Sắc màu Cuộc Sống

Vì sao ca nhiễm số 243 lây COVID-19 liên tiếp cho nhiều hàng xóm và chị dâu còn vợ thì không?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trước nhiều ý kiến thắc mắc về trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 243 lây nhiễm cho nhiều người là hàng xóm nhưng vợ con thì không, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) đã lên tiếng.

Liên quan đến ca bệnh COVID-19 số 243 là nam (47 tuổi, trú tại xã thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội), ngành y tế đã xác định đã có 9 ca tiếp xúc là hàng xóm, chị dâu bệnh nhân này cùng trú trên địa bàn bị lây nhiễm.

Họ đều ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) gồm: Bệnh nhân 250, nữ, là hàng xóm và có tiếp xúc gần với BN243; Bệnh nhân 253, nữ, 41 tuổi, là chị dâu, ở gần nhà và có tiếp xúc gần với BN243; Bệnh nhân 254, nam, 50 tuổi, là hàng xóm và có tiếp xúc gần với BN243; Bệnh nhân 257, nữ, 15 tuổi, học sinh, đang nghỉ học ở nhà, không đi đâu cho tới ngày 20/3, có tiếp xúc gần với BN243; Bệnh nhân 258, nữ, 47 tuổi, mẹ của BN257, Bệnh nhân 259 (là vợ BN254), Bệnh nhân 260 có tiếp xúc với BN259 và 243. Bệnh nhân 261 là nữ, 60 tuổi, người bán hàng tạp hoá. Bệnh nhân 262 là nam, 26 tuổi, có tiếp xúc với bệnh nhân 254 (254 là bác của bệnh nhân 262).

Trước sự việc này, dư luận đặt câu hỏi tại sao những người có thời gian tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 như vợ, con sống trong cùng gia đình lại không mắc bệnh mà nhiều hàng xóm, chị dâu lại mắc bệnh?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế).

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, việc lây nhiễm dịch COVID-19 phụ thuộc nhiều yếu tố. Cụ thể, người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi, họ tiết ra nước bọt hoặc chất nhầy và trong bán khi khoảng 2m, người xung quanh có thể hít phải hoặc chạm tay vào, lây nhiễm trực tiếp. Những ai tiếp xúc nhưng đeo khẩu trang, không sờ vào bề mặt lây nhiễm sẽ không bị lây.

Trường hợp người nhiễm COVID-19 hắt hơi khiến virus lây nhiễm ra ngoài.

Những người lây nhiễm có thể qua tiếp xúc bên ngoài, chạm vào bề mặt chứa virus.

Nếu đeo khẩu trang phòng được dịch.

“Nhiễm COVID-19 cũng phụ thuộc vào cảm nhiễm của mỗi người, những người có sức đề kháng tốt, virus không thể xâm nhập và gây bệnh. Chính vì có trường hợp chồng bị nhiễm vợ không nhưng có thể lây cho nhiều người khác. Việc lây nhiễm do nhiều yếu tố chứ không cứ tiếp xúc sẽ bị lây”, ông Phu thông tin.

Ông Trần Đắc Phu cho rằng, đây không phải là trường hợp đầu tiên có tình trạng lây nhiễm như trên. Thực tế, ca bệnh 2 bố con người Trung Quốc (một trong những ca bệnh COVID-19 đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam), trong đó người đàn ông Trung Quốc đã có hành trình cùng vợ, con trai di chuyển từ Hà Nội và Nha Trang, đến Long An, TP HCM nhưng chỉ có người con trai mắc bệnh còn vợ vẫn bình thường.

Tương tự, một nữ bệnh nhân COVID-19 ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tiếp xúc với nhiều người nhưng không phải tất cả trong số này đều mắc bệnh, hay trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi mắc COVID-19 được mẹ chăm sóc nhiều ngày nhưng kết quả xét nghiệm của người mẹ vẫn âm tính với SARS-CoV-2.

Hình ảnh lập chốt cách ly ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh.

Lực lượng y tế phun thuốc khử trùng.

Trước đó, dư luận cũng đặt câu hỏi khi mà cháu bé 3 tháng tuổi (ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bị mắc COVID-19 do lây từ bà ngoại trong khi mẹ cháu bé ở cùng khu cách ly tại viện và hàng ngày vẫn tiếp xúc, chăm sóc bé nhưng lại không bị mắc bệnh từ con.

Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết đường lây truyền của virus SARS-CoV-2 chủ yếu qua đường tiếp xúc, các dịch tiết bắn ra từ người bệnh.

Vì vậy, khi người mẹ chăm sóc cho bé (cháu bé 3 tháng tuổi nhiễm Covid-19) hàng ngày, được hướng dẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt biện pháp phòng vệ là đeo khẩu trang đúng cách. Trong lúc chăm sóc cần tránh các giọt bắn của trẻ vào mắt, niêm mạc, đường hô hấp…, đồng thời thực hiện rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc.

Ông Trần Đắc Phu cũng thông tin thêm, dư luận đừng nên quá để ý cũng như suy luận lệch lạc, không chính xác làm đến đời tư của người mắc bệnh. Việc làm này có thể khiến bệnh nhân mặc cảm, ngại khai báo, ảnh hưởng đến việc điều tra dịch tễ. Trong lúc này, việc khai báo y tế rất quan trọng để phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Trưa 12/4, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn số 13, đề nghị tất cả những người thu mua, buôn bán hoa, và những người có mặt tại Chợ hoa Mê Linh (thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) trong thời gian từ ngày 20/3 đến nay, liên hệ ngay với cơ quan y tế nơi gần nhất hoặc nhắn lại số 9998 để được tư vấn hỗ trợ.

Bộ Y tế yêu cầu những người này cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần, thực hiện cách ly tại nhà, đồng thời khai báo y tế. Chợ hoa Mê Linh là nơi bệnh nhân 243 - người khởi phát của “ổ dịch” thôn Hạ Lôi từng đến nhiều lần để bán hoa.

Cụ thể, vào các ngày 12/3 (15h-17h41), ngày 15/3 (11h), ngày 18/3 (14h30-15h), ngày 22/3 (10h-10h30, 15h-16h), ngày 26/3 (17h-18h), ngày 27/3 (23h) và ngày 30/3 (11h-12h).

Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 tại thôn Hạ Lôi, Bộ Y tế đã cử Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm tổ trưởng nằm vùng tại Hạ Lôi từ ngày 10/4.

Tổ công tác đặc biệt phối hợp với chính quyền địa phương và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội tham gia điều tra, xử lý ổ dịch. Đồng thời thiết lập 9 chốt kiểm soát, khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 2.711 hộ gia đình (11.077 người).

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất