Sắc màu Cuộc Sống

19.000 hạc giấy và bài ca đồng thanh ngày ấy sẽ cùng tiễn biệt thầy Văn Như Cương

Vương Phi
Chia sẻ

Không ai còn gấp 19.000 hạc giấy mong thầy Cương khỏe lại như xưa, điều ước giờ đã tắt lụi nhưng 19.000 cánh hạc trắng kia vẫn sẽ còn đó, bay theo thầy để tiễn "ông tiên râu tóc bạc" về một xứ sở khác.

6h sáng, vẫn đang trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, chợt điện thoại của tôi réo inh ỏi. Nhấc máy lên, anh đồng nghiệp chỉ kịp thốt một câu: “Em ơi, thầy Cương mất rồi đấy!”. Chẳng thể nào diễn tả nổi cảm xúc lúc ấy! Chỉ biết rằng khung cảnh trước mắt tôi, một buổi sáng mùa thu đặc quánh sương mù, bỗng bị cắt tung, vỡ vụn thành từng mảng.

Quay ngược thời gian, nghĩ về 2 năm đã qua với biết bao lần gặp, gọi điện cho thầy Cương phỏng vấn những vấn đề liên quan đến giáo dục. Có đôi lúc mệt mỏi, thầy gắng gượng trả lời bằng giọng nói yếu ớt, phải dừng lại từng chặp và giữa khoảng nghỉ ngắt đoạn ấy, luôn nghe rõ tiếng thầy thở dốc để lấy hơi. Nhưng thầy không từ chối, không bao giờ bỏ dở cuộc phỏng vấn. Cho dù chuyện tôi hỏi đang nóng đến đâu, khiến người khác e ngại đến nhường nào, thầy vẫn sẵn sàng đứng giữa tâm bão dư luận, chia sẻ ý kiến thẳng thắn, minh mẫn nhất.

Đó là thầy Cương trong tôi và bây giờ thì thầy đã không còn ở đây. Vào lúc 0h sáng ngày 9/10, thầy đã lên đường, đi về thế giới bên kia ở tuổi 80 - kết thúc 1 chặng đường vẻ vang.

80 năm sống bản lĩnh và trách nhiệm, chưa từng lãng phí dù chỉ một phút giây

Ông Nguyễn Bá Nho, người lang y trị bệnh cho thầy Cương vẫn còn kể mãi với chúng tôi câu chuyện về nghị lực sống mạnh mẽ của thầy. Đó là một ngày năm 2014, thầy Cương bị bệnh năng, ốm tới mức không thể sang gặp thầy thuốc, phải nhờ vợ con đi kê đơn giùm. Vậy mà chỉ 18 ngày sau, dù đau mệt cách nào, ông cũng cố ngồi dậy soạn giáo án, mọi sinh hoạt cá nhân đều tự làm, chẳng phiền lụy đến ai.

Thầy Cương không thích được hỏi han hoặc quan tâm thái quá. Ông nói với thầy lang rằng, chỉ khi chúng ta nghĩ mình có thể sống, thậm chí sống khỏe mạnh, chúng ta mới có nghị lực để tiếp tục cố gắng. Cuộc trò chuyện kết thúc, thầy Cương đi du lịch Nha Trang để chuyên tâm uống thuốc với niềm tin, chắc chắn sẽ thắng cuộc.

Lúc người nhà thầy tìm đến tôi, khối u của ông đã hoại tử. Chính tôi còn không tin, mình có thể kéo thầy khỏi bàn tay tử thần nhưng ông ấy, một người bệnh đau yếu lại có lòng tin nhiều hơn tôi“.

Sự hồi phục của thầy là một kỳ tích đáng nể. Điều đáng ngưỡng mộ không chỉ vì tinh thần lạc quan, yêu thương cuộc sống mà còn bởi cách sống vô cùng trách nhiệm và bản lĩnh. Dù trong lúc nguy nan, thầy vẫn muốn tự mình vượt qua, tự mày mò phương cách cứu lấy chình mình và cho dù thể xác tiều tụy cỡ nào, vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm mình gánh trên vai.

Lễ khai giảng năm 2014, khi vừa phẫu thuật được mấy ngày, bất chấp sự phản đối của các bác sĩ, thầy đã rời giường bệnh, đến dự lễ cùng các bạn học sinh Lương Thế Vinh. Thầy mua áo đỏ in hình sao vàng, tặng cho tất cả mọi người rồi đứng trên khán đài, miệng sang sảng đọc bài diễn văn hùng hồn về tình yêu nước. Lúc ấy, sức khỏe thầy đang rất nguy kịch nhưng tình yêu học trò, yêu đất nước lại quá thiết tha. Người đàn ông 78 tuổi đang gặp cơn lâm nguy như thế, vẫn sẵn sàng truyền đi tất cả nghị lực sống mình đang có.

Rồi những ngày sau đó, dù bệnh tình đã được đẩy lùi nhưng sức khỏe thầy Cương vẫn rất yếu. Đáng lẽ ở tuổi thầy, người khác sẽ chọn cách sống hưu trí, an nhàn. Thế nhưng thầy Cương thì khác, chẳng ngày nào ông không làm việc. Cô văn Thùy Dương (con gái thầy) bảo rằng, dù lúc ốm phải nhập viện, thầy vẫn đọc báo, cập nhật tin tức về ngành giáo dục. Thế nên nếu phóng viên gọi đến, ông đều cố gắng tiếp chuyện và đưa ra những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng.

Rồi khi chỉ kịp lấy lại hơi sức một chút, thầy Cương lại miệt mài soạn giáo án, bận rộn chăm lo cho các em học sinh. Cho dù nhiều khi không thể đứng trên khán đài, phát biểu trong lễ chào cờ đầu tuần, ông vẫn đi lại xung quanh trường, theo dõi việc học tập của các bạn trẻ và kịp thời, chỉ bảo các thầy, cô giáo khắc phục những thiếu sót tồn đọng.

Mỗi người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi“. Vì quan điểm ấy nên cả đời thầy tận tụy với tất cả mọi công việc, mọi mối quan hệ của mình cho đến những giây phút cuối cùng.

Giống như cô Thùy Dương đã nói, “cả đời bố đã sống không còn gì đáng chê trách. Chúng tôi đều có chung cảm nhận rằng, bố đã sống một cuộc đời vẻ vang“.

Thầy Cương ra đi nhưng “ông tiên tóc bạc” của HS Lương Thế Vinh vẫn còn sống mãi

Kỷ luật của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh rất nghiêm khắc nên người ta cũng nghĩ, thầy Cương là một người như thế. Đúng là ông sống chuẩn chỉ, nghiêm khắc nhưng bên trong lồng ngực, người thầy giáo già ấy lại sở hữu trái tim ấm áp tình yêu thương.

Học sinh Lương Thế Vinh yêu thầy đến nỗi, tự gọi ông là “ông tiên tóc bạc”. Chị Lê Thùy Dương (cựu học sinh khóa 10) kể rằng, trước kia chị cố gắng học ngày học đêm cũng chỉ để thi đỗ vào ngôi trường do thầy Cương mở ra. Với chị cũng như nhiều học sinh khác, thầy Cương cũng chính là trường Lương Thế Vinh và ngược lại.

Bao nhiêu năm qua, thầy Cương đã dành hết tâm huyết cho trường Lương Thế Vinh. Công lao ấy không chỉ đến từ những đóng góp trong việc đổi mới cách dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo… mà còn đến từ nhiệt huyết một người thầy luôn lan truyền đi rất nhiều cảm hứng sống tích cực.

Thầy Cương nhìn vậy nhưng rất hiền. Tôi nhớ ông luôn là người đi bên cạnh, lắng nghe tất cả tâm sự của học sinh“. Chị Dương kể mãi một lần, mình chị đứng giữa sân trường, phản đối việc thầy Cương có tiểu sử nổi danh trên mạng còn trường Lương Thế Vinh thì không có. Lúc ấy cả trường đều cười, thầy cũng chỉ cười hiền hậu. Bẵng đi 1 tuần, trên mạng có tiểu sử của nhà trường. Rồi có lần ở giữa Đại hội đoàn, chị phàn nàn chuyện nhà trường không có địa điểm tổ chức các buổi sinh hoạt chung. Thế là thầy Cương nghe thấy, thầy lại cười và rồi mong muốn có nơi sinh hoạt của chị hóa thành hiện thực.

Thầy Cương giống ông tiên ông bụt ở chỗ đó, luôn hiện lên mỗi lần cô Tấm khóc nức nở. Chỉ có điều ông bụt này dễ tính hơn, thế nên chưa cần học sinh khóc, chỉ cần họ phàn nàn thôi, thầy đã liền lập tức giúp họ.

19.000 hạc giấy và bài ca đồng thanh ngày tháng 3 ấy sẽ đồng hành đưa thầy về nơi xa

Thầy Cương đã sống 1 đời để yêu thương và cố gắng hiện thực hóa giấc mơ của bao lớp học sinh. Chỉ có ngày hôm nay, khi tử thần kéo ông đi thì bao nhiêu nguyện ước của học trò, cũng đã không thể giữ ông tiên râu tóc bạc ấy ở lại.

Những điều ước nhỏ của học sinh trường dân lập Lương Thế Vinh.

Các bạn ấy gấp 19.000 hạc giấy chỉ vì một điều ước mong thầy Cương khỏe lại.

Hồi tháng 3 khi thầy bị ốm nặng, gần 4.000 học sinh Lương Thế Vinh đã hát đồng ca mong thầy chóng khỏi bệnh. Ở trong bệnh viện, xem clip mà thầy khóc từng dòng. Cô Thùy Dương bảo rằng, đó là bài thuốc tinh thần quá to lớn. “Nó giúp bố ngày hôm trước còn không ăn nổi cháo, ngày hôm sau đã tự ngồi dậy, ăn một mình hết cả bát phở“.

Rồi thầy Cương khỏe lại, tự bước chân đến trường trong tràng pháo tay giòn giã của học sinh. 19.000 hạc giấy và bài đồng ca ngày đó đã hoàn thành sứ mệnh của nó, đưa thầy Cương thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng điều ước mà thượng đế ban cho lại chẳng được hào phóng như ông tiên râu bạc vẫn ban cho học sinh Lương Thế Vinh. 19.000 hạc giấy chở điều ước, đã chẳng thể làm đất trời động lòng thêm lần nữa.

Sự ra đi của thầy Cương, dường như cũng là một cuộc chia ly - quy luật sinh lão bệnh tử. Tất cả chúng ta, đều đã biết, rồi sẽ có một ngày phải như thế. Nhưng những chuyến đi cách biệt âm dương, sao lúc nào cũng để lại đớn đau nhiều đến thế. Không ai còn gấp 19.000 hạc giấy mong thầy khỏe lại như xưa, điều ước giờ đã tắt lụi nhưng 19.000 cánh hạc trắng vẫn sẽ còn ở đó, không mất đi mà bay theo thầy, tiễn ông tiên râu tóc bạc về một xứ sở khác. Ở nơi này, hàng triệu trái tim sẽ cầu cho thầy một điều ước vĩnh hằng khác, rằng ở thế giới bên kia, thầy sẽ được mỉm cười yên an.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất