Sắc màu Cuộc Sống

Cô gái trẻ vừa về từ Sapa khiến 'anh hùng bàn phím' phải im lặng

Chia sẻ

Những chia sẻ rất chân thực của cô gái mới trở về nhà sau chuyến đi đón tuyết ở vùng cao sẽ giúp người đọc có cái nhìn khác về câu chuyện khách du lịch có ích kỷ hay không?

Trong nhiều ngày nay, tuyết rơi ở vùng cao và những câu chuyên xung quanh nó đã trở thành chủ đề “hot” nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Trên khắp các phương tiện truyền thông, khắp các trang mạng xã hội người ta không ngừng tranh cãi về những hình ảnh, những trạng thái cảm xúc khác nhau khi tuyết rơi.

Đó là sự hồ hởi vui mừng của các bạn trẻ, của khách du lịch, là những ánh mắt đượm buồn của người dân lo lắng cho vụ mùa, cho gia súc…

Những cuộc tranh luận du khách tới Sapa ích kỷ hay không ích kỷ tới nay vẫn chưa đi tới hồi kết. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải lại ý kiến của một cô gái 26 tuổi - người mới trở về từ Sapa sau ít ngày đi “săn tuyết”.

co-gai-SaPa

“Khi xem dự báo thời tiết về khả năng có tuyết rơi ở 1 số các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sapa, Mẫu Sơn, Mộc Châu, Hà Giang…- hiện tượng hiếm gặp ở một nước nhiệt đới như Việt Nam, tôi và những người bạn quyết định “xách ba lô lên và đi”.
Chúng tôi đã có mặt tại Sapa từ rất sớm để chờ đón những trận tuyết đầu tiên từ rạng sáng chủ nhật (24/1).

Khi sự chờ đợi có kết quả, khi những bông tuyết đầu tiên rơi xuống, chúng tôi đã vỡ òa trong sự vui sướng, phấn khích - đây là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy tuyết một cách thực sự mà không phải qua những bộ phim hay bộ tranh ảnh nào cả.

Chúng tôi nhanh tay lôi máy ảnh ra chụp lại khoảnh khắc ấy và gần như ngay lập tức chia sẻ lên trang cá nhân để khoe với mọi người ở nhà, để mọi người cùng được chiêm ngưỡng và vui với niềm vui nhỏ bé của chúng tôi.

Ấy thế mà, bức hình chúng tôi cười trong tuyết kèm theo dòng chia sẻ hân hoan đã bị những thành phần “anh hùng bàn phím” gom lại, mắng chửi thậm tệ. Họ bình luận về chúng tôi, nói về chúng tôi bằng những lời lẽ khắt khe, đầy cay nghiệt.

Họ nói chúng tôi là những người ích kỷ, những người vô cảm, chỉ vì thỏa mãn tính hiếu kỳ mà gạt bỏ đi hình ảnh những đứa trẻ không quần đứng co ro dưới tuyết, bỏ đi đôi mắt nhuốm màu âu lo của người dân khi nhìn vườn hoa màu dưới tiết trời lạnh giá…

Họ có lên tận nơi này để chứng kiến, để hiểu rõ mọi chuyện đang xảy ra hay không? Họ có hiểu rõ cái được - cái mất của người dân vùng cao khi tuyết rơi?

Hay họ đang nằm trong chăn ấm đệm êm, mặc sức “múa tay trên bàn phím” theo phong trào để thể hiện cái “lòng thương người ảo”, sự “ đạo đức giả” của mình? Và đây, tôi cũng xin nói với các bạn 3 điều thế này:

Thứ nhất, “khác biệt” là yếu tố sống còn của ngành du lịch

Nếu không có tuyết liệu Sapa có đông vui tấp nập như những ngày qua? Nếu không có tuyết thì Sapa cũng sẽ rơi vào tình trạng giống như rất nhiều địa điểm du lịch khác ở miền Bắc đó là vô cùng vắng vẻ vào mùa đông.

Tuyết rơi, lượng du khách kéo về Sapa tăng đột biến từ khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ khác đều tăng giá gấp 2, gấp 3.

Thay vì tình trạng vắng vẻ, người Sapa lại có thêm cơ hội kiếm tiền ngay giữa mùa đông.

co-gai-SaPa1

Đừng vội phán xét khi bạn chưa hiểu hết mọi chuyện.

Những đứa trẻ bán đồ lưu niệm thay vì chỉ bán 15 nghìn đồng/chiếc túi thổ cẩm nhỏ bằng lòng bàn tay thì đã có thể bán với giá 40 - 50 nghìn đồng, những người phụ nữ Mông cũng bán được nhiều khăn, mật ong, hạt dẻ…có với giá tốt hơn thường ngày.

Những chuyến xe taxi 4 chỗ lên đèo Ô Quy Hồ, thác Bạc thay vì tính theo km thì nay đã đội giá lên tới 600 nghìn đồng. Dù biết bị “chặt chém”, thế nhưng du khách vẫn vui vẻ và sẵn sàng móc hầu bao mình đấy thôi.

Hay có anh dân tộc Mông ngồi nặn hình người tuyết to bằng người thật rồi để du khách chụp hình với giá 10 nghìn đồng/tấm.

Trong vòng 1 tiếng đồng hồ tôi quan sát anh ta kiếm được không dưới một triệu đồng. Đó chẳng phải là cơ hội kiếm tiền hay sao?

Trên đây tôi chỉ nêu ra 1 vài dẫn chứng để thấy người Sapa không hẳn đã chịu “ngồi im” dưới trời tuyết lạnh.

Du lịch chẳng phải là ngành công nghiệp không khói hiệu quả mà chúng ta vẫn muốn phát triển hay sao. Và nên chăng hãy coi tuyết rơi, hoa màu cây cối bị băng giá là một chi phí cơ hội bởi muốn kinh doanh ai chẳng phải đầu tư.

Thứ 2, những người trẻ chúng tôi không vô cảm

Trong hai ngày nán lại Sapa, tôi quan sát được nhiều thứ hơn những gì người ta đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Có chàng trai sẵn sàng bỏ ra 100 nghìn đồng để mua hai chiếc túi thổ cẩm của những đứa trẻ bán hàng dù giá thật của chúng chỉ khoảng 30 nghìn đồng mà vẫn rất vui vẻ.

Không phải bị mua “hớ” mà là cố tình mua vậy bởi đang vui vì được ngắm tuyết và cũng thương các em mưu sinh dưới trời lạnh.

Đó chẳng phải là cách sẻ chia văn minh hơn rất nhiều việc chúng ta cầm quà rồi dễ dãi phát cho bất cứ đứa trẻ vùng cao nào chúng ta gặp trên hành trình thiện nguyện hay sao?

Cũng có nhóm bạn trẻ sẵn sàng trả thêm cho anh tài xế chở họ từ thị trấn Sapa lên Ô Quy Hồ vài trăm nghìn vì biết anh sẽ phải đợi đoàn lâu và không thể chạy thêm nhiều chuyến nữa trong ngày và ruộng rau nhà anh cũng đã bị băng phủ kín từ đêm qua.

Dù giá xe lúc này đã cao gấp 3 lần ngày bình thường. Vậy đấy, chúng tôi hưởng niềm vui riêng của mình một cách rất văn minh, chúng tôi vui vì thấy tuyết, nhưng chúng tôi cũng đau lòng lắm khi thấy những mảnh đời khốn khó của người dân địa phương.

Cứ có cơ hội là chúng tôi lại giúp người dân bằng những hành động rất thiết thực, hơn là những kẻ bán lòng thương cảm của mình qua bàn phím.

co-gai-SaPa2

Du khách lên Sapa ngắm tuyết rơi. (Nguồn ảnh: Tuổi trẻ)

Thứ 3, việc của tuyết là rơi

Việc những du khách mong hay không mong cũng không thể quyết định được việc tuyết có tiếp tục rơi nữa hay không.

Nếu như tuyết rơi, ai cũng phải tỏ ra buồn, xót thương thì ai sẽ đến Sapaa? Ai sẽ bù đắp, giảm thiểu những tổn hại hoa màu, gia súc chết mà tuyết gây ra?

Và rồi Sapa sẽ không chỉ vắng lặng như nhiều khu du lịch khác vào mùa đông mà còn mất đi một khoản kinh tế không hề nhỏ từ du lịch.

Vậy nên, làm ơn đừng lên án những tấm ảnh với những khuôn mặt đầy hào hứng của khách du lịch giữa trời tuyết Sapa.

Họ không phải là nguyên nhân làm tuyết rơi, họ đang tìm niềm vui cho bản thân mình nhưng cũng là sự sẻ chia những thiệt hại với người dân theo 1 cách khác”.

Chia sẻ
Tin mới nhất