Sắc màu Cuộc Sống

Cảnh đời éo le của Nữ hoàng lô tô 2 lần phẫu thuật vì hoại tử ngực: 'Thà mất tất cả, chị còn được sống với con thêm ngày nữa…'

Huy Hậu
Chia sẻ

Tối, Nini An nhắn cho tôi: Chị mổ rồi em. Y rằng, bất giác tôi đã thầm cười mãn nguyện. Vậy là, sau những băng chuyền, thuốc, nước mắt và nỗi đau… chị mất nó. Nhưng chị sẽ không còn phải chết vào ngày mai, ngày sau hay sau nữa. Giờ, Nini An có thể sống với bé Ý đến năm 40 tuổi như chị từng ao ước.

Tôi gặp Nini An 4 tháng trước. Lần đầu, khi tôi chắp bút cho bài viết “Chuyện đời nữ hoàng gánh lô tô và ký ức lần đầu tiên được làm mẹ”. Lần thứ hai ở đoàn lô tô Hoàng Anh nơi An biểu diễn. Và lần cuối là khi chị đủ tin tưởng tôi, vạch ra sau lớp áo vải xoan cho tôi xem những vết bầm, tụ máu, gần như nát bươm ở rãnh ngực. Tôi lặng người.

- Đã bao lâu?

- Lâu lắm rồi, cứ mùa đông là nó nhức tê tái. Chị sợ rách da lắm, chảy máu hoài là không lành được.

- Chị không tính phẫu thuật sao?

- Chị cười: Không! Dành dụm cả đời mới có nó, lúc chuyển giới đã hứa một ngày làm con gái chết cũng nhắm mắt, bỏ sao được. 

- Nhưng nó đã chết, da chị chết, thịt chị chết, rồi nó cũng hại chị chết. Ý ở với ai???

Nini An im lặng… mông lung và mờ nhạt. Nó ở đây là bầu vú giả chị phẫu thuật cách đây 13 năm, giờ đã vỡ silicon, ăn dần vào da thịt. Đau đớn. Mỗi đêm.

Phần ngực hoại tử phải cắt bỏ đến 2 lần để giữ mạng sống.

“Pê-đê không có ngực đi diễn ai xem”

Chị cứ đắn đo, chần chừ mãi. Nhiều đêm, chị chỉ lặng lẽ gửi cho tôi những đoạn clip ngắn mà đến giờ tôi vẫn không ngừng ám ảnh. Máu hoà lẫn với mủ trắng, nhễ nhãi qua những vết thương hở, nhiều, nhiều lắm. Chị bảo chị tiếc quá, nhưng nó đau.

Sau này, mỗi lần theo lô tô, chị lại quơ đại mớ phấn rơm lấp liếm chỗ bầm, nước mắt chan chát. Bên dưới, khán giả vẫn vỗ tay đều cho nữ hoàng lô tô diêm dúa trong bộ cánh ngắn, sặc sỡ. Sau ánh đèn, chị lại ngồi thừ người, lấy tay chạm vào vết thương, gần như run lên bần bật.

Nhưng cái đau thể xác đã là gì! Lần tiếp, tình cờ tôi nghe Tư - chị gái Nini An, kể lại: “An sợ nhất là người ta cười đấy. Bê-đê không có ngực thiên hạ nó chê, đi diễn không ai xem thì lấy đâu ra tiền. Chị bảo nhiều lắm, mà nó cứ không đành”.

Nini An ngồi cạnh, cười trừ: “Hồi đó, cứ ráng bơm. Bơm nhiều để thành con gái sớm, chân tay nõn nà người ta mới thương. Ai ngờ sau này nó hại chết chị”. 

25 ngày với hai cuộc phẫu thuật, Nini An vẫn chưa thể quên cảm giác đau đớn.

Hồi đó, cứ ráng bơm. Bơm nhiều để thành con gái sớm, chân tay nõn nà người ta mới thương. Ai ngờ sau này nó hại chết chị.

Sau đêm diễn ấy, An trở về muộn, cái Ý đã thiếp ngủ. Lâu lâu, dăm ba hôm nghỉ học, nó mới được An chở ra đoàn. Con bé hay cầm chiếc điện thoại cũ quay má nó ngâm ca. Ý có đôi mắt trong veo, hồn nhiên lắm!

An ngắm nhìn con gái, vuốt nhẹ mớ tóc mây, rồi bật khóc: “Nhưng chị hổng biết có còn đủ thời gian nhìn Ý năm 18 tuổi không? Chị tính sẽ đi tìm mẹ giúp nó nữa…”.

Tới cái hôm chị bị té, vết loét silicon ở mông trương ra, rồi mãi không khâu miệng được. Chị mới bắt đầu sợ cái chết cận kề. An sốt sắng ra vào viện, hết tỉnh tới thành phố. Bác sĩ đều lắc đầu, chỉ có cắt là giữ tính mạng.

Nhưng chị hổng biết có còn đủ thời gian nhìn Ý năm 18 tuổi không? Chị tính sẽ đi tìm mẹ giúp nó nữa…

Với những người chuyển giới như An, có một bộ vú giả, được làm con gái là ước mơ cả đời. Có nhiều người tôi từng gặp, chỉ sau vài tháng chuyển giới, họ bị hoại tử dần rồi mất. Nhưng ngay cả lúc đó, hình hài bọc trong cỗ quan tài ọp ẹp, tóc họ vẫn xoã bóng mây và nụ cười vẫn chưa kịp tắt, mãn nguyện. An cũng như thế, chị đau đớn tột cùng khi nghe lời bác sĩ.

Nhưng An lo sợ hơn cho Ý. Rằng một ngày nào đó, chị đi, rồi con bé sẽ ở với ai. Nó mồ côi thì tội nghiệp quá. Chị toan sẽ đi hát thêm một thời thời gian nữa để kiếm đủ tiền, vết thương có lở thì chặn bông băng. Một đêm nhảy, máu tràn ra cả quần, ướt đẫm.

Chị chuyển lên thành phố, tay cầm đúng 10 triệu đồng tích góp, kèm câu nói của Công: Phải ráng, mấy người chỉ cần dưỡng bệnh, về tui chăm. Và 2 cuộc phẫu thuật kéo dài hơn tháng trời.

Tay cầm đúng 10 triệu đồng tích góp, kèm câu nói của Công: Phải ráng, mấy người chỉ cần dưỡng bệnh, về tui chăm. Và 2 cuộc phẫu thuật kéo dài hơn tháng trời.

“Chỉ mong sớm được về để còn đi hát, chăm Ý nữa!”

Ngày đầu tiên An phẫu thuật, từ 2h chiều đến 10 rưỡi tối, 800 gram silicon đã hoà lẫn vào thịt thối, bác sĩ phải cắt bỏ từ từ. Nhưng chỉ 90% độc tố được giải.

3 ngày sau, chị vẫn mê man, máu truyền liên tục vì thiếu. Hôm đầu tỉnh, thấy mình phẳng lì, chị khóc. Bác sĩ phải hứa đã giữ lại phần đầu ngực, chị mới thôi.

Rồi chị chăm dưỡng, ăn uống khoẻ lắm, nhưng cái đầu ngực cuối cùng cũng đen thui. 25 ngày sau, bác sĩ buộc phải cắt thêm, chị lại bị đẩy vào phòng mổ thêm 8 tiếng nữa. Lúc ra, đã hết sức để buồn, chị nắm tay tôi, cười nhẹ: Hết rồi, điều sợ nhất cũng đã đến. Giờ còn mỗi chết nữa thôi chứ gì…

3 ngày sau, chị vẫn mê man, máu truyền liên tục vì thiếu. Hôm đầu tỉnh, thấy mình phẳng lì, chị khóc. Bác sĩ phải hứa đã giữ lại phần đầu ngực, chị mới thôi.

25 ngày dài đằng đẵng ở viện, chị Tư vẫn kề cạnh chăm sóc. Anh Công cày lưng chạy thêm cuốc xe đêm để kiếm tiền viện phí. Cái Ý ở nhà một mình, nó nhớ mẹ, nó khóc mỗi đêm, khóc đến lả người thì tự lăn ra ngủ.

“Bác sĩ bảo còn phần mông nữa, lỡ loét hết rồi. Nhưng thôi chị về sớm để còn đi hát, còn chăm Ý nữa chứ để nó bỏ học, tội nghiệp”.

Con bé Ý vừa vào lớp 1, mẹ nó đã ở viện. Mỗi chiều thứ 6, Công lại chở con gái lên thành phố thăm mẹ. Ngày đầu, nó chịu trốn dưới gầm giường để ngủ lại với má Mi. Lần sau An thương quá, xót con nằm đất nên khăng khăng bắt về.

Giờ đây, cứ thứ 6, con bé vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục đã nhảy xe ba lên thành phố. Mỗi bữa 2 tiếng, cách tuần lại lên, con bé vẫn không ngừng khóc khi nhìn mẹ nó trắng bệch, nằm thở dốc trong mớ dây chuyền chằng chịt. “Mi ráng hết bệnh về với con nghen” - nó nhắc.

Lần nào thế, An lại đứt đoạn ruột gan. Chị hứa hoài, rằng mai Mi bớt bệnh Mi sẽ về… Nhưng ngày mai nào An không rõ, vết thương kéo thịt vẫn chưa lành.

Chị hứa hoài, rằng mai Mi bớt bệnh Mi sẽ về… Nhưng ngày mai nào An không rõ, vết thương kéo thịt vẫn chưa lành.

Từ lúc gặp An, tôi nghe chị nhắc nhiều về chữ “Kệ”. Kệ đời mà, kệ người ta, kệ xã hội, kệ phận bê-đê bóng gió, kệ cái chết,… như thể trong 5-6 câu nói, chị lại nhắc về cái chữ đau đớn ấy. Vì giờ đây, sau khuôn ngực, cả phần mông cũng đã loét thịt. Rồi khuỷu tay bầm tím, bàn chân sưng vù… tất cả đang chết dần chết mòn trong người chị.

“Làm gì nữa, nó đã ăn tận máu tận xương nên thôi kệ. Chị chấp nhận sống những ngày còn lại vì con nên được ngày nào hay ngày đó…” - chị cười nhẹ.

Với An bây giờ, sau những băng chuyền, thuốc, nước mắt và nỗi đau,… chị đã mất đi thứ dành cả đời đạt được, nhưng đổi lại, chị sẽ không chết vào ngày mai, ngày sau và sau nữa.

Thôi thì ông bà ta từng nói, “trời gọi ai nấy dạ”. Với An bây giờ, sau những băng chuyền, thuốc, nước mắt và nỗi đau,… chị đã mất đi thứ dành cả đời đạt được, nhưng đổi lại, chị sẽ không chết vào ngày mai, ngày sau và sau nữa. Chị nằm trên giường, lẩm nhẩm đếm từng ngày:

- Chỉ mong hết tháng, chị sẽ sớm bình phục để còn về nhà. Chị nhớ cái Ý lắm rồi! An cười.

Đó là ước mơ lúc này của chị, đơn giản lắm chứ. Nhưng nếu nó có thể kéo dài thêm nữa, ít nhất là đến năm bé Ý 18, nhìn Ý mặc áo dài, đi guốc cao nõn dáng như mẹ, thì tốt biết bao nhiêu… Tôi đang mường tượng về cái ngày vui đó, trong một chiều Sài Gòn đổ mưa, mưa dữ dội.

Hiện, Nini An đang được điều trị tại khoa Bỏng - Thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Trưng Vương, quận 5, TP.HCM.

Mọi đóng góp của các nhà hảo tâm xin liên hệ trực tiếp hoặc qua số tài khoản: 109001434125, Châu Chí Công, ngân hàng Vietinbank chi nhánh Long An.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất