Sắc màu Cuộc Sống

Bé gái 5 tuổi tử vong thương tâm do học theo trò treo cổ trên YouTube khiến nhiều người bàng hoàng

Linh Chi (tổng hợp)
Chia sẻ

Bài đăng của chị N.N. chia sẻ trên mạng xã hội về cô cháu gái 5 tuổi tử vong thương tâm sau khi học theo trò treo cổ trên YouTube khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót.

Nguy hiểm từ chương trình của Youtube: Trẻ bắt chước 'thắt cổ'

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ bài đăng của chị N.N. (hiện sống ở TP.HCM) về cái chết thương tâm của cô cháu gái 5 tuổi khiến nhiều người bàng hoàng lẫn đau xót. 

Theo bài đăng của chị N., cháu gái chị là V.T.D. (5 tuổi) "vì học theo trò chơi treo cổ trên Youtube nên đã tử vong thương tâm". 

Bé gái 5 tuổi tử vong thương tâm do học theo trò treo cổ trên YouTube khiến nhiều người bàng hoàng Ảnh 1
Bài đăng của chị N.N. trên mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm.

Chị N.N. chia sẻ trên Pháp luật và Bạn đọc, sự việc xảy ra vào chiều 12/10 vừa qua, khi bố mẹ và mọi người đi làm, cháu D. ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ vài phút không để ý, cháu D. đã học theo trò chơi trên Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ. Khi gia đình phát hiện thì cháu D. đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. 

Mặc dù đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu D. không qua khỏi, tử vong lúc 18h10 cùng ngày. Các bác sĩ kết luận cháu tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.

Chị N. cũng cho biết, bình thường D. cùng hai cháu bé nữa hay tự bật và xem YouTube cùng nhau. Cháu D. trước đó đã vài lần chơi trò treo cổ và mọi người trong nhà có nhìn thấy và quát cháu. Lần gần nhất là cách đây nửa tháng, một người dì khác nhìn thấy và mắng cháu D: "Ai cho nghịch như vậy, ai bày trò như vậy?'. Nghe dì mắng thì cháu không nghịch nữa và đi sang phòng khác chơi".

Bé gái 5 tuổi tử vong thương tâm do học theo trò treo cổ trên YouTube khiến nhiều người bàng hoàng Ảnh 2
Chị N. chia sẻ, bé D. rất ngoan, thông minh và lễ phép.

Chị N. chia sẻ về cháu gái nhỏ xấu số trên bài đăng mạng xã hội, D. là cô bé rất ngoan, thông minh, lễ phép. "Nó chỉ nghĩ nó đang chơi trò chơi vô hại đó, mà nào ngờ cướp đi sinh mệnh của cháu mãi mãi".

Cũng tại bài đăng này, chị N. nghẹn ngào: "Mình chỉ mong là các bạn có con nhỏ độ tuổi chưa nhận thức được những trò chơi nguy hiểm nên để ý và tuyệt đối cho các bé tránh xa các loại phim, các chương trình dạy trẻ làm hại bản thân như trên YouTube...

Tất cả không kịp, không thể chiến thắng được tử thần, để rồi mang một đứa trẻ ngoan ngoãn xinh xắn xa vòng tay gia đình, xa bố mẹ ông bà mãi mãi...".

Bé gái 5 tuổi tử vong thương tâm do học theo trò treo cổ trên YouTube khiến nhiều người bàng hoàng Ảnh 3
Bình thường, cháu bé khá dễ thương, hiếu động.

Đáng chú ý hơn nữa, sự việc trên không phải hi hữu. Trước đó, vào tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. 

Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé K đã may mắn giữ được tính mạng.

Sau khi hồi tỉnh, bé K cho biết em đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết nên bé đã làm theo.

Năm ngoái, khoảng tháng 3/2019, nhiều phụ huynh cũng hoang mang trước thử thách Momo 'Trò chơi tự sát' nguy hiểm xuất hiện trên một kênh Youtube có thể khiến trẻ tự tử.

Nhìn bên ngoài đây dường như chỉ là phim hoạt hình với hình ảnh dễ thương dành cho thiếu nhi nhưng đến khoảng giữa phim mới xuất hiện các hình ảnh nguy hiểm.

Thử thách này được đánh giá mức độ nguy hại ngang với thử thách Cá voi xanh một thời. Cụ thể, các trang mạng xã hội đưa ra cảnh báo: clip phim Peppa chứa nội dung kinh dị, xúi giục trẻ em tự sát Momo-hình ảnh kinh dị gây ám ảnh 1 thời xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig.

Bé gái 5 tuổi tử vong thương tâm do học theo trò treo cổ trên YouTube khiến nhiều người bàng hoàng Ảnh 4
Một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.

Ngoài ra, “trò chơi tự sát” Momo này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước Châu Âu, Mỹ, khu vực châu Mỹ Latinh.

Bố mẹ cần sát sao, chủ động bảo vệ con nhỏ

iPad, điện thoại đang trở thành một thói quen không thể thiếu của nhiều gia đình. Thậm chí, nhiều bố mẹ xem đây là công cụ hiệu quả để "dỗ dành" con cái, rảnh tay làm công việc của mình. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, những trò nguy hiểm nói trên là một ví dụ. 

Bởi vậy, phụ huynh cần theo dõi kĩ những gì con trẻ xem để đảm bảo an toàn cho con em mình.

Trả lời ANTĐ, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho hay, để hạn chế các vụ việc đáng tiếc, các bậc phụ huynh hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình điện thoại, Ipad, máy tính một mình của trẻ, đồng thời kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi, giúp con chọn lọc thông tin tiếp cận.

Nếu có con nhỏ (dưới 12 tuổi), bố mẹ có thể bảo vệ con khỏi các nội dung nguy hiểm trên Youtube bằng cách thiết lập một tài khoản gia đình, tạo tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm.

Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần sát sao hơn trong việc quản lý những nội dung con xem như: Kiểm tra máy tính, điện thoại của con ngẫu nhiên; đảm bảo bật chế độ hạn chế trên mọi ứng dụng và trình duyệt mà trẻ sử dụng. Phụ huynh có thể cùng xem và thảo luận với trẻ về các nội dung trong chương trình. Bên cạnh đó, cha mẹ cần bổ sung những kỹ năng dạy con tích cực, sắp xếp cho trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi (tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất