Sukhbir Singh Jaunapuria là nghị sĩ đến từ bang Rajasthan ở miền bắc Ấn Độ. Ông là một trong 24 chính khách cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào hôm 14/9 vừa qua tại nước này. Một tháng trước khi nhiễm bệnh, Jaunapuria từng đăng tải một đoạn clip kỳ lạ lên trang Facebook cá nhân. Trong clip, ông cởi trần nửa người trên, ngồi trong vũng bùn lầy lội và cầm trên tay một vỏ ốc xà cừ.
"Hãy ra ngoài trời, dầm mưa, ngồi bệt dưới bùn, làm việc trong trang trại, thổi tù và hay ăn những món truyền thống. Mọi người sẽ có khả năng miễn dịch nếu làm những điều này", ông nói. Với kỷ lục 97.894 trường hợp nhiễm virus mới được ghi nhận trong đêm 16/9, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã vượt mốc 5 triệu người, trong đó có 83.257 ca tử vong. Số ca bệnh ở Ấn Độ tăng vọt từ 4 lên 5 triệu chỉ trong vòng 11 ngày ngắn ngủi, đồng nghĩa với việc nước này có tỷ lệ gia tăng ca nhiễm nhanh nhất thế giới.
Jaunapuria không phải là chính trị gia duy nhất từng đề xuất những phương pháp kỳ quặc để phòng và chữa COVID-19. Đầu năm nay, Tổng thống Belarus Alexsander Lukashenko nói rằng mọi người có thể ngăn ngừa COVID-19 bằng việc... lái máy cày, uống rượu vodka và xông hơi. Ít lâu sau, ông được chẩn đoán nhiễm bệnh.
Tại Mexico, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador cho biết "bí quyết" phòng tránh virus là mang theo bùa hộ mệnh. Thống đốc Luis Miguel Barbosa Huerta của bang Puebla ở nước này còn mạnh dạn tuyên bố "người nghèo hoàn toàn miễn nhiễm với COVID-19".
Suman Haripriya, một nhà lập pháp ở bang Assam (Ấn Độ), đề xuất dùng nước tiểu và phân bò để khử trùng các khu vực bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó, Thủ hiến Yogi Adityanath của bang Uttar Pradesh lại tin rằng tập yoga có thể giúp đẩy lùi virus.
Ấn Độ đang phải cật lực chống chọi với tình trạng thiếu nguồn cung oxy và nguy cơ quá tải từ các bệnh viện trên khắp đất nước. Các bang lớn như Maharashtra, Gujarat và Uttar Pradesh cũng chính là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19, nhu cầu khí oxy tăng lên gấp 3 lần. Gần 600 triệu người dân Ấn Độ sinh sống ở vùng nông thôn, nguồn lực y tế ít ỏi có thể khiến dịch bệnh diễn biến càng thêm phức tạp khi số người bệnh liên tục tăng cao, đẩy bệnh viện vào tình trạng "cung không đủ cầu".