Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện về những nữ tài xế trong thời đại công nghệ thông tin

Tuệ Lâm
Chia sẻ

Nghề tài xế vốn được mặc định để dành cho cánh mày râu, vậy nhưng trong cuộc sống với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ mới, đã có không ít những người phụ nữ lựa chọn và gắn bó với nghề này.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các ứng dụng gọi xe trên di động như Grab, Uber… đã không còn xa lạ với mọi người. Với lợi thế là có thể linh hoạt thời gian làm việc, chủ động tạo lịch trình hoạt động trong ngày, nhiều phụ nữ đã thử sức với nghề tài xế và quyết định gắn bó với cái nghề trước nay vẫn được mặc định là chỉ dành cho đàn ông. Và có lẽ rằng, chính vì sự khác biệt về giới đã tạo nên những câu chuyện buồn, vui mà chỉ những “bóng hồng” cầm lái mới trải qua và hiểu được.

Đặt xe, thấy xế nữ là… hủy

Đó là câu chuyện có thật, thậm chí khá phổ biến với các xế nữ đang làm công việc vận chuyển hành khách thông qua ứng dụng di động. Điều này xuất phát từ quan niệm in sâu trong suy nghĩ của nhiều người rằng tài xế thì phải có sức khỏe, sự tập trung cao và khả năng ứng biến tốt nên không phù hợp với phụ nữ. Bên cạnh đó, cũng có những khách nam từ chối chuyến đi chỉ vì…ngại, như trường hợp bi hài của tài xế nữ Nguyễn Thị Thu Trang.

Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1991) trước đây vốn làm nghề bán hàng online. Là con gái Hà Nội nhưng Trang thú thực là mình rất “gà” trong việc ghi nhớ đường. Trang đăng kí làm tài xế Ubermoto một phần là để nâng cao thu nhập, mặt khác là có thể qua đó thông thuộc các con đường ở Hà Nội hơn.

Nữ tài xế Ubermoto Nguyễn Thị Thu Trang.

Trang cho biết, số lượng tài xế nữ của Ubermoto không nhiều, chính vì vậy nên đã không ít khách hàng tỏ ra ngạc nhiên khi người đến đón mình lại là nữ giới. Thậm chí, có trường hợp sau khi đặt chuyến, thấy tài xế nữ thì lập tức…hủy chuyến đi.

Cô chia sẻ: “Mình nhớ có một khách đặt xong nhưng thấy mình là con gái nên lại bảo anh không đi nữa, mình cũng không muốn làm khó nên có bảo khách huỷ chuyến giúp mình. Khách hàng nói không biết hủy và có lẽ cũng đang cần đi gấp nên miễn cưỡng để mình sang đón. Đến khi bắt đầu chuyến đi, anh ấy lại đề nghị để anh chở, thế là mình từ xế lại trở thành người ngồi sau.”

Trong suốt quãng thời gian gần 1 năm làm tài xế, đã không ít lần Trang gặp khách hàng như vậy, ngoài những khách hủy chuyến đi hay chủ động lái xe, cũng có người đi cả đoạn đường dài không nói câu nào. Ngược lại, khách hàng nữ lại tỏ ra khá yên tâm khi đi với Trang, vì theo họ thì phụ nữ cầm lái sẽ cẩn thận và an toàn hơn.

Lật ngược định kiến “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác”

Trong khi nhiều người vẫn có câu cửa miệng “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác” thì có những người phụ nữ đang cần mẫn kiếm tiền nuôi gia đình và chứng minh điều ngược lại khi thường xuyên giúp đỡ người khác nhờ công việc làm tài xế của họ. Một trong số đó là chị Vũ Thị Thiên Lý (sinh năm 1983) ở Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn nhưng chị Vũ Thị Thiên Lý vẫn luôn nhiệt tình giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Chị Thiên Lý là mẹ đơn thân, một mình nuôi con nhỏ và có cuộc sống kinh tế còn khá nhiều chật vật. Chị kiếm sống bằng nghề chạy taxi Uber và Grab bằng một chiếc xe đi thuê để trang trải cho chi phí sinh hoạt và thuê nhà của 2 mẹ con.

Vất vả, khó khăn là vậy nhưng với lòng trắc ẩn, nhân hậu, đã không ít lần chị Lý giúp đỡ người gặp nạn trên hành trình của mình. Điển hình như lần đi trả khách, chị gặp người thanh niên bị tai nạn giao thông ở ngã 3 Trị An. Dù bình thường chị Lý rất sợ máu, hễ thấy máu là chóng mặt nhưng chị đã không ngần ngại đưa người bị nạn vào bệnh viện. Vào đến viện rồi, nghe về gia cảnh éo le của người thanh niên ấy, chị Lý còn gửi lại chút tiền để giúp đỡ.

Lần khác, chị Lý chở một bà cụ già yếu vào giữa khuya, chưa kịp đến bệnh viện thì bà đã ho ra máu và tắt thở trên xe. Do đường hẻm rất hẹp nhưng không nỡ để người nhà đi bộ đưa bà vào, chị đã cho xe chạy và bị mấy nhánh cây hất tung capô. Hàng xóm thấy vậy đã huy động người câu điện, người sửa xe rồi dẹp đường cho chị quay ra.

Nhiều khách quen tin tưởng chọn xe của chị Lý.

Đã có nhiều trường hợp khách đi xe khó khăn hay cần cấp cứu, chị Lý không lấy tiền mà còn giúp đỡ thêm. Chị quan niệm: “Dẫu sao thì mình còn trẻ, khỏe. Nghèo thì nghèo rồi, mấy chục ngàn, mấy trăm ngàn chẳng tới đâu, nếu giúp được gì thì mình giúp”.

Công việc không có giới tính

Nghề tài xế đem lại không ít khó khăn, nhất là những hạn chế về mặt sức khỏe khi phải liên tục di chuyển trên đường. Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là công việc đem lại nhiều niềm vui và trải nghiệm mà nghề nghiệp khác không thể đem lại.

Chị Ngô Như Quỳnh - một biên tập viên truyền hình, cũng là tài xế đối tác lâu năm của hãng Uber chia sẻ: “Tôi chọn thêm nghề tay trái là tài xế Uber như một công việc freelance. Tôi muốn thử thách bản thân thông qua việc lái xe, gặp những người mới và tìm hiểu thêm nhiều nghề trong xã hội”.

Nữ biên tập viên xinh đẹp chọn nghề tài xế như một cách làm “giàu” thêm cho cuộc sống của mình.

Được biết, một tài xế Grab, Uber nếu chạy thường xuyên và đều đặn mỗi ngày thì thu nhập vượt qua con số 10 triệu/tháng là điều không quá khó. Như vậy, rõ ràng nghề tài xế không chỉ đem lại cho nhiều phụ nữ nguồn thu nhập ổn định mà còn thêm “gia vị” khiến cho cuộc sống đó trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Lái xe cũng là một cách thể hiện tính độc lập, sự năng động của mỗi người, nếu có điều kiện và kỹ năng phù hợp, dù là đàn ông hay phụ nữ đều có thể trở thành “người vận chuyển”. Thời đại công nghệ thông tin đã góp phần không nhỏ giúp những người phụ nữ chủ động cầm lái, phá bỏ những định kiến giới về nghề nghiệp và làm chủ cuộc sống của mình.

Chia sẻ

Bài viết

Tuệ Lâm

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất