Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện khó tin về người đàn ông nghèo từ chối những khoản tiền 'từ trên trời rơi xuống'

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Năm lần bảy lượt nhặt được số tiền lớn, cộng dồn lại tưởng chừng có thể mua nhà, mua xe nhưng lương tâm người đàn ông nghèo vượt qua mọi cám dỗ, đem trả lại cho người đánh rơi.

Trả lại hàng trăm triệu đồng tiền… nhặt được

Đến khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, chỉ cần hỏi thăm “chú Hùng xe ôm” (ông Nguyễn Văn Hùng (63 tuổi, quê gốc ở Quỳnh Hợp - Nghệ An) bất cứ ai ở khu vực này cũng đều có thể chỉ rõ địa điểm.

Tìm đến căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa những dãy nhà san sát nhau, tôi gặp người đàn ông với dáng vẻ khắc khổ ngồi trước cửa nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất đó chỉ là phòng trọ độc nhất một phòng với căn gác chật hẹp phía trên, người qua lại có thể nhìn thấu bên trong căn nhà nếu cửa luôn mở.

Tiệm cắt tóc đơn sơ trước cửa nhà trọ chú Hùng.

Chia sẻ về câu chuyện trao trả 200.000.000 đồng cho anh Nguyễn Đức Hải (30 tuổi, ngụ tại Bình Dương) để quên tại một quán cafe vào giữa tháng 9/2017, chú Hùng hào hứng kể: “Buổi sáng hôm đó, tôi cùng 2 người bạn đi ăn sáng và ghé quán cafe uống nước thì phát hiện cái bọc nilon vuông vuông của anh Hải để quên trên ghế. Mở ra xem, tôi và 2 người bạn vô cùng bất ngờ phát hiện ra 3 cọc tiền với mệnh giá lớn. 2 ông bạn khuyên tôi cầm số tiền đó để sắm chiếc xe đàng hoàng hơn”.

Tuy nhiên, chú Hùng đã gạt đi đề nghị đó và quyết định sẽ trao trả lại cho người đánh mất. Nán lại quán thêm chút thời gian đợi chủ nhân của cọc tiền quay lại nhưng không thấy, ông cũng bận việc chạy xe ôm nên gọi cho công an phường đến quán cafe bàn giao số tiền.

Đến 11h30, công an phường gọi chú Hùng ra xác nhận người để quên tiền và trao trả số tiền trên. Lúc này, anh Hải có gửi tặng chú 500.000 đồng nhưng người tài xế già nhất quyết không nhận. Mới đây, Công an phường Phú Hòa cũng trao tặng chú Hùng 500.000 đồng và giấy khen cho hành động tốt đẹp này.

Tên khai sinh của chú Hùng là Nguyễn Văn Đại. Đây cũng chính là giấy khen của UBND phường Phú Hòa trao tặng chú Hùng sau sự việc trả lại 200.000.000 đồng cho khách để quên.

Qua trò chuyện, chú Hùng cho biết đó không phải là lần duy nhất nhặt được số tiền lớn. Vào năm 2010, trên đường về nhà, chú còn nhặt được chiếc balo đựng số tiền hơn 400.000.000 triệu đồng.

“Anh thanh niên ấy đang chạy xe thì vấp phải ổ gà lớn nên chiếc balo cột ở yên xe bị bung ra và rơi xuống lòng đường. Tôi gọi lớn và đuổi theo để trả lại nhưng đành bỏ cuộc vì xe chạy quá nhanh. Mở balo ra, phát hiện có rất nhiều tiền, tôi ghé quán cafe gần đấy ngồi đợi chàng trai quay lại.

Sau 2 tiếng đồng hồ, anh này tìm đến hỏi thăm, phát hiện đúng người nên tôi trao trả lại. Nói ra mới biết balo chứa hơn 400 triệu đồng, đó là tiền lương của anh em tại một Trung đoàn lớn ở Bình Dương. Khi ra về, cậu ấy tặng tôi 5.000.000 đồng coi như cảm ơn nhưng tôi từ chối, chỉ đồng ý để cậu ấy trả tiền cafe”.

Kể mấy câu chuyện “may mắn nhặt được tiền”, người đàn ông có dáng vóc gầy gò bảo, mới đây chú tiếp tục nhặt được 18.500.000 đồng. Đó là lần tình cờ thấy một túi đen rơi gần vũng nước cạnh Trường mẫu giáo gần nhà, chú đến nhặt và mở ra xem thì thấy có tiền. Hàng xóm xung quanh biết chuyện, có khuyên nên giữ lại mà trang trải thêm cho gia đình nhưng chú chỉ cười xòa rồi chờ người mất của đến hỏi thăm. Một lúc sau, chủ nhân số tiền đó quay lại dò hỏi và được chú hoàn trả đầy đủ.

Bị chỉ trích “nghèo mà còn mắc bệnh sĩ” 

“Những lần nhặt được tiền, chưa bao giờ tôi có ý định sẽ chiếm đoạt làm của riêng, nhiều người biết còn chỉ trích tôi “nghèo mà còn mắc bệnh sĩ”. Nhưng tôi bỏ ngoài tai hết, quan trọng là lương tâm không cho phép mình làm điều đó. Đặt bản thân vào vị trí của người ta, có khi mất 10.000 đồng tôi còn tiếc huống gì mấy chục triệu hay mấy trăm triệu. Vợ tôi là người hiểu biết và lương thiện, khi biết những việc làm của tôi, chưa lần nào cô ấy nặng nhẹ hay chê trách điều gì, ngược lại cô ấy còn căn dặn con trai út phải noi gương cha”, chú Hùng nói.

Chú Hùng dí dỏm kể, nếu bản thân nổi lòng tham cố giữ số tiền qua nhiều lần nhặt được, bây giờ có khi chú đã mua được nhà, sắm được xe, trang trải được nhiều thứ rồi.

Thế nhưng, đó chỉ là suy nghĩ vụt qua và chú chưa bao giờ hối hận khi đem trả hàng trăm triệu cho người đánh rơi. Đến bây giờ, bà con lối xóm ngày càng quý trọng và thương gia đình chú hơn, con cái đi học cũng được “thơm lây”, điều này khiến chú hạnh phúc và tự hào.

Chị Võ Mỹ Linh (28 tuổi, hàng xóm của chú Hùng) cho hay, gia đình chú Hùng nghèo tiền nghèo bạc chứ không nghèo tình nghèo nghĩa. Ở đây, ai cũng biết đến chú ấy là người tốt bụng, dù nghèo khó nhưng tự mình phấn đấu chứ chẳng tham lam gì của ai. Hoàn cảnh của chú ai cũng thương bởi nhà cửa chưa ổn định, trong khi chú cũng lớn tuổi, không còn nhiều sức lao động, không biết mai này cuộc sống sẽ như thế nào?.

Có duyên với tiền nhưng vẫn phải… ở nhà thuê

Hai vợ chồng chú Hùng kết hôn từ năm 1994. Người vợ hiện tại là cô Thúy Nhuận (46 tuổi) hiện đang là công nhân xí nghiệp tại Phú Hòa, Bình Dương. Trước đó, chú cùng gia đình rời quê hương Nghệ An vào Bình Dương với 2 bàn tay trắng từ năm 2008.

Từ đó thời gian đến nay, cả gia đình có thêm 2 người con vẫn phải đang ở nhà thuê. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là căn phòng trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp. Mọi sinh hoạt từ nơi nấu nướng, ăn ngủ, vệ sinh của 4 người đều chỉ bó hẹp trong căn phòng ấy.

4 người cùng sống trong căn phòng nhỏ hẹp này gần 10 năm nay.

Góc sinh hoạt tại căn phòng chật hẹp.

Trong nhà cũng không có đồ đạc nào giá trị ngoài chiếc xe máy Honda Future được nhà hảo tâm tài trợ.

Chú Hùng chia sẻ: “Một tháng vợ chồng tôi phải chi trả gần 1.500.000 đồng cả tiền phòng và tiền điện nước. Thu nhập ở tiệm cắt tóc lẫn chạy xe ôm dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Buổi sáng thường vắng khách, có buổi không có khách đến cắt tóc hay chạy xe ôm là chuyện bình thường”.

Chiếc xe máy được tặng là tài sản giá trị nhất.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chú bảo, ngày còn trẻ bản thân từng lái xe đường dài cho công ty, sau đó chuyển sang làm thợ hồ cũng theo công trình đi suốt.

Vài năm gần đây sức khỏe yếu đi nên chú chuyển hẳn về nhà và mở tiệm cắt tóc, thi thoảng chạy xe ôm cho bà con tại khu vực. Vì không có nhiều vốn nên đồ nghề cũng không được sắm sửa gì nhiều. Nhiều người thương tình, còn cho chú vài cái ghế để khách đến có chỗ ngồi.

Biển hiệu cắt tóc và xe ôm được chú Hùng treo trước nhà.

Đồ nghề của tiệm cắt tóc vô cùng đơn sơ.

Thế nhưng, hiện tại mắt của chú Hùng bị đục thủy tinh thể nặng, chưa kể, những ngày mưa gió hay thời tiết “trở chứng” là chân tay, xương khớp đau nhức rất khó chịu, không thể làm gì cả. Chỉ thương vợ con, chú lại phải đứng ra gánh vác gia đình. Suốt nhiều năm nay, chú trăn trở và dằn vặt vì luôn cảm thấy bản thân có lỗi vì chưa lo chu toàn được cuộc sống đủ đầy cho gia đình.

Chia sẻ về những dự tính cho tương lai, chú Hùng trở nên đăm chiêu, đôi mắt thoáng buồn, nói: “Trước mắt vẫn phải ở nhà thuê, và bám trụ với công việc hiện tại. Bây giờ tuổi tôi cũng đã nhiều, lại không còn nhiều sức lao động, thôi thì tới đâu hay tới đó, ráng lo cho thằng út ăn học đầy đủ, đến nơi đến chốn, đến đâu lại hay đến đó”.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất