Truyền thông thế giới hôm qua (14/7) đã được dịp sốt xình xịch sau khi nữ Thủ tướng May thông báo quyết định bổ nhiệm cựu địch thủ Boris Johnson vào vị trí Ngoại trưởng của nước Anh. Thông báo này gây sốc đến mức nó được ví là “quả bom tấn” đầu tiên mà Bà đầm thép thứ hai của nước Anh dội xuống chính trường không chỉ của riêng nước này mà là toàn bộ chính trường thế giới. Giới chính khách vốn nổi tiếng là thận trọng, luôn biết kiềm chế và che giấu cảm xúc cũng đều không thể “giữ mình” như trước. Từ cái nín cười không thể hài hước hơn của một vị quan chức ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đến những lời bình phẩm thể hiện sự ngỡ ngàng, choáng váng và thậm chí là cả những phát biểu thẳng và thô của một loạt quan chức cấp cao khác đã phác hoạ lên một bức tranh phản ứng chưa từng xảy ra trước thông tin về sự bổ nhiệm của một nhà ngoại giao.
Phản ứng của cộng đồng thế giới
“Quả bom tấn của Thủ tướng mới”, tờ Daily Mirror bình luận. “Thế giới thân mến… Xin lỗi”. Đây là dòng chữ xuất hiện trên trang nhất của tờ báo Anh cùng hình ảnh tân Ngoại trưởng Johnson cầm 2 lá cờ Anh và đu dây. “Uy tín của nước Anh đang bị đe doạ sau khi Thủ tướng mới tối qua lựa chọn ông Boris Johnson làm Ngoại trưởng”, tờ báo cánh tả Daily Mirror cho biết.
Tờ Daily Telegraph đăng bức ảnh bước chân đầu tiên của bà May vào Toà nhà Số 10 Phố Downing với lời bình luận: “May mang theo những người Brexit (ủng hộ rời EU). Bức tranh biếm hoạ của tờ báo này minh hoạ các nhà giao dịch nhìn chằm chằm vào một màn hình có đồ thị lao xuống rồi lại vọt lên. Hình biếm hoạ có lời bình luận: “Đây không phải là đồ thị của đồng bảng Anh mà là đồ thị sự nghiệp của ông Boris Johnson.
Việc bổ nhiệm ông Johnson làm nhà ngoại giao số 1 của nước Anh đã gây ra sự lo lắng, xáo trộn khắp Châu Âu - thậm chí còn dẫn đến việc một cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) bị huỷ. Ông Johnson sẽ có cuộc họp đầu tiên với ngoại trưởng các nước EU ở Brussels của Bỉ vào đầu tuần tới. Cao uỷ chính sách đối ngoại của Uỷ ban Châu Âu - bà Federica Mogherini có kế hoạch mời các ngoại trưởng từ 28 nước thành viên đến tham dự một bữa tiệc tối không chính thức vào tối ngày 18/7. Tuy nhiên, kế hoạch này đang có khả năng bị đổ vỡ sau việc ông Johnson được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh.
Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, hiện là nghị sĩ hàng đầu trong Nghị viện Châu Âu, đã tóm tắt cảm xúc của nhiều người Châu Âu về sự kiện ông Johnson thành Ngoại trưởng Anh trong một câu nói rất thú vị: “Rõ ràng, khiếu hài hước của người Anh là không có giới hạn”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault còn thẳng và thô hơn khi phát biểu: “Tôi không lo lắng tí nào về Boris Johnson, nhưng trong chiến dịch tranh cử, ông ấy nói dối người Anh quá nhiều và giờ chính ông ta sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ đất nước và làm rõ mối quan hệ giữa Anh với Châu Âu. Tôi cần một đối tác có thể đàm phán, một đối tác rõ ràng, đáng tin cậy và có uy tín”.
Ông Rebecca Harms - Lãnh đạo nhóm sinh thái học Greens trong Nghị viện Châu Âu, bình luận: “Đầu tiên, tôi nghĩ đó chỉ là trò đùa. Bây giờ tôi không biết là mình nên cười hay khóc. Nhưng tôi biết rõ, thật là không tốt chút nào khi sự vô trách nhiệm lại được thưởng trong nền chính trị này”.
Những người chỉ trích việc bổ nhiệm ông Johnson cho rằng, quyết định của Thủ tướng May có thể khiến nước Anh trở thành “trò cười”.
Vì sao ông Johnson lại bị “ghét” như vậy?
Không phải vô cớ mà việc ông Johnson được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh lại gây ra một phản ứng bất bình thường như vậy. Trên thực tế, ông Johnson từ lâu đã là nhân vật gây tranh cãi rất lớn với hàng loạt những phát biểu đầy khó hiểu và thiếu hoàn toàn tính ngoại giao. Có thể nói, danh sách những nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của thế giới mà tân Ngoại trưởng Johnson phải nói lời xin lỗi là rất dài bởi ông này có không ít những phát biểu mang tính xúc phạm đối với họ.
Hồi tháng Tư, ông Johnson từng gán Tổng thống Mỹ Barack Obama là “người gốc Kenya” có tổ tông vốn ghét nước Anh chỉ vì ông Obama phát biểu Anh sẽ “đứng đằng sau hàng” trong một thoả thuận thương mại nếu người Anh bỏ phiếu rời EU.
Hồi tháng Năm, ông Johnson cũng có những phát biểu không hay ho chút nào về Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Năm 2008, ông này còn phải xin lỗi khi miêu tả Nữ hoàng Anh được đón chào bởi những “đứa trẻ da đen cầm cờ”. Ông Johnson đã dùng một từ xúc phạm để miêu tả về người da đen.
Tân Ngoại trưởng Anh còn từng miêu tả Tổng thống Putin là một “nhà độc tài thô lỗ” hay bà Hillary Clinton là một “y tá độc ác”. Ông Johnson từng bị chỉ trích kịch liệt khi quật ngã một em bé Nhật Bản 10 tuổi trong một trận đấu bóng bầu dục giao hữu khi ông này đến thăm thủ đô Tokyo. Tân Ngoại trưởng Anh cũng đã ví các nỗ lực của EU trong việc xây dựng một siêu nhà nước liên bang giống với kế hoạch thống trị lục địa Châu Âu của Hitler.
Có thể nói, Ngoại trưởng mới của nước Anh là một nhân vật đặc biệt gây nhiều tranh cãi và điều đó khiến việc bổ nhiệm ông này gây ra một làn sóng phản ứng hy hữu chưa từng có. Tất nhiên, người ta sẽ đặt nhiều câu hỏi xung quanh quyết định lựa chọn ông Johnson của tân Thủ tướng May.