Ai sao mình vậy? Nối dõi tông đường? Có người trông cậy lúc về nhà? Sự cố? Muốn được tham gia quá trình tạo ra một sinh mệnh rồi dưỡng nuôi sinh mệnh đó, thắp cho nó đôi cánh trải nghiệm kiếp người ngắn ngủi nhưng thú vị này?
Lý do khởi điểm có thể khác nhau nhưng chắc chắn điểm chung của tất cả những người làm cha mẹ là hết mực yêu thương và mong con mình nên người. Khác nhau ở chỗ một đằng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng một đằng theo bản năng đến đâu tính đến đó và sự khác nhau này tự thân nó cũng tác động đến tâm lý cha mẹ, phương pháp giáo dục, điều kiện vật chất. Đấy là những yếu tố vô cùng quan trọng chi phối đến tiềm năng trở thành và nhân sinh quan của đứa trẻ mà họ sinh thành, nuôi dưỡng.
Bạn là ai?
Không phải ai cũng biết mình muốn gì, nên như thế nào hay có thể hoàn toàn làm chủ được những cảm xúc của bản thân. Cha mẹ thì cũng là con người nên họ sẽ phải làm sao khi một bên là trách nhiệm với một hoặc vài đứa trẻ, một bên là những bất an và những luồng tư tưởng hỗn độn bên trong mình? Càng hiểu rõ và chấp nhận mình bao nhiêu thì khả năng chấp nhận người khác tỷ lệ thuận bấy nhiêu, cụ thể trong trường hợp này là khả năng bạn chấp nhận con mình.
Bạn có dễ bị tác động bởi cách hành xử của người khác? Có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng bấy nhiêu sự tự chủ bạn giữ được trước mọi sự không như ý ở đời là bấy nhiêu sức mạnh nội tâm bạn đang nắm giữ tại thời điểm đó. Nếu trong tâm trí bạn đầy “rác” liệu có thể hy vọng gì trong việc bạn giúp con đào luyện để trở nên một con người tràn đầy sức sống và năng lượng lạc quan, thứ mà ngay đến chính bạn cũng loay hoay không biết làm sao có được cho chính đời mình.
Hôm rồi đưa các con ra khu trò chơi. Ngồi cạnh bàn mấy mẹ con là một người mẹ trẻ đi cùng con trai nhỏ. Tôi thấy người mẹ dáng vẻ bận rộn cau có tay không rời điện thoại. Không cố ý nghe lén nhưng tiếng cãi nhau chát chúa từ cô với người bên kia điện thoại cứ liên hồi dội tới chỗ tôi ngồi.
Tôi thấy đứa con trai nhỏ của cô tay cầm ly trà sữa mới được mang ra đi về phía mẹ. Có lẽ bé muốn thể hiện tình cảm và sự quan tâm dành cho mẹ mình nhưng chẳng may trượt tay ly trà sữa rơi xuống đất, nước văng tung toé vào cả người cậu bé. Người mẹ cắt ngang cuộc gọi lao về phía con, mắt quằn lên những tia nhìn dữ tợn. Có lẽ nỗi kích động trong cuộc cãi nhau trước đó đã khiến ngọn lửa giận dữ lan sang cả đứa con trai bé nhỏ. Chị phết mạnh vào mông con miệng liên hồi quát mắng: “Có mỗi việc uống cũng không xong. Từ nay đừng hòng cho đi đâu nữa cả.” Mắt đứa bé cụp xuống đầy lúng túng sợ hãi, có lẽ điều đó đã lay tỉnh được phần nào bản năng làm mẹ trước dự vị sân hận sục sôi trong lòng chị. Lát sau tôi thấy chị vòng tay ra ôm con mình, hôn lên má và thì thầm vào tai cậu bé điều gì đó?!
Bạn có thấy câu chuyện này rất quen không? Việc bạn bị thao túng bởi hành vi sai quấy của kẻ khác, một cách thụ động và vô thức bạn lại tiếp tục lan truyền năng lượng tiêu cực đó sang cho một người khác. Chỉ khi bạn có ý thức rất rõ ràng về điều này thì bạn mới có thể kiểm soát tốt bản thân tránh việc vô thức tiếp nhận “rác” từ kẻ khác hay thậm chí trở thành “rác” với chính núm ruột của mình mà bản thân không mảy may hay biết.
Đừng thấy việc nhỏ mà khinh bởi trường giang đại hải không phải cũng từ triệu triệu hạt nước nhỏ mà thành sao? Bao nhiêu sự tự chủ, điềm tĩnh và mạnh mẽ bạn thể hiện thông qua cách bạn nói năng, hành xử và phản ứng lại những tình huống lớn nhỏ trong đời sống thường nhật sẽ định hình và trở thành kim chỉ nam tác động mạnh mẽ đến nhân sinh quan cũng như tiềm năng trở thành của trẻ.
Điều con cần - Điều bạn nghĩ con cần?
Con cần sự chú tâm, sự toàn vẹn của cha mẹ dành cho mình. Có thể ngắn thôi nhưng sâu và tràn đầy sự có mặt nhưng phần đông cha mẹ đều lầm lẫn khi đánh đồng sự có mặt về thể xác trong khi tay không ngừng lướt điện thoại, đầu óc tâm trí còn đang mải miết lưu trú ở những vấn đề A, B, C, D nào đó mà đã gọi đó là dành thời gian cho con. Sự chú tâm và có mặt hoàn toàn trong hiện tại về cơ bản đó là điều không dễ để có được.
Hầu như phần lớn chúng ta đều bị lôi đi xềnh xệch bởi thói quen, tập quán, đám đông và cuộc đua trở thành một điều gì đó, một người nào đó được hệ thống và cộng đồng ghi nhận. Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ càng cố lao ra ngoài để thu gom và tích trữ thì mỗi ngày một chút ta càng cảm thấy bản thân trở nên xa rời và đứt gãy sự kết nối với người thầy nội tâm bên trong mình. Với một hiện trạng như thế tôi không tin một người có thể mang đến cho bất kỳ ai kể cả con mình năng lượng tốt lành của tình yêu thương như họ vẫn luôn kỳ vọng.
Con gái Vy vừa khóc vừa kéo chân nằng nặc đòi chơi cùng mẹ nhưng trong đầu Vy lúc này là một mớ hỗn loạn những việc cần và phải giải quyết ngay bây giờ. Các bạn đừng lầm khi cho rằng tôi phê phán những người mẹ như Vy ngược lại tôi rất đồng cảm trước sự bất lực của cô ấy bởi bản thân cô cũng bị tha lôi trước sự cấp tập của cuộc đời này. Tiền nợ ngân hàng, sổ sách lương thưởng của nhân viên, kế hoạch theo tuần theo quý cùng những hiểu lần mâu thuẫn với người A, B ,C , D nào đó đã choán hết tâm trí.
Ngoài cơ thể vật lý và sự tương tác hời hợt với con gái có lẽ đến chính Vy cũng bất lực không kiềm giữ nổi tâm náo động của chính mình. Một ngày hai ngày, một năm hai năm có lẽ nếu Vy biết con gái nhỏ của mình sẽ không ở mãi tuổi lên ba chờ mẹ chơi cùng thì có lẽ Vy sẽ có đủ dũng khí hành động dứt khoát hơn trong việc tạm gác bỏ hết mọi lo toan và chỉ chú tâm toàn vẹn trải nghiệm giây phút hiện tại bên con mình. Ký ức con vì thế lại được lấp thêm một ô nữa của niềm vui và năng lượng yêu thương từ mẹ.
Vì con hay vì muốn sống trong vinh quang của con?
Bạn muốn con bạn có được hạnh phúc, được tự do chọn lựa sống và yêu dựa trên cá tính tự nhiên của con? Trước khi cho con tham gia bất kỳ khoá học nào bởi bản thân sốt ruột khi nhìn thấy con người khác văn ôn võ luyện, cầm kỳ thi họa tinh thông hãy ngồi lại dành thời gian quan sát tính tình, sở trường, sở đoản cũng như phản ứng và khả năng xử lý của con trước những tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Không có cái chuẩn nào cho tất cả trẻ cách giáo dục khôn ngoan nhất là lợi dụng khuynh hướng tự nhiên của trẻ để bồi đắp thiên tư khắc chế yếu điểm để từ đó thắp cho con đôi cánh vững vàng trong hành trình vạn dặm của trẻ về sau.
Bạn tôi tên Kim Thoa là một bà mẹ của hai bé trai rất đáng yêu. Tôi và Kim Thoa học cùng nhau cấp 2 cấp 3 và cả 4 năm đại học. Từ bé Thoa đã học rất giỏi và điều khiến tôi vẫn thầm ngưỡng mộ cô ấy là khả năng quản trị bản thân tuyệt vời. Chỉ cần một chữ muốn, cô ấy có thể san bằng tất cả mọi chướng ngại, nhất quán và đều đặn để đạt được cho kỳ được mục tiêu của mình.
Nguyên Khang con trai đầu lòng năm nay 12 tuổi của Thoa rất giống mẹ thật không ngoa khi nói con chính là tài không đợi tuổi kiến thức xã hội đa lĩnh vực của con thỉnh thoảng khiến tôi cũng phải giật mình. Nhưng con trai thứ hai Nguyên Khương của Thoa thì khác hẳn. Con sáng tạo thích vẽ, chơi và lập trình game. Con làm việc tuỳ hứng không thích những gì thuộc về khuôn khổ, luật lệ giáo điều. Với tôi con thật sự là một đứa bé thú vị khi con biết con muốn gì và không để sự phán xét của đám đông làm con đi chệch khỏi con đường của mình. Nhưng Thoa không nghĩ vậy, có lẽ không cố tính nhưng trong một khoảng thời gian dài Thoa đã vô thức lấy chuẩn mực về cái tốt mà bạn thân tự đề ra rồi hồn nhiên khoác vào cả hai con mình.
Đứa con đầu Nguyên Khang may sau vừa vặn với chiếc áo đó nhưng đứa con thứ hai Nguyên Khương thì không. Điều con thích và điều Thoa nghĩ con thích cứ như cuộc rượt đuổi không hồi kết bởi có lẽ nó vỗn dĩ đã là hai đường thẳng song song từ lúc bắt đầu. Khoảng cách của hai mẹ con vì thế càng lúc càng nới rộng mỗi lúc lại xa hơn dài hơn thêm một chút
Biết rõ lý do cho bất kỳ lựa chọn nào của bản thân bao gồm cả việc sinh và nuôi dưỡng một sinh mệnh đó là cách ta tự tay vẽ nên tấm bản đồ để tránh cho bản thân lạc lối trong đời mình và cả trong hành trình làm cha mẹ. Hiểu mình và hiểu trẻ là điều kiện thiết yếu để có thể dung hoà điều hướng những kỳ vọng chủ quan của bản thân không đi ngược lại với khả năng và ước muốn thật sự của con mình. Tránh để tình yêu mà cha mẹ đã luôn nghĩ bản thân tận tuỵ hi sinh và một đời cho đi cuối cùng chỉ còn lại những lời than trách sao con không chịu lắng nghe thấu hiểu.
After 9PM là chương trình Podcast về những câu chuyện thú vị, lắng đọng, những góc khuất trong tình yêu hôn nhân gia đình hay trong mối quan hệ giữa người và người... Bạn có thể bắt gặp đâu đó chính mình thông qua những tình huống có thật mà nhân vật gửi về cho chương trình.
Hoặc quý độc giả cũng có thể chia sẻ những câu chuyện của chính mình bằng cách gửi về địa chỉ email: after9pm@cattiensa.com.
Hi vọng chương trình sẽ là nơi chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau, lắng nghe và chia sẻ để niềm vui nhân đôi và nỗi buồn chia nửa.
Xem thêm: After 9PM số 24: Tôi không dám ngã xuống vì phía sau còn vợ con