Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện về 80 người hiến xác cho y học sau khi qua đời ở miền Tây

Linh San
Chia sẻ

Xưa nay, nhiều người vẫn quan niệm, chết là phải được mồ yên mà đẹp, thế nhưng tại xã Hòa An, TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) lại có một gia tộc tình nguyện hiến xác cho y học. Để rồi từ đây, phong trào hiến xác cho y học đã được lan tỏa tới nhiều gia đình khác tại địa phương.

Người hiến xác đầu tiên tại địa phương

Về ấp Hòa Lợi, xã Hòa An, TP Cao Lãnh hỏi thăm gia đình cụ Dương Tự Tín (còn có tên khác là ông Năm Tiêm) những người dân nơi đây đều hỏi lại một câu: “Có phải ông cụ mà hiến xác cho y học không?”. Câu chuyện hiến xác của gia đình cụ Dương Tự Tín được người dân kể lại một cách trân trọng và tự hào.

Cụ Tín sinh được 4 người con, 2 gái và 2 trai. Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện hiến xác của gia đình, chúng tôi tìm tới gia đình anh Dương Văn Tài (57 tuổi, con trai trưởng của cụ Tín).

Nhớ lại câu chuyện hiến xác của cha, ông Tài cho biết: “Trước đây, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ hiến xác cho y học, nhưng sau khi thấy ba tôi làm điều ấy, cũng như được tận mắt nhìn thấy các trường hợp hiến xác khác tại trường ĐH Y Dược TP HCM thì tôi đã thay đổi.

Khởi đầu cho phong trào hiến xác trong gia đình là ba tôi. Không biết trước đó ba tôi tìm hiểu ở đâu, có ý định hiến xác cho y học từ lúc nào. Chỉ biết, một hôm ông cụ bảo, sau khi mất sẽ hiến xác cho y học và bảo các con tìm mẫu để ông đăng ký”.

Ông tưởng ba nói chơi nên lúc đầu cũng không ai quan tâm. Thời điểm đó tại địa phương chưa từng có trường hợp hiến xác nào. Sau đó, ông cụ cứ nhắc lại nhiều lần và nói một cách rất nghiêm túc, mấy anh em ông có hỏi lại ba: “Quan niệm của con người sống thì có nhà, khi chết phải có mồ cho con cháu đến thăm viếng, chăm nom. Hiến xác thì không có mồ. Ba nghĩ sao?”.

Lúc đó ông cụ nói: “Người chết đi rồi, xác thì cũng sẽ thối rữa có ích gì đâu. Hiến xác cho y học sẽ giúp ích được cho ngành y. Chết rồi vẫn có ý nghĩa tại sao mình không làm”.

Anh em của ông thấy ba cương quyết nên mọi người trong nhà đều tôn trọng và làm theo tâm nguyện của ông.

Hình ảnh trong đám tang cụ Tín. (ảnh gia đình cung cấp)

Khi có mẫu đơn, cụ Dương Tự Tín viết rồi ký tên và tự mình đạp xe đem xuống xã xác nhận. Tuy nhiên, việc hiến xác của cụ lúc bấy giờ ở địa phương là chuyện chưa có tiền lệ nên khi nhìn thấy mẫu đơn, các cán bộ địa phương không chịu ký tên, họ ngỡ ngàng và bảo ông cụ về. Chính vì thế nên thủ tục hiến xác của cụ Tín khi ấy mất rất nhiều thời gian, công sức đi lại.

Cụ Tín qua đời cuối 2007, thọ 80 tuổi. Trước khi mất, cụ Tín vẫn không quên căn dặn con cháu khi ông qua đời, phải liên lạc với trường Đại học Y TP.HCM xuống cho họ lấy thi hài ông về để phục vụ nghiên cứu, học tập. Ngay sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, các con ông đã thực hiện theo đúng di nguyện của ông.

Vận động 80 người cùng tham gia hiến xác

Sau nghĩa cử cao đẹp của cụ Tín, vợ và các con đều nối tiếp việc làm tử tế của ông. Không chỉ tình nguyện đăng ký hiến xác mà ông Dương Văn Tài còn vận động những người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia.

Do trước kia từng học kỹ thuật nên ông Tài cho rằng, học kỹ thuật phải được thực hiện trên máy móc thì mới nhớ lâu được và sau này ra nghề mới không có nhiều sai sót, thì các ngành khác cũng vậy.

Đặc biệt với ngành y, liên quan đến tính mạng con người, sinh viên phải được thực hành trên cơ thể người thật thì mới có được những bác sĩ giỏi. Chính vì vậy ông Tài quyết định lan tỏa phong trào hiến xác tới toàn thể mọi người xung quanh.

Ông Tài cho biết, ban đầu ngay chính mẹ mình (cụ Phan Thị Mận) cũng không đồng ý hiến xác, bà nói với các con “ba mày có hiến thì hiến chứ khi nào mẹ chết phải chôn sau vườn, trồng nhiều hoa xung quanh cho đẹp”.

Thế nhưng, sau khi chứng kiến lễ hiến xác của chồng, cũng như những hoạt động tri ân của trường ĐH Y Dược TP.HCM với thân nhân những người hiến xác thì bà Mận cũng muốn làm theo.

Gia đình ông Tài bên thi hài cụ Dương Tự Tín tại ĐH Y Dược TP.HCM.Ông Tài kể: “Khi đó mẹ tôi bị ốm nặng mà thấy các con làm thủ tục hiến xác chưa xong, bà cụ lo lắng giục làm nhanh. May mắn là sau đó anh em tôi cũng hoàn thành được tâm nguyện cho bà. Ngay trong đám tang của bà cũng có 3 người xin đơn đăng ký hiến xác”.

Để tiện tuyên truyền vận động mọi người, đi đâu ông Tài cũng đem theo thẻ hiến xác bên mình để cho mọi người thấy người thật, việc thật. Ông còn in và photo thêm nhiều đơn hiến xác để ở cả cơ quan, nhà riêng để nếu có người cần đến thì ông sẵn sàng cho.

Cho tới thời điểm hiện tại, nếu tính luôn cả gia đình ông Tài thì số người đăng ký hiến xác đã lên tới 80. Trong đó có cả vợ, bố mẹ vợ và anh em bên gia đình vợ ông.

Thẻ đăng ký hiến xác và hiến mô của ông Tài

Ông cho biết: “Khi tiễn ba tôi lên ĐH Y Dược, tôi nói với vợ, anh cũng sẽ hiến xác cho y học. Vợ tôi bảo, anh hiến em cũng hiến. Thế là cả 2 vợ chồng cùng làm thủ tục hiến xác. Mà lạ là nhiều người ở rất xa họ cũng tìm được số điện thoại của tôi để hỏi xin mẫu đơn để hiến tạng. Có một cô giáo ở Sa Đéc, thậm chí có cả một người ở Đồng Nai cũng gọi điện cho tôi. Tôi phải gửi bao thư tới tận nơi cho họ, có những trường hợp phải gửi thư tới lần thứ 4 mới nhận được”.

Sau khi cụ Tín mất, trong những kỷ vật cụ để lại có bài thơ được viết bằng tay có nội dung như sau: “Cao quý làm sao những xác thân/ Không màng bảo quản bách niên phần/ Tim gan phục vụ cho y học/ Xương thịt hiến dâng giúp thế nhân/ Góp mặt với đời khi tại thế/ Chen vai bằng hữu lúc ly trần/ Mai sau thành đạt ai nên nhớ/ Đem sức đem tài tế độ nhân”.

Ông Tài cho biết: “Không rõ ba tôi chép ở đâu hay tự mình sáng tác, chỉ thấy là bài được viết bằng tay và đúng là nét chữ của ông cụ”.

Chia sẻ

Bài viết

Linh San

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất