Ban đầu, luật pháp Hàn Quốc quy định các ông chồng nước này phải là người bảo lãnh để những cô vợ ngoại quốc được cấp thị thực và tình trạng nhập cư, cũng như xin hạn visa hoặc thẻ thường trú. Tuy nhiên, luật này đã bị bãi bỏ vào tháng 12/2011 để bảo vệ nhân quyền của người nhập cư kết hôn với người bản địa.
Tuy nhiên, các nhóm dân sự cho rằng các thủ tục pháp lý hiện nay vẫn còn gây khó dễ cho những cô dâu ngoại quốc trong việc lấy thẻ thường trú hoặc quốc tịch Hàn Quốc mà không có sự trợ giúp từ người chồng bản địa.
“Người nước ngoài cần trải qua một cuộc phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc và cho đến năm ngoái, cơ quan di trú đã không có cơ hội phỏng vấn những cô vợ ngoại quốc nếu các ông chồng Hàn Quốc không đi cùng họ“, Kang Hye-sook, đại diện của Tổ chức Quyền lợi Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc, cho hay.
Thủ tục này cùng nhiều quy định pháp lý phức tạp và mơ hồ hơn nữa mà những cô vợ ngoại quốc không thể thực hiện một mình trong khi khả năng ngôn ngữ của họ có hạn đã tạo cho những ông chồng Hàn Quốc quyền kiểm soát số phận của những cô vợ nước ngoài. Đây là lý do vì sao nhiều phụ nữ ngoại quốc đành phải chịu nhịn trước vấn nạn bạo lực và lạm dụng thay vì báo với các cơ quan thực thi luật pháp.
Những người vợ ngoại quốc có thể có quyền hợp pháp để sống ở Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của người chồng nếu anh ta chết hoặc bỏ rơi họ. Ngoài ra, khi những người vợ nước ngoài ly dị chồng Hàn Quốc, họ phải đấu tranh với họ tại tòa án để chứng minh rằng chồng họ có lỗi dẫn tới việc chia tay.
Theo Bộ Tư pháp, 132.391 phụ nữ nước ngoài, chiếm 1/10 trong tổng số người dân sống ở Hàn Quốc - được đăng ký là người nhập cư theo diện kết hôn tính đến tháng 12 năm ngoái.
Một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho thấy 42,1% trong số 920 người được hỏi cho biết họ đã phải chịu đựng nạn bạo lực gia đình. 38% bị lạm dụng thể chất, trong khi gần 20 % cho biết họ bị đe dọa bằng vũ lực.
Tuy nhiên, 31,7 % người được hỏi cho biết họ không tìm kiếm sự giúp đỡ nào. 25% không muốn người khác biết chuyện bị bạo lực, trong khi 20,7 % cho biết họ không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu, và 20,7 % nói rằng họ nghĩ người khác sẽ không thể giúp họ.
Một nghiên cứu năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF) cũng cho thấy 6,4% người phụ nữ ngoại quốc ly hôn nói rằng bạo lực gia đình và sự đối xử tệ bạc là lý do họ bỏ chồng.
Theo đại diện của Tổ chức Quyền lợi Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc, quốc gia này cần có một hệ thống pháp lý bảo đảm sự bình đẳng cho mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng có đối tác là người nước ngoài.
“Một nền văn hóa gia đình có sự phân biệt giới tính và hệ thống nhập cư nghèo nàn là lý do tại sao những người vợ nhập cư phải chịu bạo lực ở đây“, Kang nói.
Người đàn ông 36 tuổi ở Yeongam, tỉnh Jeollanam-do bị bắt giam hôm 8/7 sau khi clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy anh ta đánh, đấm dã man cô vợ người Việt, 30 tuổi, và thậm chí dùng chai rượu sochu đánh vào đầu nạn nhân, chỉ vì cô không nói tiếng Hàn trôi chảy.
Bộ trưởng Gia đình và Bình đẳng giới Jin Sun-mee đã đến bệnh viện thăm hỏi nạn nhân và cam kết sẽ hỗ trợ cô vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bộ này cũng thành lập nhóm hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân và các thành viên trong gia đình cô, gồm việc tư vấn và phiên dịch.
Tổng ủy viên Min Gab-ryong thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc đã gặp Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi ông đang có chuyến thăm Hàn Quốc. Ông Min bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc, đồng thời cam kết điều tra kỹ lưỡng.
Một số bản kiến nghị trực tuyến cũng được đăng tải lên trang web của Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi luật pháp nước này trừng phạt nghiêm khắc người đàn ông đánh vợ Việt, thu hút khoảng 10.000 chữ ký cho tới lúc này.
Video chồng Hàn Quốc đánh vợ người Việt tới gãy xương.