Một sáng thứ năm bình thường trong tuần ở Soi Udomsuk - khu chợ ở phía đông trung tâm thủ đô Bangkok, có 9 viên cảnh sát ngồi trên ghế nhựa, họ phóng tầm mắt quan sát xung quanh và canh chừng an ninh.
Nhóm sĩ quan cảnh sát này trông như đang ngồi nghỉ, nhưng thật ra họ đang tinh ý quan sát từng chi tiết nhỏ, nhằm phát hiện những mâu thuẫn giữa các “băng đảng xe máy” trong bối cảnh “cuộc chiến” tàn khốc vừa diễn ra ở nơi đây vào thứ bảy vừa rồi giữa hai nhóm tài xế xe ôm.
Hàng chục bác tài đã ẩu đả với nhau bằng dao và dùi cui. Đỉnh điểm của cuộc “giáp lá cà” là khi tiếng súng nổ lên làm nam thanh niên 20 tuổi Weerawat Phuengkhut hành nghề giao hàng bằng xe máy và tài xế xe ôm Watcharin Ngamchalao 30 tuổi tử vong tại chỗ.
Giới chức cho biết đây là vụ giải quyết mâu thuẫn đẫm máu nhất mà họ từng chứng kiến của giới xe ôm tại thủ đô của Thái Lan, và họ cũng thừa nhận rằng sự phát triển của các ứng dụng công nghệ đang đổ bộ như vũ bão vào Bangkok khiến tình hình vốn đã nghiêm trọng giờ trở nên trầm trọng hơn.
Ẩu đả là 'chuyện thường'
“Cuộc chiến” cuối tuần trước diễn ra giữa hai nhóm tài xế xe ôm đã đăng ký hoạt động với Sở Giao thông Vận tải thành phố Bangkok. Theo các nhân chứng, cãi vã bắt đầu khi các tài xế tranh giành khách của nhau rồi bạo lực dần leo thang như thường khi, nhưng ai cũng bất ngờ khi nghe thấy tiếng súng nổ vang.
Chaleamboon là một bác tài xe ôm truyền thống, ông kiếm được khoảng 600 baht (450.000 đồng) mỗi ngày, cho biết mình đã quá quen thuộc với các cảnh ẩu đả trong suốt 20 năm hành nghề và cho rằng đây là chuyện thường ở phường, không thể nào tránh khỏi.
Không ít người trong số 8,3 triệu dân Bangkok chọn nghiệp cầm lái, bất chấp sự cạnh tranh cực kì cao từ các hình thức giao thông khác và từ chính những người đồng cảnh ngộ với mình. Tính đến tháng 5/2019, có 104.134 xe taxi hoạt động trong nội ô thành phố và hơn 6.000 điểm đón xe chính thức.
Sự cạnh tranh giữa xe ôm và taxi vốn đã có từ lâu, nhưng nó không thật sự nóng bởi rõ ràng mỗi loại phương tiện có từng đối tượng khách hàng khác nhau. Tháng 10 năm 2017, các ứng dụng xe ôm công nghệ đổ bộ và nhanh chóng nuốt lấy miếng bánh thị phần bởi giá cước rẻ, thậm chí là chưa đến một nửa giá so với xe ôm truyền thống.
Căng thẳng cuộc chiến xe ôm truyền thống và công nghệ
Giờ đây, tài xế xe ôm không chỉ cạnh tranh nhau mà còn phải đối mặt với làn sóng tài xế xe ôm công nghệ. Theo luật khi muốn hành nghề chở khách, các bác tài phải đăng ký với sở giao thông. Trong khi đó, các ứng dụng gọi xe cho phép đối tác của mình làm nghề mà không cần đăng ký vì họ hoạt động như một phương tiện cá nhân.
Mối hiềm khích giữa những người cầm lái chưa bao giờ tăng cao đến thế, họ sẵn sàng lao vào nhau để xuất hiện kín trên mặt báo và mạng xã hội. Thông tin về các “băng nhóm xe máy” thu hút sự quan tâm của dư luận nước này. Tháng 3 vừa qua, một tài xế xe ôm công nghệ đã bị thương nặng phải nhập viện từ một vụ “tranh giành lãnh thổ”, các tháng tiếp theo cũng ghi nhận những ca tương tự.
“Nhưng không phải vụ đánh nhau nào cũng được biết đến, thường chúng diễn ra âm thầm ở những nơi vắng vẻ”, Poynthep Chatchawalamonkul cho biết, ông là tài xế 42 tuổi đã chọn công nghệ để tiếp tục sống kiếp bụi đường. Tìm đến một công viên giải trí bỏ hoang, ông tụ tập anh em lái xe công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm tránh bị tấn công cũng như chỉ bày khu vực an toàn để chạy.
Lướt màn hình điện thoại, ông chỉ anh em những khu vực cần phải tránh, chẳng hạn nơi tập trung đông người Hồi Giáo, các bến xe hay nhà ga. Poynthep cũng tự hào kể “chiến công” đã cứu được nhiều anh tài trẻ thiếu kinh nghiệm khỏi bị hành hung hay thậm chí là “thuần hóa” những cái đầu nóng hổi của cánh tài xế xe ôm truyền thống.
Đại diện của một hãng xe ôm công nghệ cho biết sự an toàn của tài xế là ưu tiên hàng đầu của công ty, vì thế hãng khuyến khích các anh em cần tự bảo vệ mình và tránh va vào phiền phức không đáng có. Tổng đài hỗ trợ luôn sẵn sàng túc trực để ứng phó kịp thời khi một tài xế bị tấn công, nếu có đủ bằng chứng sẽ tố cáo sự việc lên cảnh sát.
Tuy nhiên, đó không phải là cách giải quyết triệt để của vấn đề. Sau sự việc đáng tiếc khiến hai tài xế tuổi đời còn rất trẻ thiệt mạng, cảnh sát đã siết chặt an ninh tại những nơi thường xuyên xảy ra va chạm cũng như tịch thu vũ khí bất hợp pháp nhằm ngăn chặn vụ việc tương tự diễn ra.
Trong khi đó, các công ty xe ôm công nghệ cũng đang thúc đẩy quá trình hợp pháp hóa, kêu gọi Bộ Giao thông Vận tải ban hành những chính sách mới giúp tài xế xe ôm công nghệ được danh chính ngôn thuận mà hành nghề.
“Vấn đề không phải là chúng ta né tránh hay cảnh sát ra sức răn đe, mà chúng tôi muốn được trở thành những người làm công ăn lương có tính chính danh, tôi muốn được pháp luật công nhận!”, ông Poynthep nhấn mạnh nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại. Dù có được hợp pháp hóa, mối thù giữa cánh tài xế vẫn không thể hóa giải.
Từ thực tế của bản thân, Chaleamboon cho biết giới xe ôm truyền thống không thể bỏ công việc hiện tại vì họ không thể tìm kiếm việc làm khác, cũng như khó tiếp cận được với công nghệ để đầu quân các công ty xe ôm.
Lý giải về việc tại sao sự tranh giành khách lại diễn ra quá căng thẳng, Chaleamboon cho biết có những thế lực giấu mặt đứng ra cho thuê vị trí đậu xe, “tiền bảo kê” không hề rẻ khiến các bác tài phải ra sức giành khách nhằm kiếm tiền để giữ được “lãnh thổ” của mình.
Tình hình tại Soi Udomsuk hiện đã lắng xuống do sự ra quân của lực lượng bảo an. Nhưng ở khắp nơi tại Bangkok, những vụ bạo lực vẫn diễn ra dù có được truyền thông nhìn thấy hay không.
Hóa ra, vấn đề gốc rễ cũng chưa được giải quyết, bài toán nan giải hơn rất nhiều so với việc chỉ nói chuyện với nhau bằng tính pháp lý. “Khi làm nghề này, anh phải tuân theo luật chơi. Đôi khi tôi thấy mình như mafia, chém giết nhau chỉ để tranh giành địa bàn”, Chaleamboon tâm sự.