Sắc màu Cuộc Sống

5 lý do tin rằng Việt Nam sẽ đăng quang AFF Cup 2018

Theo Bongdaso
Chia sẻ

Sau 10 năm chờ đợi, đội tuyển Việt Nam đã sẵn sàng nâng cao chiếc cúp AFF Cup. Có nhiều lý do để tin tưởng kịch bản này tại sân Mỹ Đình tối mai...

Lợi thế sau trận lượt đi

Ở trận chung kết lượt đi tại Bukit Jalil, ĐT Việt Nam đã khởi đầu như mơ với 2 bàn thắng dẫn trước chỉ sau 25 phút thi đấu. Tiếc rằng trước sức ép của đội chủ nhà, thầy trò Park Hang-Seo đã để đối thủ cầm hòa 2-2. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn mang lại lợi thế lớn cho ĐT Việt Nam trước trận lượt về ở Mỹ Đình.

Theo luật bàn thắng sân khách, ĐT Việt Nam chỉ cần cầm hòa Malaysia 0-0 hoặc 1-1 ở trận đấu tối mai là lên ngôi vô địch. Đây là lợi thế lớn hơn hẳn so với Malaysia, đội bóng buộc phải ghi bàn để có cơ hội nâng cúp. Trước sự cổ vũ của khán giả nhà, thầy trò Park Hang-Seo hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế.

Còn nhớ, khi tiếp Malaysia ở vòng bảng, với đấu pháp chặt chẽ của HLV Park Hang-Seo, ĐT Việt Nam không những không để đối thủ ghi bàn mà còn giành chiến thắng với tỷ số 2-0.

Tiếng nói lịch sử

Không chỉ có lợi thế sân nhà ở trận lượt về tối mai, ĐT Việt Nam còn nhận được sự ủng hộ từ quá khứ. Cụ thể, trong 7 trận chung kết AFF Cup gần nhất tính từ khi áp dụng thể thức sân nhà - sân khách (từ năm 2004), có 6 đội bóng đã lên ngôi vô địch sau khi giành lợi thế ở lượt đi.

Thái Lan là đội duy nhất lật ngược thế cờ khi vượt qua Indonesia ở chung kết AFF Cup 2016. Đây là kết quả không bất ngờ bởi Thái Lan được chơi trận lượt về ở sân nhà. Còn với Indonesia, họ là đội đen đủi nhất lịch sử AFF Cup (5 lần thất bại ở chung kết).

Cách đây 10 năm, ở AFF Cup 2008, sau khi tạo lợi thế trước Thái Lan ở Bangkok (thắng 2-1), ĐT Việt Nam của HLV Calisto cũng đã lên ngôi vô địch (hòa 1-1 ở lượt về).

ĐT Việt Nam tham dự AFF Cup 2018 với lực lượng chính là lứa U23 đã gây tiếng vang ở VCK U23 châu Á và ASIAD 2018. Trong quá khứ, Thái Lan sau khi 2 lần vào bán kết ASIAD (2002 và 2014) đều giành chức vô địch AFF Cup. Bóng đá Việt Nam cũng gây ấn tượng khi vào bán kết Á vận hội trong năm nay nên hoàn toàn có thể làm được điều tương tự như người Thái.

Thế hệ tài năng

Ở AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam tham dự với đội hình trẻ nhất lịch sử (tuổi trung bình chỉ là 23,7). Tuy vậy, đây lại được đánh giá là lực lượng tinh nhuệ nhất mà bóng đá Việt Nam từng sở hữu kể từ sau chức vô địch AFF Cup 2018.

Mặc dù sử dụng nhiều cầu thủ trẻ với nhiều cái tên chưa từng dự AFF Cup nhưng ĐT Việt Nam ở giải đấu năm nay lại được đánh giá cao bởi tính thiện chiến. Đơn giản bởi nhiều tài năng trẻ đã trưởng thành và đi lên từ các giải đấu tầm thế giới và châu lục như U20 World Cup, VCK U23 châu Á hay ASIAD.

Thậm chí, ở VCK U23 và ASIAD 2018, các cầu thủ trẻ của ĐT Việt Nam còn tạo ra chiến tích vang dội khi vào tới chung kết và bán kết. Từng ấy là đủ để mang lại niềm tin tưởng lớn cho NHM bóng đá nước nhà, nhất là ở kì AFF Cup năm nay. Với bản lĩnh đã được tôi luyện ở các sân chơi đẳng cấp, thầy trò Park Hang-Seo có lý do để nhắm danh hiệu mà đội tuyển đã chờ đợi cả 1 thập kỉ qua.

Khác biệt từ HLV

Mới chỉ có hơn 1 năm làm việc ở Việt Nam (từ tháng 9/2017) nhưng HLV Park Hang-Seo đã mang tới sự khác biệt lớn cho các đội tuyển Việt Nam, từ cấp độ U23 cho tới ĐTQG. Không thể phủ nhận bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa thế hệ tài năng nhưng bên cạnh đó, phải kể tới sự mát tay của nhà cầm quân người Hàn Quốc.

Không chỉ phát huy ưu điểm của mỗi cầu thủ, ông Park còn áp dụng rất thành công sơ đồ 3-4-3 ở các giải đấu lớn, giúp các đội tuyển Việt Nam bảo đảm sự chắc chắn nhưng không kém tính bùng nổ.

Chưa kể, nhà cầm quân người Hàn Quốc còn thường xuyên gây bất ngờ với những lựa chọn nhân sự không giống ai. Điều quan trọng là nó mang lại sự hiệu quả cao, kể cả những phương án thay người. Sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho từng trận đấu cụ thể của ông Park đã cho thấy sự chuyên nghiệp của 1 HLV từng trải qua kí ức thành công nhất của bóng đá Hàn Quốc (vào bán kết World Cup 2002).

Malaysia yếu bóng vía ở thời khắc quyết định

Bóng đá Malaysia và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, không thiếu tính bùng nổ nhưng lại dễ đánh mất mình ở những thời khắc quyết định. Sự yếu bóng vía là 1 trong những lý do khiến người Mã đã 3 lần vào chung kết nhưng chỉ 1 lần đăng quang.

Ở kì AFF Cup đầu tiên (1996), Malaysia vào chung kết nhưng họ đã thất bại trước đối thủ được đánh giá cao hơn hẳn về độ lì và bản lĩnh là Thái Lan.

Tới năm 2014, Malaysia cũng lại để thua Thái Lan ở chung kết. Sau khi để thua 0-2 ở lượt đi, “những chú hổ” đã chơi bùng nổ để dẫn Thái Lan 3-0 sau 60 phút thi đấu. Nhưng sự yếu bóng vía đã khiến người Mã để lọt lưới 2 bàn ở thời điểm cuối trận và đành chấp nhận ngôi nhì.

Ở trận lượt đi tại Bukit Jalil, Malaysia cũng tỏ rõ vấn đề về tâm lý khi để lọt lưới 2 bàn chỉ sau 25 phút thi đấu. Rất may cho người Mã là hàng công ĐT Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội quá nhiều. Mạnh về tinh thần nhưng cũng yếu về tâm lý, đó là vấn đề của Malaysia. Nếu biết cách đánh vào điểm yếu này của thầy trò Tan Cheng Hoe, ĐT Việt Nam sẽ là chủ nhân của chiếc cúp AFF Cup 2018.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Bongdaso

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất