Sắc màu Cuộc Sống

Bắt chó thả rông và 'tiêu huỷ sau 72h': Một chính sách cần thiết nhưng thực hiện chưa hợp lý

Hoang Hai Dinh
Chia sẻ

Câu chuyện về đội săn bắt chó thả rông và tiêu huỷ sau 72h nếu không có chủ đến nhận vẫn đang là đề tài nóng gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Trên fanpage của Saostar, hàng trăm ý kiến tranh luận của độc giả khắp nơi gửi về. Đồng tình cũng nhiều và phản đối cũng không ít. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến “trung lập” tức là không hoàn toàn đồng tình và cũng chẳng phản đối kịch liệt, họ đưa ra những lý lẽ phân tích cái được và chưa được trong “chiến dịch” này.

Được sự đồng ý của độc giả Hoang Hai Dinh, Saostar xin đăng tải ý kiến phân tích khá sâu sắc của anh. Đây là quan điểm cá nhân của độc giả Hoang Hai Dinh, hi vọng chúng ta sẽ có thêm một góc nhìn để tham khảo.

***

Những ngày vừa qua dư luận bùng nổ cuộc tranh cãi khi Chi cục Thú y TP.HCM đã thành lập Đội săn bắt chó thả rông để thu gom chó, sau khi có nhiều hộ dân phản ánh về tình trạng một số hộ gia đình không xích chó hoặc chó thả rông ra đường không rọ mõm gây nguy hiểm đến người đi đường.

Làm thế nào để chó mèo nuôi trong nhà không ảnh hưởng đến hàng xóm, người đi đường? Làm thể nào để giải quyết vấn đề chó mèo hoang? Việc đưa ra chính sách bắt chó mèo (dù là nhà nuôi hay hoang) như thế này là nhằm giải quyết hai vấn đề trên. Nhưng chính sách như vậy đã thực sự thỏa đáng chưa?

Đối với vấn đề thứ nhất, cá nhân tôi cho rằng cách giải quyết tốt nhất phải quy về người chủ vật nuôi. Một người chủ có trách nhiệm sẽ biết nuôi dạy “người bạn” của mình như thế nào, từ việc tiêm phòng ngừa bệnh, dạy đi vệ sinh đúng chỗ, dạy không sủa, không cắn người… (tất nhiên chó mèo cũng tùy con, có con dễ dạy con khó dạy như con người, cũng nhiều người dạy mà chưa thành). Người chủ có trách nhiệm sẽ phải rọ mõm, xích sắt lại, rồi mang theo đồ hốt dọn phân tránh ảnh hưởng đến vệ sinh chung khi dắt chó mèo đi dạo. Điều này này cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của người chủ.

Đối với vấn đề thứ hai, thực sự đây là một vấn đề khó, vì đôi khi có trách nhiệm với con người còn chưa xong, người lang thang cơ nhỡ còn khó giải quyết. Chó mèo làm sao đòi hỏi Nhà nước có chính sách được? Dù không muốn nhưng ở điểm này, tôi phải thừa nhận việc có những đội đi tuần để gom chó mèo hoang lại, đặc biệt là ở những khu đông dân cư để tránh ảnh hưởng tới người dân là cần thiết. Khi viết những dòng này, tôi rất mong có nhiều tổ chức bảo vệ động vật, hay chỉ là những cá nhân thôi có thể làm được điều gì đó cho những chú chó, chú mèo vô chủ thay vì đem đi tiêu hủy.

Đội săn bắt chó của Chi cục Thú y TP.HCM. Ảnh chụp màn hình clip

Và nhằm giải quyết 2 vấn đề trên, vấn đề thứ 3 được đưa ra và cũng là vấn đề gây tranh cãi nhất: Liệu chính sách này đã thỏa đáng chưa? Ban đầu, tôi là người theo phe phản đối chính sách này hoàn toàn. Nhưng sau khi đọc rất nhiều các ý kiến khác, câu trả lời của tôi là: Đây là một chính sách cần thiết nhưng cách triển khai có vấn đề. Cần thiết thì mới có nhiều người ủng hộ như vậy và cũng vì có vấn đề nên mới bị ném đá đông đến vậy. Nếu mổ xẻ vấn đề thứ 3 này ra, dựa trên những thông tin từ mạng xã hội mấy ngày gần đây có thể chia thành:

1. Việc tiêu hủy chó mèo là vô nhân đạo, điều này không có gì phải bàn. Tôi liên tưởng đến bộ phim mới xem gần đây là “What happened to Monday” mà đa số ai cũng khen hay. Tôi thấy bộ phim cũng rất hồi hộp gay cấn, xứng đáng được đánh giá hay. Nhưng chỉ vì cái concept “tiêu hủy con thứ” mà tôi thấy bộ phim mất đi cái hay - và cái ý tưởng phải tiêu hủy những sinh vật sống chỉ bởi “không quản lý được” làm tôi thấy rất khó chịu.

Những chú chó sẽ bị tiêu huỷ sau 72h nếu chủ không đến nhận. Ảnh: Người Lao Động

2. Vấn đề “72 giờ”: Rất may chủ vật nuôi có 72 giờ để nên đóng tiền nộp phạt vào ngân sách Nhà nước. Tôi cho là vậy dù không thấy trong bài báo nhắc đến. Sai thì sửa và làm giàu thêm cho ngân sách Nhà nước để Nhà nước có các hoạt động và các chính sách phù hợp hơn thì càng tốt. Còn một vấn đề mà mọi người tranh luận nữa đó là: “Liệu người ta có cho 72 giờ thật không hay là mang đi tiêu hủy luôn?”.

3. Vấn đề “chó mèo hoang” và “chó mèo nhà nuôi”: Việc thu gom chó mèo ở đây, tôi hiểu là chỉ thực hiện với chó mèo hoang, còn chó mèo nuôi sẽ tránh ra. Nhìn clip quay cảnh bắt chó mèo, tôi hiểu tại sao chính sách này bị ném đá nhiều thế. Cách những thành viên đội đi thu gom được ví von chuyên nghiệp “không khác bọn bắt trộm chó” hay hình ảnh thòng lọng thít vào cổ mấy chú chó đau đớn đều gây ấn tượng, tượng hình mạnh. Rồi những người vốn nghi ngờ thì lại nói: “Liệu đây có phải hình thức hợp pháp hóa trộm chó mèo không”, hay “Liệu có xảy ra trường hợp biết là chó nhà nhưng cố tình đánh bẫy bắt để lấy tiền chuộc, hoặc bán đem quán nhậu? Hoặc ghét cái nhà đấy con chó đấy mà bắt”? Giá mà đội thu gom chó mèo hoang hành xử nhân văn hơn, ví dụ như đi báo chủ nhà, nhắc nhở chủ nhà thay vì thấy chó ngồi trước hiên là lao xuống bắt, hoặc là khi bắt chó thì nhẹ tay hơn để lên clip đẹp hơn…. cá nhân tôi thì chỉ xem hình ảnh từ clip nên có nhận xét như vậy.

Giá mà đội thu gom chó mèo hoang hành xử nhân văn hơn“. Nguồn ảnh: internet

Tôi còn nhớ trong một mẩu chuyện Doraemon có kể về vương quốc chó mèo. Ban đầu đó cũng là những chú chó, mèo bị bỏ hoang, bị dồn đến một khu đồi vắng và bị chính phủ đòi tiêu hủy. Nobita và Doraemon vì thương bọn chó mèo mà đưa chúng về quá khứ, chiếu tia sáng tiến hóa để dạy chúng biết tìm kiếm thức ăn, biết tự kiếm sống. Một bài báo mình vừa tìm được từ năm 2013 có đưa ra số liệu: “Mỗi ngày, khoảng 500 chó mèo bị tiêu hủy một cách hợp pháp trên cả nước Nhật”. Nói vậy để thấy văn minh như nước Nhật cũng đã từng có những chính sách dã man như vậy.

Công việc của Nhà nước là đưa ra chính sách. Công việc của người dân chúng ta ngoài việc góp ý chính sách ra (để Nhà nước biết chính sách đưa ra có phù hợp hay không) còn phải là hành động để cứu lấy những chú chó, mèo nhà nuôi và cả bỏ hoang. Vậy nên tôi nghĩ khi thấy “phản đối” chính sách đủ rồi, thì mỗi người chúng ta nên cố gắng lằm những gì có thể. Thay vì chờ một cơ sở chó mèo hoang được lập thì tự mỗi người mang một “em chó, em mèo” về nuôi. Chúng ta cũng có thể lập ra nhiều hơn nữa đội cứu hộ chó mèo… Hãy là những người chủ có trách nhiệm, biết bảo vệ người bạn cưng của mình. Mong sao đến lúc nào đó, chính sách thu gom chó mèo (mình vẫn cho là dã man) này sẽ không còn cần thiết nữa.

(Trên đây là bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả gửi về cho #YourOpinion with SAOstar.)

Hãy thể hiện ngay quan điểm của bạn cùng SAOstar TẠI ĐÂY

Chia sẻ

Bài viết

Hoang Hai Dinh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất