Sắc màu Cuộc Sống

Chiến sĩ cảnh sát đút tay vào miệng để em bé cắn khi trẻ lên cơn co giật: Giới y khoa lên tiếng

Quang Ngọc
Chia sẻ

Hành động cứu người dũng cảm của hai chiến sĩ cơ động được nhiều người khen ngợi, tuy nhiên cách sơ cứu của họ lại không được các bác sĩ khuyến khích.

Tối 4/8 vừa qua, một trường hợp tai nạn hi hữu đã xảy ra trên khán đài SVĐ Thiên Trường khi trận đấu giữa đội Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai đang diễn ra.

Một khán giả nhí bị lên cơn co giật và ngất xỉu, ngay lập tức các chiến sĩ cảnh sát cơ động, bảo vệ khán đài đã có mặt để hỗ trợ đưa cháu bé đi cấp cứu. Trong quá trình di chuyển khỏi khán đài, một cảnh sát cơ động đã nén đau đưa ngón tay vào miệng cháu bé để ngăn không cho bé cắn vào lưỡi, đồng thời tránh tình trạng nuốt lưỡi.

Cho tay vào miệng người bị co giật là hành động cấp cứu sai lầm, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Hành động cứu người dũng cảm của chiến sĩ cảnh sát nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng:  “Một hành động rất đẹp của cảnh sát cơ động”; “Một hành động đẹp đáng để tôn vinh”; “Thật may mắn, cám ơn những chú cơ động”; “Cảm ơn các đồng chí đã dũng cảm vì dân. Mong những hình ảnh này sẽ được nhân dộng hơn nữa”; “Chắc là rất đau, tôi cũng chứng kiến cảnh này rồi, chúc anh cùng gia đình sức khỏe hạnh phúc và luôn may mắn”; “Vì nuớc quên thân vì dân anh cứu mạng cháu nhỏ một tấm gương sáng cho mọi người học tập”…

Tuy nhiên, cách sơ cứu cháu bé bị co giật của chàng chiến sĩ cơ động lại không được các bác sĩ và giới y học khuyến khích bởi hành động này có thể gây ra những nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân.

Trả lời trên báo Đất Việt, TS.BS Hoàng Đức Giang - Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hành động đút tay hay đưa một vật cứng vào miệng trẻ đang lên cơn co giật được làm từ trong dân gian vì nghĩ rằng điều đó sẽ ngăn cản trẻ không cắn vào lưỡi. Nhưng điều đó lại gây nguy hại cho trẻ khi những vật thể lạ này có thể sẽ khiến đường thở của trẻ bị bịt lại. 

Người lên cơn co giật thường nghiến chặt hai hàm răng vào nhau. Muốn đưa được vật thể để ngăn cách hai hàm răng thì phải có tác động mạnh từ bên ngoài để tách hai hàm răng ra. Để làm được điều này đòi hỏi phải dùng lực mạnh, dễ gây tổn thương cho hệ cơ hoặc xương người bị co giật. Có thể trong tình huống gấp gáp, các chiến sĩ CSCĐ trên SVĐ Thiên Trường đã xử lý theo bản năng và những gì mình biết được. Nhưng về mặt khoa học thì không khuyến khích việc đút vật thể lạ vào miệng trẻ khi lên cơn co giật”.

Quan niệm người co giật hay cắn, nuốt lưỡi là suy nghĩ không đúng. (Ảnh: Khoahoctv)

Cùng chung quan điểm trên, trả lời trên báo điện tử VTC News, bác sĩ Trương Hoàng Hưng cho biết: “Quan niệm cứ co giật là lưỡi tuột vào trong gây nghẹt thở là không đúng. Vì vậy, việc tự ý cho tay hay vật vào miệng để ngăn cắn hay nuốt lưỡi là hoàn toàn sai lầm, thậm chí còn mang họa cho người bệnh”. 

Theo bác sĩ Hưng, khi co giật sẽ không ai thè lưỡi ra mà thường thụt lưỡi vào cho nên nếu có “lỡ” cắn, thì chỉ cắn phải hai bên viền lưỡi, không gây ảnh hưởng nhiều. Do đó, hành động cố gắng chèn vật hay ngón tay vào giữa hàm răng người đang co giật là vô bổ vì không những không có tác dụng, mà sẽ gây chấn thương rách niêm mạc miệng, gãy răng, gây hít sặc vào phổi, chấn thương ngón tay, tăng nguy cơ nhiễm bệnh qua lại giữa người bị co giật và người cấp cứu, đặc biệt nguy hiểm.

Ths. BS Dương Văn Tâm - Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng khuyến cáo không nên tự tay chèn vật lạ vào miệng nạn nhân bị co giật vì rất dễ bịt đường khí của họ. Thay vào đó, mọi người có thể sơ cứu nhanh bằng việc đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, nới lỏng cúc hoặc khuy áo cho họ… Hành động này nhằm mục đích khiến họ dễ thở hơn, tránh bị lưỡi chắn ngang đường thở gây nguy hiểm tới tính mạng.

Chia sẻ

Bài viết

Quang Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất