lo cho hết người này tới người khác”.

Bố nghe thấy vậy liền ân cần bảo, Xuân nghĩ thế là nghĩ hẹp. Bạn bè còn phải ra chiến trường, sống chết chưa biết thế nào. Mình đau mắt được về phép, nhìn thấy vợ con đây rồi là hơn gấp nhiều lần người ta. Phải lo cho đồng đội trước còn mình sau thế nào chả được.

Mẹ lặng lẽ suy nghĩ thấy bố nói đúng, liền cùng bố tất bật lo cho mọi người rồi mới tìm chỗ ăn ngủ cho các con. Đó cũng là lý do vì sao mẹ yêu bố nhiều đến thế. Bởi vì bố thật sự là người có tấm lòng và suy nghĩ tốt đẹp. Ở bên bố, mẹ học được rất nhiều thứ, hoàn thiện bản thân và sống tốt đẹp, vị tha hơn chính những gì mẹ từng nghĩ mình có thể làm được”.

Cô Phương năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn hết sức xúc động mỗi khi nhắc về mẹ.

Giữa 2 người ngoại quốc, họ khác nhau về rất nhiều điểm. Hoàn cảnh sống, nền tảng giáo dục từ nhỏ, mục tiêu hướng tới khác nhau đã tác động làm suy nghĩ và tính cách khác nhau. Người ta thường nói, những người không cùng chung chí hướng sẽ rất khó để đi trên cùng 1 con thuyền. Có những cặp tình nhân cãi vã rồi chia tay, không phải vì họ đã hết yêu mà vì không tìm thấy sự đồng điệu cũng như vượt qua nổi ranh giới của những định kiến do chính mình tạo nên.

Giống như chúng ta vẫn hay đặt tiêu chuẩn cho việc xác định 1 người có yêu mình hay không, rằng người đó phải dành thời gian cho mình, đặt mình lên vị trí ưu tiên cao hơn tất cả những thứ khác… Sai hết rồi, nếu ở trường hợp của cụ Xuân, tất cả tiêu chuẩn ấy đều không đúng vì tình yêu và vợ con, được ông Shimizu xếp sau quá nhiều thứ.

Nhưng mẹ bảo, yêu 1 người là phải hiểu và chấp nhận người đó. Tình yêu không có đúng sai chính là ở chỗ đó. Là vì nó rất riêng đối với tùy từng người, không ai giống ai và cũng không ai có thể đem tiêu chuẩn của người khác để áp lên tình yêu của chính mình.

Có lúc bố hay bảo mẹ nghĩ thấp, nghĩ hẹp vì mẹ chưa biết phá bỏ định kiến. Nếu cứ lấy suy nghĩ và tiêu chuẩn của mình áp lên người khác thì ai cũng thành sai hết. Vì thế phải hạ cái tôi của mình xuống để nhìn được nhiều hơn, hiểu mọi thứ sao cho thật sâu sắc và trước khi than trách điều gì, phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân.

Bố cũng luôn mong mẹ là người mạnh mẽ, dù có bố hay không có bố ở bên, vẫn không ngừng học hỏi, phát triển bản thân và cáng đáng được mọi chuyệnKhi bố về Nhật, có nhiều điều ông nói khi trước mẹ chưa kịp hiểu thì dần dần mẹ đã hiểu và làm theo. Rồi mẹ hiểu tình yêu của bố sâu sắc hơn và cũng từ đó biết rằng, trong suốt cuộc đời mình, không ai còn có thể thay thế được ông Shimizu”.

Khi cụ Xuân còn trẻ, rất nhiều lần các con giục cụ đi thêm bước nữa. Nhưng ai đã yêu chắc sẽ hiểu được cảm giác lúc trái tim đang hướng về một người mà vì điều này hay điều khác, phải cố gắng gặp gỡ 1 người thứ 3. Càng gặp họ, lương tâm càng dày vò và trái tim lại càng tha thiết nhớ người mình yêu.

Đó cũng là lý do vì sao cụ Xuân có thể chờ chồng tận 52 năm không 1 lời oán trách. Bởi vì khi tình yêu đủ lớn, nó sẽ giúp cả trái tim và lý trí có chung sự lựa chọn. Chính các con cụ, khi nghe quyết định không đi bước nữa của mẹ, cũng chỉ biết lặng lẽ tôn trọng và giúp những năm tháng còn sống của mẹ bớt lam lũ, cơ cực.

Không có chồng ở bên, cụ Xuân một mình gồng gánh nuôi 3 người con. Năm các con còn nhỏ, người em út lâm bệnh nặng qua đời, bỏ lại 2 đứa con thơ bơ vơ khi bố chúng đi bước nữa. Thương các cháu, cụ đem theo 2 đứa trẻ về Đông Anh nuôi dưỡng. Cuối cùng, mình cụ phải chăm lo cho tất cả 5 người, con cháu cụ đều xem như nhau.

Ảnh: Mai Lân/Trí thức trẻ.

Mẹ vẫn nhớ lời bố dặn phải nghĩ rộng, thoáng hơn và biết giúp mọi người, biết cho đi tình yêu của mình nên lúc thấy các cháu khổ sở, mẹ dang tay nhận nuôi mà chẳng hề suy nghĩ“, cô Phương kể.

Một mình cụ Xuân làm lụng chẳng đủ ăn vì vốn dĩ từ nhỏ, cụ không biết làm việc đồng áng. Thế mà vì con cháu, cụ cũng học cuốc, cày, chợ búa, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Thương mẹ nên từ nhỏ, cô Phương cũng phải “nai lưng” cật lực, sáng chăn trâu cắt cỏ, đêm đốt đèn học đến lúc gà gáy.

“Thấy cô vất vả mẹ thương lắm. Có đêm nằm ngủ mẹ bảo nhà mình nghèo quá nên các con phải khổ, còn bé tí đã phải ra đồng, vác cái cuốc còn to hơn cả người mà cuốc đất nhưng mẹ cũng không biết phải làm sao. Một mình mẹ làm chẳng đủ nuôi các con“.

Vất vả là thế nhưng cụ Xuân vẫn dốc sức cho các con ăn học đến nơi đến chốn vì khi đi, ông Shimizu có dặn phải cho các con học hành thì cuộc đời mới đổi khác. Thế nên cụ Xuân vẫn miệt mài cố gắng. Nuôi con, nuôi cháu, cụ còn hết lòng giúp đỡ người dân trong làng mỗi khi họ ốm đau. 70 năm đã qua, cô Phương cùng các em mình đã học được từ mẹ biết bao nhiêu đức tính tốt đẹp và trong đó quan trọng nhất là chuyện biết yêu thương người khác chân thành.

Giờ đây mỗi khi không hài lòng về vợ hoặc chồng, các con cụ lại nhớ lời mẹ dạy, phải hạ thấp cái tôi xuống một chút, nhìn mọi chuyện thông suốt, sâu sắc hơn. Điều ấy đã khiến gia đình họ luôn hòa thuận, vợ chồng, con cái thấu hiểu và chia sẻ mọi vui buồn cùng nhau.

Cụ Xuân đã đi xa, sang thế giới bên kia để tìm ông Shimizu của mình nhưng câu chuyện và bài học tình yêu cụ để lại, nhiều năm sau có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Tôi luôn tin, tình yêu đẹp thời nào cũng có. Chỉ tiếc là không biết bao lâu nữa, mới có cơ hội được gặp và biết 1 người có tình yêu sâu sắc như cụ Xuân.

Nếu bạn cũng đang có 1 tình yêu, xin hãy giữ chặt lấy nó và đừng vội buông tay bởi vì yêu hay được yêu cũng đều là hạnh phúc!

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất