Sắc màu Cuộc Sống

Bình Định muốn tạc phù điêu trên vách núi

Theo VnExpress
Chia sẻ

Phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ dài hơn 80 m, cao 35 m sẽ được tạc trên núi Bà Hỏa, cửa ngõ TP Quy Nhơn, với kinh phí 86 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Định, ý tưởng tạc phù điêu vào các vách núi đã được khởi động hai năm trước, khi tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác phù điêu để chọn tác phẩm.

Đến tháng 6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã giao TP Quy Nhơn chủ trì việc tháo dỡ, di dời các pano quảng cáo, cây xanh, điện chiếu sáng… để có mặt bằng ngầm hóa đường điện cho việc xây dựng công trình.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, vị trí tạc phù điêu nằm trên núi Bà Hỏa, có nhiều tảng đá tự nhiên cao lớn. Núi nằm ở ngã năm Trần Hưng Đạo giao với Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành (nút giao thông cửa ngõ của TP Quy Nhơn), có hướng nhìn ra cầu Thị Nại và Khu kinh tế Nhơn Hội theo hướng Đông Bắc.

Phối cảnh Phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ ở ngã năm Trần Hưng Đạo - Đống Đa, TP Quy Nhơn. Ảnh: UBND Bình Định.

Để tạo điểm nhấn cho khu vực, UBND tỉnh Bình Định và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có chủ trương và “đồng thuận cao” về việc tạc phù điêu này với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và nguồn cội sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”.

Phương án thiết kế là cắt sâu vào núi 20 -25 m, tạo thành mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi. Phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Tổng chiều dài phù điêu là 81,5 m, vị trí cao nhất 35 m; hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ 3.000 m2.

Phù điêu được khắc họa ba lớp nhân vật. Lớp thứ nhất ở giữa, khắc họa hình tượng cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử về dòng dõi Rồng Tiên.

Lớp thứ hai nằm hai bên lớp thứ nhất, là hình ảnh 18 đời vua Hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ.

Lớp thứ ba đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa một người nam và một người nữ cùng với trang phục truyền thống, nắm chặt tay nhau thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Công trình cách ranh giới quy hoạch nút giao thông ngã năm sáu mét. Phía trên đỉnh, các mương thu nước sẽ được xây dựng để nước không chảy về phía mặt phù điêu.

Trong 86 tỷ đồng dự kiến chi cho công trình, 35 tỷ từ ngân sách, để triển khai hạ tầng, di dời và hạ ngầm đường điện…; 51 tỷ kêu gọi từ nguồn xã hội hóa để triển khai phần mỹ thuật. Dự kiến công trình được thực hiện từ năm 2020 đến 2022.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh này, đây là tác phẩm điêu khắc biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước. Ngoài ra, tác phẩm sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa - lịch sử và kiến trúc cảnh quang đô thị, tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút du khách.

Đơn vị thi công đào mương để ngầm hóa đường điện phục vụ việc tạc phù điêu. Ảnh: Phạm Linh.

Tuy nhiên, khi dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định, trước khi tạc phù điêu hay làm công trình thì phải căn cứ vào quy hoạch không gian. Vấn đề lớn nhất ở nút ngã năm này là bị tắc nghẽn.

“Sau khi quốc lộ 19 hoàn thành thì lượng phương tiện tập trung vào nút giao thông này khá lớn. Do đó phải ưu tiên không gian để giải quyết ách tắc bây giờ và về sau, để đi vào và thoát ra thành phố một cách gọn gàng”, ông nói.

Ông Tiêu cho rằng, sau khi giải quyết bài toán giao thông, việc làm một công trình điểm nhấn rõ nét, hoành tráng trước khi vào thành phố cũng không vấn đề gì, quan trọng là chất lượng mỹ thuật, không nên quá rườm rà, chi tiết.

“Ở nước ta chưa có nơi nào làm như vậy. Trung Quốc có Lạc Sơn Đại Phật tạc vào vách núi ở Tứ Xuyên. Ở Mỹ thì có tượng bốn Tổng thống tạc trên núi”, ông cho biết.

Còn kiến trúc sư Lê Trọng Vũ (TP Đà Nẵng), tác giả có nhiều bài viết góp ý về quy hoạch đô thị trong nước, cho rằng, không có gì đẹp bằng màu xanh của thiên nhiên. Một số nơi làm như vậy để gây ấn tượng nhằm phát triển du lịch như Hollywood hay ở Thái Lan vì đó là núi đá vôi, không phản cảm. “Chúng ta thường hay bắt chước mà làm không tới nên dư luận ồn ào”, ông Vũ nói.

Một số ý kiến lo ngại công trình sát tuyến đường sắt Quy Nhơn - TP HCM, nếu đá đổ xuống sẽ gây tai nạn cho tàu và hành khách.

Ông Trần Văn Thảo - Trưởng Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, đơn vị khảo sát địa chất của công trình cho biết, đã khảo sát trong 45 ngày, khoan hai lỗ, khảo sát bề mặt địa chất và đo chi tiết bản đồ địa hình. “Đá ở núi chủ yếu là đá trầm tích, đủ điều kiện để chế tác phù điêu”, ông Thảo khẳng định.

Trả lời báo chí, ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, tỉnh dành ngân sách để cải tạo nút giao thông ngã năm. Còn Dự án tạc tượng vẫn đang nằm trong kế hoạch, chưa triển khai vì phải lấy ý kiến người dân.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất