Sắc màu Cuộc Sống

Chỉ trồng hoa Tết thôi nhưng những ngày này, dân Tây Tựu phải 'hô biến' đêm thành ngày để thức cùng hoa

Vương Phi
Chia sẻ

Ăn cùng hoa, ngủ cùng hoa, trong giấc mơ người nông dân Tây Tựu (Hà Nội) cũng bị những nỗi lo vô hình ám ảnh. Ai cũng sợ hoa không kịp lớn để bán vào dịp Tết Nguyên đán, sợ những luống cây mình vất vả vun trồng bị ai đó "vặt trộm"... cho nên họ chong đèn, thức cả đêm cùng những luống cúc vàng rực.

Có một mùa hoa cúc được nuôi lớn… bằng đèn điện

Mùa đông nên trời nhanh tối và vào lúc 17h30, những ai có mặt tại cánh đồng hoa Tây Tựu có lẽ đều phải bất ngờ vì khung cảnh lung linh, thơ mộng với hàng ngàn ngọn đèn cùng lúc được thắp sáng.

Làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rực sáng trong đêm nhờ giăng mắc đèn khắp nơi.

Để trông những ruộng hoa như thế này, người dân phải thức cả đêm ngoài trời.

Chẳng hiểu làm thế nào mà người dân có thể dòng dây điện đến từng luống hoa mà ở cánh đồng rộng mênh mông này, nguồn phát điện không phải chỗ nào cũng có. Hãy cứ tưởng tưởng bạn đang đứng ở một không gian mà những ngọn đèn sáng, tưởng như trải dài đến vô tận. Khi trời càng về khuya, cánh đồng càng đẹp hơn. Ngoài kia là buổi đêm đen đặc còn ở đây, mọi thứ đều trái ngược. Ánh đèn rọi thẳng vào từng cánh hoa. Những bông hoa đang độ mới nhú, ướt đẫm sương đêm như tỏa sáng khiến cánh đồng trở nên lộng lẫy hơn.

Người dân Tây Tựu thắp đèn nhiều nhất cho hoa cúc.

Cúc Pha Lê thắp đèn trong vòng 20 ngày, cúc Vàng Tầu trong vòng 10 - 15 ngày. Trong điều kiện thuận lợi, sau 20 ngày gieo mầm, người nông dân sẽ thắp đèn cho cúc.

Thế nhưng, trong khi du khách có thể ngất ngây vì cảnh ấy thì người nông dân - những người đã tạo dựng nên khung cảnh lộng lẫy này lại chỉ mong việc chong đèn cùng hoa sẽ nhanh chóng kết thúc.

Đối với họ, thắp đèn chong hoa không phải là một niềm vui, đó là công việc bắt buộc phải làm. Để kịp hoa Tết, người nông dân vất vả, tìm mọi cách để “hô biến” đêm thành ngày nhằm kích thích cây hoa tiếp tục sinh trưởng vào buổi tối. Như vậy 24/24, các luống hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp để lớn lên, cây cúc sẽ cao lớn hơn nhưng hoa sẽ nở rất muộn. Đó là nghệ thuật “nuôi” hoa bằng đèn điện độc đáo của người dân nơi đây.

Những ngày này, họ ăn cùng hoa, ngủ cùng hoa, trong giấc mơ cũng bị những màu hoa ám ảnh. Hoa được nuôi nhiều nhất là cúc và ly. Cứ mỗi luống hoa, người dân thắp sáng bằng 5-6 chiếc đèn điện. Việc thắp sáng cho hoa bắt đầu từ 17h30 đến 4h sáng hôm sau. Với mỗi loại cúc, ly… họ lại áp dụng thời gian thắp đèn khác nhau.

Việc thắp đèn có hai tác dụng. Đối với những cây cúc mới trồng, ánh sáng của đèn giúp “trẻ cúc” (cây phát triển đến một độ cao nhất định, theo ý muốn của người trồng, thì mới nở).

Bác Nguyễn Văn Thu (54 tuổi), người dân trồng hoa cúc ở đây cho biết trung bình, một sào Bắc bộ cần 38 bóng đèn để thắp sáng. Cùng với việc chong đèn, các gia đình phải thường xuyên ra ruộng để trông hoa vào các khung giờ cao điểm là từ 18 - 20h tối và 24 - 4h sáng hôm sau

Người dân Tây Tựu trồng hai loại hoa cúc chính, một loại để phục vụ Tết Nguyên đán, một loại để ra Giêng mới cắt bán và cả 2 loại hoa này, đều đang được “nuôi” bằng đèn để hãm hoa nở theo ý đồ người trồng.

“Nhà anh có một mẫu đất trồng cúc và ly vì anh không muốn thuê đất nơi khác do ít vốn và cũng không có đủ người làm. Thế nên mình phải chong đèn để chờ hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán”, anh Tân (một chủ hộ trồng hoa) tâm sự.

Một đêm bị cắt trộm hết 4 luống cúc, nông dân sợ hãi trông hoa cả ngày lẫn đêm

Thời điểm gần Tết, giá hoa thường lên cao. Đây cũng là lúc nạn trộm cắp hoa diễn ra thường xuyên. Theo người dân Tây Tựu, nhiều gia đình ở đây chỉ vì lơ là canh gác, đã “mất Tết” vì bị trộm cắt lọc, chọn cách cuỗm hết những luống hoa đẹp.

Đối với những cây cúc đã ra hoa, người dân thắp đèn để tránh trộm.

Anh Tường (một nông dân ở Tây Tựu) cho biết, cách đây mấy hôm, có gia đình bị kẻ trộm cắt mất 6 luống cúc chỉ trong một đêm. “Đầu tư tiền tỷ trồng hoa nên ai cũng nơm nớp sợ bị vặt trộm. Mấy ngày nay, tôi cùng cả gia đình phải dựng lều, ăn ngủ cùng hoa”.

Theo lời bác Thu, những ngày này ai cũng sợ mất hoa. Chẳng phải chỉ canh chừng vào ban đêm, đối với những loại hoa cúc có giá cao, khoảng 4.000 đồng/bông (giá bán buôn), người dân thậm chí còn phải trông chừng cả ban ngày.

“Sợ lắm, ban ngày mà vắng người có khi cũng bị tỉa trộm. Cứ mất đi 100 bông là mất 400.000 đồng, bằng cả mấy ngày công lao động“, bác Thu nói thêm.

Ngoài trồng hoa, người ta còn ở trong những chiếc lều dựng ngay bên cạnh ruộng để trông bóng đèn. Trung bình, một sào ruộng cần 38 bóng đèn để thắp sáng.

Dây chằng để hoa không ngả xuống rãnh.

Trong khi đó, anh Thuận (chủ một hộ trồng hoa ly) cũng tâm sự, dù thời gian này cây ly chưa đến độ thu hoạch nhưng anh vẫn phải kè kè canh chừng. “Vì mình cũng sợ có kẻ cố tình phá hoại khiến gia đình thất thu hoặc không trộm hoa, có người lại đến trộm bóng điện, dây điện để bán lại cho các chủ vườn khác kiếm lời”.

Khi trời về khuya, sương đêm dần lạnh buốt, nông dân Tây Tựu chui vào trong những căn lều tạm bợ. Họ dần thiếp ngủ nhưng trong cả giấc mơ, vẫn không quên nhắc mình phải cố gắng, giữ gìn những luống hoa để còn được đón một năm mới, sum vầy bên gia đình

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất