Mới tròn 2 tháng tuổi, chú cún đáng thương đã phải vùi mình dưới tầng băng giá lạnh vùng Siberia suốt 18.000 năm. Đến mùa hè năm 2018, các nhà khảo cổ tìm được nó trong một khối băng gần sông Indigirka, phía đông bắc của thành phố lạnh nhất thế giới - Yakutsk (Nga). Mặc cho thời gian dài đằng đẵng, thi thể của nó vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trong lớp băng dày, râu và lông mi không hề rụng, mũi còn mềm như nhung và hàm răng sắc bén y như lúc còn sống.
Các nhà khoa học cố gắng tìm ra chủng loài của chú cún này bằng việc xét nghiệm DNA, song không thành công. Hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính xác liệu chú cún bí ẩn này là chó thời kỷ băng hà hay đích thực là một con sói, hoặc là thế hệ chuyển tiếp giữa hai giống loài này. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nó cũng là một bí ẩn chưa có lời giải. Nhóm nghiên cứu cho biết tại thời điểm tử vong, tức vào kỷ Paleolithic (thời đại đồ đá cũ), nó không có dấu hiệu gặp chấn thương nghiêm trọng.
Mẫu răng nanh của cún con kỳ lạ đã được chuyển giao cho Trung tâm Palaeogenetic (CPG) ở Thụy Điển để hỗ trợ xác minh giống loài của nó. Dù nổi danh có cơ sở dữ liệu và ngân hàng DNA của loài chó thuộc hàng lớn nhất châu Âu, song CPG vẫn thất bại trong việc phân tích giống loài của chú cún 18.000 năm tuổi này trong lần thử đầu tiên. Hiện tại, họ nghiêng về giả thuyết nó là tổ tiên chung của cả loài chó và sói.
Chú cún “lão làng” đã được đặt tên là Dogor, có nghĩa là “người bạn” trong phương ngữ Yakut. Tuy nhiên, đây cũng là một cách chơi chữ thú vị khi thể hiện sự bối rối của các nhà khoa học: Đây rốt cuộc là chó hay loài vật nào khác? Nhiều ý kiến cho rằng chú cún này là sản phẩm của quá trình tiến hóa từ sói hoang sang chó. Một bộ phận chó nhà ngày nay có tổ tiên là một nhóm chó hoang định cư ở châu Âu suốt nhiều thế kỷ. Chúng tiến hóa từ loài sói đã tuyệt chủng từ 15.000 đến 40.000 năm trước. Song, có người cho rằng quá trình tiến hóa này thực chất diễn ra sớm hơn so với dự đoán.