Viên Xuân Vọng trong bộ phim Diên Hi công lược có xuất phát điểm chỉ là một tên tiểu thái giám vô danh tiểu tốt, hằng ngày phải đi cọ bộ nhà xí ở Tân Giả Khố. Và có lẽ rằng chính điều này khiến ai ai cũng nghĩ tên tiểu thái giám này sẽ chết “mục xương” ở đây và chẳng có gì nguy hiểm. Ấy thế nhưng, Viên Xuân Vọng lại là “cá chép vượt vũ môn”, trở thành nhân vật có tác động không nhỏ vào mọi diễn biến ở Tử Cấm Thành.
Bằng những âm mưu thâm độc, lòng hận thù lâu năm với vua Càn Long do nhầm tưởng mình là con của vua Ung Chính, tức anh em cùng cha khác mẹ với Càn Long Đế, nhưng không được vua cha thừa nhận, phải trở thành một hoạn quan, nam không ra nam, nữ không ra nữ, Viên Xuân Vọng chẳng qua chỉ ẩn nhẫn ban đầu để chờ ngày quật khởi.
Hơn nữa, khi bị Ngụy Anh Lạc - người được Viên Xuân Vọng coi là tri âm tri kỷ, kết thành tình huynh muội, gặp nhau ở Tân Giả Khố và đồng cam cộng khổ ở Viên Minh Viện - phản bội, quay trở về Tử Cấm Thành để làm phi tần bên kẻ thù lớn nhất đời hắn, lòng thù hận trong lòng Viên Xuân Vọng lại càng sục sôi hơn bao giờ hết.
Sau khi Anh Lạc trở về hoàng cung, Viên Xuân Vọng tiếp tục trở về phục vụ cho Kế Hoàng hậu (Nhàn Phi), trở thành tay sai đắc lực, giúp Kế Hoàng hậu làm đủ chuyện xấu trong cung. Điển hình là việc khiến Anh Lạc (lúc đó là Lệnh Phi) bị Càn Long ghẻ lạnh, bị giam lỏng trong Diên Hi cung. Nhân lúc Anh Lạc bị thất sủng, Viên Xuân Vọng đã không ngừng lăng nhục, còn xém chút bỏ đói Anh Lạc đến chết trong cung Diên Hi.
Không những thế, Viên Xuân Vọng còn tác oai tác quái, vạch ra âm mưu nhằm giết chết Càn Long cũng như con cháu của ông và những phi tần khác, kể cả Hoàng hậu. Mặc dù mưu mô, xảo quyệt và tác oai tác quái trong Tử Cấm Thành là vậy, nhưng có lẽ rằng thái giám Viên Xuân Vọng trong phim Diên Hi công lược vẫn chưa thể bằng nổi “cái móng tay” của “ông trùm” thái giám thời Minh - Ngụy Trung Hiền.
Ngụy Trung Hiền: Thái giám có quyền lực “ngang” với Hoàng đế
Ngụy Trung Hiền (1568 - 1627), tên thật là Ngụy Tiến Trung, người Túc Ninh, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Thời trẻ, Ngụy Trung Hiền nổi tiếng mê cờ bạc và phải trốn chủ nợ tới Bắc Kinh rồi tịnh thân, tiến cung làm thái giám vào năm 1589.
Mặc dù là một kẻ lưu manh, một chữ bẻ đôi không biết nhưng Ngụy Trung Hiền rất thông minh và giỏi nịnh hót nên được Khách thị, vú nuôi của Hoàng đế nhà Minh Hy Tông, hết lòng thương yêu, nâng đỡ. Trong quãng thời gian này, Ngụy Trung Hiền đã tạo ra được một mối liên kết chặt chẽ với hoàng đế Hy Tông, lúc bấy giờ vẫn đang còn là một hoàng tử nhỏ tuổi.
Bước ngoặt quyền lực đến với Ngụy Trung Hiền khi Hoàng đế Hy Tông lên ngôi vua vào năm 1620. Tuy nhiên, Hy Tông lúc đó mới 15 tuổi, không mấy hứng thú với việc cai trị đất nước, suốt ngày chỉ chơi bời và thích thú với việc chạm khắc gỗ nên Ngụy Trung Hiền đã nhanh chóng bắt lấy cơ hội hiếm có này để tiến thân. Hơn nữa, mối quan hệ gần gũi với Hoàng đế Hy Tông từ nhỏ đã giúp Ngụy Trung Hiền leo tới đỉnh cao của quyền lực, trở thành một vị vua không ngai.
Cụ thể, Ngụy Trung Hiền được Hy Tông phong làm Bỉnh bút thái giám, vị trí đứng đầu các hoạn quan trong triều đình, được ở gần hầu cận Hoàng đế, phê đáp tấu chương, truyền đạt thánh chỉ. Không những thế, đại hoạn quan này còn được Hy Tông ban tặng cho hai chữ “Trung Hiền” nên quyền hành ngang với Tể tướng, ngày càng lộng hành.
Ở thời điểm đỉnh cao của danh vọng, Ngụy Trung Hiền nắm mọi quyền lực trong triều từ Đông Xưởng, Tây Xưởng đến Nội Xưởng, đưa người thân tín vào nắm các vị trí quan trọng. Trong khi đó, các quan lại khác chỉ còn cách bái lạy tên đại hoạn quan này vì sợ nhận kết cục bi thảm, thậm chí có người còn gọi hắn một tiếng là cha nuôi, ông nội để mong thăng quan tiến chức.
Kẻ đứng đầu “nhà tù” quyền lực nhà Minh
Đông Xưởng, Tây Xưởng và Nội Xưởng là tam xưởng của nhà Minh mà đứng đầu là đại hoạn quan Ngụy Trung Hiền. Mỗi xưởng đều có nhiệm vụ khác nhau, những nhà tù riêng để tra khảo, dùng hình, ép cung tội phạm. Người dù có tội hay không có tội một khi bước chân vào tam xưởng thì không khác gì bước chân tới cổng địa ngục vì “được” nếm đủ loại cực hình như đánh đập, còng, kẹp, dí than nóng vào người,… và hầu như không thể quay trở ra. Cũng chính vì thế mà tam xưởng trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp trong thời nhà Minh.
Chỉ tính riêng Đông Xưởng, quyền lực của cơ quan này lớn tới nỗi có thể tra khảo, xét hỏi bất kỳ vị hoàng thân quý tộc nào. Thậm chí, nếu tội nhẹ, Đông Xưởng có thể toàn quyền định đoạt mà không cần phải trình báo với hoàng đế.
Đối với những người chống đối, chỉ trích Ngụy Trung Hiền như nhóm nho sĩ thuộc phái Đông Lâm, thái giám tàn ác bậc nhất triều Minh đã ra lệnh bắt giữ người của phái Đông Lâm, cố tình dùng nhục hình ép cung tra khảo, ngụy tạo khẩu cung, gán ghép tội danh, bao che, hối lộ,… và sẵn sàng sát hại. Nhiều người trong phái bị tra tấn cho tới chết. Sau khi ra tay sát hại phái Đông Lâm một cách dã man, Ngụy Trung Hiền còn tự xưng là “Cửu thiên tuế”.
Thậm chí, tới năm 1626, Ngụy Trung Hiền còn được một tuần phủ tỉnh Chiết Giang xây đền thờ. Sau đó, khắp nơi dưới triều nhà Minh cũng học theo, lập đền thờ cho tên đại hoạn quan này. Ai đi qua nơi thờ tự Ngụy Trung Hiền đều phải lạy 5 lạy, hô to “Cửu thiên tuế”. Điều đáng nói hơn nữa là tại thời điểm ấy, Trung Quốc chỉ có Khổng Tử mới được lập đền thờ. Trong triều đình, Ngụy Trung Hiền còn tự thảo ra chỉ dụ, xưng “Trẫm và thần”, buộc các quan lại phải tuân theo.
Cái kết thê thảm của Ngụy Trung Hiền
Năm 1627, Hy Tông ngự giá cùng Ngụy Trung Hiền đến Tây Uyển xem dân phu đào hồ, không may bị rơi xuống nước. Dù được cứu kịp thời nhưng Hy Tông lại sinh trọng bệnh. Ngày 30/9/1627, Hoàng đế Hy Tông qua đời khi chỉ vừa 21 tuổi. Tuy nhiên, trước đó Hy Tông đã kịp truyền lại ngôi báu cho em trai là Tín vương Chu Do Kiểm, niên hiệu Minh Tư Tông.
Khi Hy Tông qua đời, Ngụy Trung Hiền cũng bị thất sủng. Biết thân mình khó giữ nên Ngụy Trung Hiền muốn xin cáo lão hồi hương nhưng không được Minh Tư Tông chấp thuận. Lúc đó, nhiều người đã đứng lên tố giác tội ác của tên hoạn quan lộng quyền này và cuối cùng vua Tư Tông ra lệnh đày hắn đến đất Phụng Dương, tỉnh An Huy.
Thế nhưng, khi đi được nửa đường, Tư Tông lại ra lệnh bắt giữ Ngụy Trung Hiền với cáo buộc tội mưu phản. Khi nghe tin dữ, Ngụy Trung Hiền quyết định thắt cổ chết vì sợ tội, kết thúc tham vọng vương quyền của hoạn quan họ Ngụy. Mặc dù đã chết nhưng Ngụy Trung Hiền sau đó vẫn bị phanh thây và đem bêu xác hắn trước làng ở quê nhà để thị chúng.