Sắc màu Cuộc Sống

Chuyên gia 30 năm nghiên cứu giao thông Hà Nội: Ô tô mới là nguyên nhân chính gây ùn tắc, ô nhiễm chứ không phải xe máy

Vương Phi
Chia sẻ

Là một người dành nhiều năm nghiên cứu về giao thông ở Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy phản đối việc cấm xe máy trên 2 tuyến đường huyết mạch của Hà Nội là Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi mà không có lộ trình và các giải pháp đồng bộ.

Mới đây, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đang phối hợp với Viện Chiến lược của Bộ GTVT, nghiên cứu xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó, dự kiến phương án sẽ chọn một trong 2 tuyến đường: Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm cấm xe máy.

Lộ trình chung của đề án là từ năm 2030 nhưng một trong hai tuyến đường này sẽ được thực hiện sớm hơn từ 2 đến 3 năm.

Dù còn cách hiện tại một khoảng thời gian khá dài nhưng hướng nghiên cứu này của thành phố đã vấp phải tranh cãi khá dữ dội từ phía người dân. Là một người nghiên cứu nhiều năm về giao thông Thủ đô, Chuyên gia TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn bày tỏ thái độ phản đối đề án này vì rất nhiều lý do.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy

Cấm xe máy chỉ càng làm đường phố Hà Nội thêm ách tắc trầm trọng

Nói về đề án cấm xe máy, chuyên gia Xuân Thủy đặt ra câu hỏi đầu tiên là: “Tại sao thành phố chỉ hạn chế xe máy mà không hạn chế ô tô. Đó là một sai lầm về mặt nguyên tắc”.

Giải thích kỹ hơn về quan điểm này, ông Thủy cho rằng xe máy chỉ chiếm mặt đường nhỏ bằng 1/5-1/10 so với ô tô. Nói cách khác, khả năng gây ùn tắc của nó không bằng tô ô.

Nhìn những bức ảnh này cũng có thể nhận ra, nguyên nhân gây ùn tắc tại Hà Nội không phải là xe máy.

Thứ hai, lượng khí xả của xe máy cũng chỉ bằng 1/10 ô tô vì vậy, nếu nói về vấn đề ùn tắc, ô nhiễm thì ô tô mới là nguyên nhân chính chứ không phải xe máy.

“Thứ 3 hiện nay, 70-90% người dân đi xe máy. Trong khi đó giao thông công cộng chỉ đáp ưng được 8-10%. Nếu cấm xe máy, người dân sẽ di chuyển bằng gì, lấy gì đi lại để mưu sinh. Hiện nay, hàng triệu người đang đi xe máy, coi nó là cần câu cơm, nuôi gia đình. Vì vậy, nếu cấm xe máy sẽ làm khổ người dân”, ông Thủy nói thêm.

Nguyên nhân thứ 4 khiến TS Xuân Thủy phản đối cấm xe máy bởi nếu cấm, người dân sẽ cố gắng chuyển sang đi ô tô. Trong khi xe máy chiếm mặt đường chỉ bằng 1/5-1/10 ô tô mà đường đã tắc thì khi toàn bộ người dân chuyển sang đi ô tô sẽ gây ùn tắc hơn gấp 5-10 lần so với hiện nay.

Ngay cả vấn đề ô nhiễm cũng tăng gấp 5-10“, TS Xuân Thủy nói. “Hiện nay, chỉ cần có 100-200 triệu là đã mua được ô tô rồi. Vì vậy, nếu cấm xe máy, phần đa người dân sẽ chọn mua ô tô và gây ùn tắc nghiêm trọng hơn. Đây cũng chính là một sai lầm đã xảy ra với Bắc Kinh Trung Quốc”.

Cuối cùng, nếu cấm đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi là một sai lầm bởi nó sẽ gây tắc nghẽn cho cả thành phố Hà Nội. Thực tế, để đi đến một nơi nào đó, hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe phải đi qua 2 con đường này. Người dân có thể không ở, không đến khu đó nhưng vẫn phải đi qua con đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương để chuyển sang 1 con đường khác.

“Việc thành phố cấm xe máy giống như đang cầm 1 ống nước trong tay nhưng lại bóp nó lại khiến cái ống phình ra và vỡ dập”.

Nguyễn Trãi được xem là tuyến đường huyết mạch mà nếu cấm xe gây ách tắc nghiêm trọng hơn là không cấm.

Trước một số ý kiến cho rằng, khi cấm xe máy, người dân sẽ phải chuyển sang đi buýt BRT và tàu trên cao, chuyên gia Xuân Thủy nêu quan điểm phản đối. Theo ông, không phải cứ cấm xe máy, ô tô là người dân lên tàu, xe buýt mà đi mà có thể sẽ tìm tuyến đường khác để đi qua.

Hiện tại, hệ thống BRT, tàu trên cao chưa có sự kết nối thì người dân cũng không thể đi đến 1 điểm rồi ngồi đó được. Hơn nữa, như ông Thủy đã phân tích, người dân đi qua 2 trục đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương chưa chắc đã là người sống ở đó. Nếu họ từ nơi khác tới, chưa đi vào được 2 tuyến đường này do bị cấm xe máy thì làm sao sử dụng dịch vụ xe công cộng?

Đáp lại một số ý kiến cho rằng nên cấm xe máy thí điểm ở khu vực bờ Hồ rồi sau đó lan rộng ra các khu vực khác, TS Thủy cho rằng, với hạ tầng và các điều kiện như hiện tại, Hà Nội không nên cấm xe máy ở bất cứ điểm nào.

“Nhìn chung khi cấm bất cứ tuyến đường nào mà nó nằm trong đầu mối giao thông chung thì sẽ gây ảnh hưởng đến toàn thành phố chứ không riêng khu vực đó. Khu bờ Hồ đang cấm xe vào cuối tuần nhưng thực tế, cấm khu đó thì vẫn gây ra ùn tắc cho các khu vực xung quanh.

Tôi không phản đối hay nói việc hạn chế xe máy, ô tô là sai nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải có lộ trình hợp lý”.

Muốn cấm xe máy thành công, TP Hà Nội phải đảm bảo 5 yếu tố

Theo chuyên gia Xuân Thủy, để hạn chế xe máy, tránh ùn tắc, TP Hà Nội cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp sau:

Thứ nhất hạ tầng giao thông phải tốt lên, đường thông hè thoáng. Các cửa ngõ thành phố phải mở rộng ra, xóa các điểm đen giao thông, tăng thêm cầu vượt…

Thứ hai, phải phát triển mạnh giao thông công cộng. Hiện tại, hệ thống Metro đang còn quá chậm, tuyến đường sắt trên cao chậm 5-7 năm, xe buýt chạy không đúng giờ… khiến người dân buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân.

Nếu giao thông công cộng tốt lên thì người dân sẽ dần dần, từng bước tự động bỏ xe máy. Ít nhất, hệ thống này phải đảm bảo được trên 40% thì hẵng nghĩ đến chuyện bỏ xe máy theo lộ trình.

Theo chuyên gia xuân Thủy, hệ thống giao thông công cộng phải đáp ứng trên 40% thì Hà Nội hãng nghĩ đến chuyện hạn chế xe máy theo lộ trình.

Thứ ba, công tác quản lý của nhà nước phải tốt hơn, quy hoạch, sử dụng giao thông thông minh, điều khiển giao thông hợp lý, khoa học mới có thể giảm bớt ùn tắc.

Thứ tư, không nên xây dựng quá nhiều nhà cao tầng ở trong khu trung tâm. Phải thực hiện chính sách giãn dân, tăng quỹ đất cho giao thông thì mới giảm được ùn tắc.

Cuối cùng là vấn đề nhắc nhở, động viên người dân đi đúng đường, thực hiện đúng luật giao thông và giáo dục người dân hạn chế bớt đi xe máy, ô tô, tập trung đi phương tiện công cộng.

Theo ông Thủy, 5 giải pháp trên phải thực hiện đồng bộ thì mới giúp giải quyết vấn đề ùn tắc chứ không phải cấm cái nọ, cấm cái kia. Nếu như thế thì lại thành giải pháp không khả thi.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất