Sắc màu Cuộc Sống

Cô giáo lội suối, đi bộ hai ngày mới tới trường

Theo VnExpress
Chia sẻ

Mang theo bánh mì, sữa để lót dạ, giáo viên ở Nghệ An mất hai ngày và một đêm để đến được nơi công tác.

Sau trận lũ ngày 17/8 khiến 5 người tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chết và một người mất tích, nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi bị xóa sổ. Trong đó đường liên xã Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền nối thị trấn Mường Xén với các xã Tà Cạ, Mường Típ và Mường Ải (Kỳ Sơn) đã bị lũ sông Nậm Mộ ngoạm hết lòng đường rộng khoảng 6 m, xe máy không thể lưu thông.

Chuẩn bị cho năm học mới, một tuần nay giáo viên trường Tiểu học xã Mường Típ bắt đầu hành trình đi bộ từ thị trấn Mường Xén đến điểm trường, tổng quãng đường 35 km.

Có lúc phải băng qua các con suối nước chảy xiết, nhiều cô giáo phải nhờ dân bản và bộ đội biên phòng đóng quân tại đây trợ giúp.

Nhiều đoạn dốc đá cheo leo, cô giáo phải lần từng bước.

Có chỗ giáo viên phải bám vào dây rừng để vượt qua đoạn bùn lầy ngập sâu cả mét ở mép núi.

Sau đó, họ phải thuê thuyền vượt gần 9 km vì đường bộ bị nước cuốn trôi, vách đá dựng đứng không thể leo.

“Có những đoạn một bên là nước lũ chảy xiết, bên kia là vách đá cheo leo, nếu bước hụt chân một cái là rơi xuống vực mất mạng. Có lúc bật khóc nhưng mọi người lại tự an ủi nhau để tiếp tục đi”, cô Nguyễn Thị Thu Hiền (mặc áo hồng, 34 tuổi, trú tại thành phố Vinh) có 10 năm công tác tại Tiểu học Mường Típ 1, kể.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (áo vàng, đeo balô) cùng đồng nghiệp tranh thủ ngồi nghỉ tại một nhà dân ở ven đường trước khi tiếp tục hành trình.

Các cô giáo đi theo tốp 4-5 người, mang theo vài chiếc bánh mì, chai nước lọc và hộp sữa để lót dạ, ban đêm thì vào nhà dân xin ở nhờ. Cả đi cả nghỉ mất hai ngày và một đêm thì đến được trường.

Chiều 26/8, ông Nguyễn Quốc Trí (Hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Típ 1) cho hay, sau lũ giáo viên và người dân mất nhiều ngày để cào bùn, dọn dẹp vệ sinh. Tuy nhiên, chiều nay một trận mưa giông xảy ra ở địa bàn đã khiến đất đá từ sườn núi tiếp tục tràn vào trường, rất may không ảnh hưởng tới đồ dùng học tập vì các giáo viên đã kịp di tản. “Trường có bốn điểm lẻ với 28 giáo viên (9 nam, 19 nữ), trong đó hơn một nửa là giáo viên ở huyện đồng bằng và thành phố. Có tất cả 221 học sinh, song đường giao thông ở các bản bị hư hỏng nghiêm trọng, nhiều nơi nước suối vẫn chảy xiết nên phần lớn các em chưa thể đến trường trong những ngày tới”, ông Trí nói.

Xã Mường Típ rộng hơn 12.000 ha nằm sát biên giới Lào (cách thành phố Vinh khoảng 300 km). Đợt lũ khiến nhiều cột điện cao thế bị đổ gãy nên đang bị mất điện hoàn toàn. Xã có một trường Mầm non; hai trường Tiểu học và một trường THCS. “Khó khăn nhất là đường giao thông đã bị hư hỏng, một số bản đang bị cô lập với trung tâm xã. Hai nhà dân đã bị đổ sập, một số nhà dân đang trong diện bị sạt lở. Nguy cơ xảy ra lũ quét ở địa bàn rất lớn nên cán bộ xã phải túc trực tại các bản làng mỗi khi trời mưa để cảnh báo người dân”, ông Hạ Bá Thái, Chủ tịch xã Mường Típ nói.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất