Sắc màu Cuộc Sống

Bác sĩ Hoàng Công Lương có dấu hiệu bệnh trầm cảm

Định Nguyễn
Chia sẻ

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, do bác sĩ Lương có dấu hiệu bệnh trầm cảm vì chưa chấp nhận được việc mình phạm tội Vô ý làm chết người nên không thể đến phiên toà mà vẫn phải nằm viện điều trị.

Sáng 8/1, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã đưa bị cáo Hoàng Công Lương và 6 bị cáo khác ra tái xét xử sơ thẩm liên quan trách nhiệm trong sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong.

Tại phiên toà có duy nhất bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt vì trước đó vợ anh là chị Đinh Thị Huyền Thư đã làm đơn gửi TAND TP Hòa Bình xin xem xét cho chồng được vắng mặt để điều trị tại Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình từ đêm ngày 23/12/2018 đến nay.

Bị cáo Hoàng Công Lương không có mặt trong phiên xét xử ngày 8/1 do phải nhập viện điều trị.

Theo chị Thư, hiện tại sức khoẻ của bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn chưa cải thiện, vẫn mệt và mất ngủ kéo dài, ăn uống không được nhiều.

Về việc bác sĩ Hoàng Công Lương vắng mặt tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia tố tụng có ý kiến gì. Ngay lúc này, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc bị cáo Lương nằm viện là trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, ông kiến nghị có thể hoãn phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa đồng ý với kiến nghị hoãn phiên tòa của những người tham gia tố tụng.

Theo luật sư, bị cáo Lương có dấu hiệu bị trầm cảm.

Sau khi phiên toà tạm hoãn, trao đổi bên ngoài phòng xử, luật sư Hoàng Ngọc Biên, một trong số 10 luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương tại vụ án này cho rằng, việc HĐXX quyết định hoãn phiên tòa khi bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương vắng mặt là phù hợp với quy định pháp luật.

Luật sư Biên cho rằng nếu ngày 14/1 tới, bị cáo Hoàng Công Lương vẫn gặp vấn đề về sức khỏe thì phiên tòa tiếp tục phải hoãn.

Nói về bệnh tình của bị cáo Lương, luật sư Hoàng Ngọc Biên cho hay, bị cáo có dấu hiệu trầm cảm. “Ở địa vị bác sĩ Hoàng Công Lương khi bị thay đổi tội danh đến 3 lần và chưa chấp nhận việc mình có tội thì việc bị dấu hiệu trầm cảm là dễ hiểu”, ông Biên cho hay.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, một trong 10 luật sư bào chữa cho bị cáo Lương.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến, người bào chữa cho Hoàng Công Lương cho rằng, việc xem xét thay đổi tội danh thuộc thẩm quyền của các cơ quan truy tố theo quy định của pháp luật tố tụng.

Đối với HĐXX tại phiên tòa, sau khi xem xét quá trình thẩm vấn, nếu có tình tiết mới, dấu hiệu, hành vi mới ở tội danh khác thì tùy từng trường hợp có thể thay đổi tội danh theo quy định của pháp luật. Song, những trường hợp đã được trả hồ sơ đi, trả hồ sơ lại, trong khi chứng cứ, tài liệu không có gì mới thì tòa có quyền tuyên bị cáo không phạm tội.

Về sức khỏe của bác sĩ Lương, luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết, qua nhiều lần thay đổi tội danh truy tố, bác sĩ Lương thực hiện quyền khiếu nại, kiến nghị, đề nghị xem xét không phải tội danh của mình.

Bị cáo Chương Quý Dương có mặt tại phiên toà sáng ngày 8/1. Ông bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, lần này, Hoàng Công Lương bị truy tố tội Vô ý làm chết người. Bác sĩ Lương khiếu nại quyền của mình theo quy định của pháp luật tố tụng. Song, kết quả bất thành đã khiến Hoàng Công Lương bị sốc tinh thần, sức khỏe không tốt, nên không thể tham dự phiên tòa lần này.

Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi bác sĩ Hoàng Công Lương đang nằm điều trị nội trú.

Sáng 9/1, một số người thân của bác sĩ Lương đã đến khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi bác sĩ Hoàng Công Lương đang nằm điều trị nội trú để ghi nhận tình trạng sức khỏe của vị bác sĩ này.

Nhiều người đến hỏi thăm sức khoẻ bác sĩ Lương.

Tuy nhiên, trái với sự mong chờ của mọi người, bác sĩ Lương vẫn nằm điều trị và hạn chế người gặp. Thậm chí, cả một người thân xưng là cô của bác sĩ liên tục đứng gõ cửa để xin gặp bằng những lẽ thuyết phục mềm mỏng nhưng căn phòng của vị bác sĩ này vẫn đóng chặt cửa dù bên trong sáng đèn. Trước cửa phòng có đề chữ buồng dành cho người cao tuổi.

Trước đó, theo thông báo xét xử, 2 bị cáo Hoàng Công Lương và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) hầu tòa về tội Vô ý làm chết người.

5 bị cáo còn lại bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Họ gồm: Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư).

Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh là chủ tọa. Bà Bùi Thị Hằng, Phó viện trưởng VKSND TP Hòa Bình và kiểm sát viên Đào Thị Hồng Điệp đồng giữ quyền công tố. Ngoài ra, 21 luật sư tham gia bào chữa cho 7 bị cáo. Riêng Hoàng Công Lương có 10 luật sư bào chữa. Hai giám định viên kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) cũng được triệu tập tham gia phiên tòa.

Điểm mới của cáo trạng lần này so với cáo trạng trước đó là sự thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương từ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Vô ý làm chết người”. Bên cạnh đó, có tới 4 bị can đã bị khởi tố, truy tố thêm so với phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào tháng 5/2018 vừa qua.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất