Theo hãng tin AP, ADN này sau đó được nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Maryland (Mỹ) xác định là của porcine cytomegalovirus, một loại virus gây viêm mũi trên heo.
Tuy nhiên, họ lại không tìm thấy bằng chứng cho thấy virus này đang gây ra tình trạng nhiễm trùng trên trái tim được cấy ghép.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn đang tìm hiểu và chưa thể kết luận liệu virus này có đóng góp vào cái chết của bệnh nhân hay không. Mối lo ngại về việc con người sẽ bị ảnh hưởng bởi các virus từ động vật khi cấy ghép nội tạng khác loài đã được các nhà khoa học đặt ra từ lâu.
Tiến sĩ Bartley Griffith, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật ghép tim heo cho ông David Bennett, cho biết cũng có khả năng virus này và một số loại virus tiềm ẩn khác trong nội tạng heo có thể chỉ là một "kẻ quá giang" không gây bệnh. Nhưng cũng có thể nó đã gây ra một tình trạng chưa được phát hiện.
"Virus đang làm gì, nếu có, điều đó có thể gây ra vết sưng tấy trong tim ông ấy? Thành thật mà nói, chúng tôi chưa biết" - tiến sĩ Griffith nói với AP.
Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ đã cố gắng dùng nội tạng động vật để chống lại sự thiếu thốn tạng người hiến tặng, nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân tử vong vì không thể chờ đợi. Rất tiếc chưa có thử nghiệm nào thành công mỹ mãn.
Đàu năm nay, nhóm nghiên cứu nói trên đã tiến hành phẫu thuật đột phá trên ông Bennett, người đang hấp hối và không đủ điều kiện để cấy ghép tim người. Ông đã hồi phục ngoạn mục sau ca phẫu thuật ghép tim heo và đem đến hy vọng mới cho y học thế giới.
Tuy nhiên sau 2 tháng, ông Bennett bỗng tồi tệ hơn sau khi thức dậy, với các triệu chứng tương tự nhiễm trùng nhưng các cuộc kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân không đem lại kết quả rõ ràng.
Các bác sĩ đã nỗ lực cứu ông bằng nhiều loại kháng sinh, thuốc kháng virus, một liệu pháp tăng cường miễn dịch... nhưng không thành công. Quả tim heo bị sưng tấy, ứ dịch và cuối cùng ngừng hoạt động. Nhóm nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm nguyên nhân dẫn đến thất bại này.