Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Việt Nam hậu giãn cách xã hội trong mắt truyền thông nước ngoài

Katie Lockhart, phóng viên chuyên viết về mảng du lịch cho tờ CNN, đã chia sẻ trải nghiệm của cô trong thời gian ở Việt Nam hậu giãn cách xã hội chống COVID-19. Dưới đây là toàn bộ bài viết của Lockhart.

Mùi khói quyện lên vỉa hè và len vào phòng ngủ khiến tôi tò mò bước ra ban công để ngắm nhìn đường phố Hà Nội. Dưới đường, tôi trông thấy chủ nhà đang đốt vàng mã cho tổ tiên. Vậy là sau một tuần không ghi nhận ca nhiễm mới, chính phủ Việt Nam đã nới lỏng quy định giãn cách xã hội kéo dài 22 ngày, cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại vào ngày 23/4.

Tuy nhiên, dấu hiệu của sự sống đã bắt đầu xuất hiện vào ngày hôm trước. Tiếng còi xe đã vang vọng khắp phố khi ngày càng nhiều người quay lại làm việc, các chủ hộ kinh doanh bắt tay vào quét dọn mặt tiền cửa hàng.

Ngành du lịch nội địa cũng đang trong quá trình hồi phục, các hãng hàng không tăng lịch trình bay và khách sạn mở cửa trở lại trên khắp cả nước.

Việt Nam không có ca tử vong vì COVID-19

Nhìn từ bên ngoài, có vẻ Việt Nam đã thoát khỏi thảm họa một cách dễ dàng, nhưng đấy không phải là kết quả tình cờ mà có. Tính đến nay, Việt Nam chỉ ghi nhận 288 ca lây nhiễm và không có trường hợp tử vong nào.

Từ cuối tháng 1, quốc gia Đông Nam Á này đã hành động trước những nước khác khi đóng cửa biên giới với Trung Quốc, sau đó là kiểm soát visa để ngăn người nước ngoài nhập cảnh.

Tôi đã có mặt ở Việt Nam từ tháng 1, trước khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM. Trên hành trình từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Hội An, Huế, Tam Cốc và cuối cùng là Hà Nội, tôi đã chứng kiến ​​chính phủ khoanh vùng cẩn thận những cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm, kiểm tra hành trình di chuyển của công dân và cách ly người nhập cảnh.

Nhân viên vệ sinh bên ngoài Lăng Bác ở Hà Nội, ngày 13/5.

Vào giữa tháng 3, các bác sĩ cùng với cán bộ đã đi kiểm tra khu homestay nơi tôi ở tại Tam Cốc để đảm bảo không có ai nhiễm bệnh. Mỗi sáng và tối, những cán bộ lái xe qua từng con phố, mang theo loa để phát thông báo mới nhất về tình hình dịch bệnh.

Nhờ vậy mà mọi người luôn được cập nhật thông tin về các ca nhiễm mới nhất, với chi tiết đầy đủ nhất. Cách quản lý nhanh chóng và thông minh, cùng với các chính sách nghiêm ngặt của chính phủ đã giúp Việt Nam đẩy lùi virus hiệu quả hơn nhiều nước khác. Chính vì thế, họ có thể tiến hành xóa bỏ giãn cách từ từ, theo từng giai đoạn một cách an toàn. 

Các khu vực rủi ro cao như Hà Nội và TP.HCM vẫn áp dụng một số quy định nghiêm khắc hơn để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch. Ngày 8/5, TP.HCM đã cho phép một số cơ sở vui chơi giải trí và ngành nghề không thiết yếu như các rạp chiếu phim, spa và quán bar hoạt động.

Nụ cười đã trở lại

Sau khi đến Hà Nội vào cuối tháng 3, tôi dành trọn 22 ngày trong căn phòng mình thuê ở homestay. Đến ngày 23/4, tôi lập tức háo hức khám phá những hàng quán nào đã hoạt động trở lại. Các hàng ăn đường phố là những địa điểm đầu tiên mở cửa đón khách. Mùi gà luộc và âm thanh chuyện trò xôn xao của thực khách rộn vang một góc đường Chân Cầm.

Thế nhưng, chỉ một tô phở là không đủ, tôi rất nhớ món cà phê dừa yêu thích của mình.

Vừa đặt chân đến Loading T và trông thấy gương mặt tươi cười rạng rỡ của chủ quán, dường như tôi cũng vui lây. Trước kia, tôi chưa bao giờ háo hức đến vậy khi được lật từng trang menu. Bàn ghế xung quanh tôi toàn thanh niên trò chuyện với giọng to hơn bình thường, hoặc có lẽ tôi vẫn chưa kịp quen với âm thanh từ giọng nói của người khác. Dù sao đi nữa, họ đã rất vui khi được tụ hội tại quán cà phê, một phần quan trọng trong văn hóa của người trẻ tuổi tại Việt Nam.

Hàng quán vỉa hè ở Hà Nội, ngày 2/5.

Trải qua quãng thời gian bạc đãi vị giác khi ăn vỏn vẹn 5 món xuyên suốt thời gian giãn cách, hương thơm của các hàng quán ven đường càng khiến tôi thèm nhỏ dãi. 

Ẩn mình trong một con hẻm nhỏ trong khu phố cổ là Bún Chả Hàng Quất, một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất cho món bún chả thủ đô. Đi qua những người phụ nữ thoăn thoắt ngồi nướng thịt bên cạnh đống lửa than, tôi rẽ vào góc và ngạc nhiên quá đỗi khi thấy hàng tá bàn ghế kín chỗ, ai nấy đều sung sướng tận hưởng món ngon.

Không có sự xa cách nào ở đây cả. Quay về phòng với cái bụng no căng, tôi nhận ra những người bên cạnh mình cũng tiêu tan nỗi u sầu. Một nhóm bác gái trung niên đang cười nói rôm rả bên vỉa hè, trong khi cánh đàn ông ngồi hút thuốc lào và ngắm nhìn phố phường.

Du lịch trong nước được khuyến khích

Không có cảm giác thành phố này đã lột xác hoàn toàn. Đúng vậy, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang ở nơi công cộng và chỉ khoảng 75% doanh nghiệp hoạt động trở lại. Nhưng Hà Nội đã trở lại cái thời trước dịch COVID-19. Khác xa thảm kịch ở nhiều nơi như Ý hay Mỹ, tại Việt Nam, virus chẳng có vẻ mang đến tai họa ngập đầu.

Người dân xếp hàng chờ lấy gạo miễn phí tại Nhà thờ St. Joseph ở khu phố cổ Hà Nội, ngày 27/4.

Tuy nhiên, đối với ngành du lịch và khách sạn, ảnh hưởng từ đại dịch vẫn mang đến nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã thất thu gần 7 tỷ USD. 

Ngày 23/4, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép tăng cường lịch bay và vận tải đường sắt nội địa, dù vẫn còn duy trì hạn chế về số lượng hành khách.

Nhiều khách sạn quyết định tiếp tục đóng cửa đến giữa tháng 5 hoặc lâu hơn nữa vì tình hình kinh doanh ảm đạm, trong khi một số công ty lữ hành như Heritage Cruises sẽ vẫn ngưng hoạt động cho đến cuối năm nay.

Khi chính phủ tuyên bố tình hình đã an toàn và hoạt động kinh doanh sẽ trở lại vào cuối tháng 4, tôi đã lên kế hoạch đến Sapa để ủng hộ các doanh nghiệp địa phương và hít thở không khí trong lành.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết CNN

Được quan tâm

Tin mới nhất