Các bác sĩ tại Đại học George Washington (Mỹ) đã dùng công nghệ thực tế ảo để quay video 360 độ về phổi của một bệnh nhân COVID-19 được chuyển đến bệnh viện của họ. Điều đáng nói là trước khi video này được ghi lại, bệnh nhân nam ở độ tuổi 50 không biểu hiện triệu chứng gì đáng kể. Thế nhưng, tại thời điểm ông được tiếp nhận bởi bác sĩ Keith Mortman - trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực tại bệnh viện - COVID-19 đã tạo nên thương tổn trên diện rộng cho phổi của ông.
Video được bác sĩ tại Đại học George Washington dựng lại từ ảnh chụp scan.
Trước đó, bệnh nhân nam xuất hiện triệu chứng cảm lạnh như sốt, ho và khó thở. Bác sĩ tại một bệnh viện khác chẩn đoán ông mắc COVID-19 và đưa vào cách ly. Nhưng chỉ sau vài ngày, sức khỏe của ông suy yếu nhanh chóng, thậm chí phải dùng máy trợ thở mà tình huống vẫn không khá hơn. Các bác sĩ quyết định chuyển ông đến bệnh viện trực thuộc Đại học George Washington để tiếp tục điều trị. Tại đây, bác sĩ Mortman và đồng nghiệp đã ghép những lần scan phổi của người đàn ông thành một video để giúp mọi người hình dung mức độ ảnh hưởng của virus đến cơ thể bệnh nhân.
“Rõ ràng phần mô phổi bị nhiễm virus có sự khác biệt rất lớn so với mô phổi bình thường ở cạnh bên”, bác sĩ Mortman cho biết. Trong video, mô phổi có màu xanh lam nhạt, cây phế quản được biểu thị bằng màu xanh lam đậm và rõ nét hơn. Song, nổi bật nhất vẫn là phần mô phổi viêm nhiễm màu xanh lục trải rộng trên phổi bệnh nhân. “Bạn không cần phải trở thành bác sĩ mới có thể xem hiểu những hình ảnh này”, ông nói tiếp. “Phần mô tổn thương trải dài trên cả hai lá phổi. Bạn có thể thấy phổi của bệnh nhân bị phá hủy trầm trọng, đó là lý do vì sao họ cần đến máy trợ thở”.
Tính đến nay, có đến 80% bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ thuộc nhóm bệnh nhẹ, triệu chứng không nghiêm trọng. Trong số 20% bệnh nhân cần nhập viện theo dõi, có 14% mắc bệnh nặng và 6% đã rơi vào tình trạng nguy kịch, khiến phổi có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn. “Thảm kịch xảy ra khi tình trạng phổi viêm nhiễm nặng không thuyên giảm, về cơ bản, khi đó phổi bệnh nhân sẽ lưu lại sẹo, một dạng tổn thương lâu dài, cản trở khả năng hô hấp của họ về sau”, ông tiếp tục.
Virus SARS-CoV-2 di chuyển từ đường hô hấp trên, tức mũi, miệng, cổ họng và phần phổi trên, xuống sâu phía dưới phổi. Viêm phổi là khái niệm chỉ tình trạng viêm của vùng phổi dưới này. Khi bị nhiễm trùng, phế nang, túi khí nhỏ chịu trách nhiệm trao đổi carbon dioxide và oxy, có thể chứa đầy chất nhầy hoặc mủ khiến bệnh nhân khó thở, do đó cần máy trợ thở để hô hấp. Tuy nhiên, toàn nước Mỹ đang lao đao vì thiếu thiết bị này. Chính phủ và các bệnh viện tại nhiều tiểu bang sốt ruột tranh thủ mọi cơ hội để sở hữu một phần trong số lượng máy trợ thở khan hiếm, nhằm giúp những bệnh nhân nguy kịch nhất của họ được sống sót.
Dù người già và người có bệnh lý nền - đặc biệt là bệnh hô hấp - là hai đối tượng gặp nguy hiểm nhiều nhất, song COVID-19 vẫn có khả năng tàn phá sức khỏe của người trẻ tuổi. “Càng ngày chúng tôi càng nhận được nhiều báo cáo về bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở độ tuổi tráng niên. Người trẻ tuổi cũng không tránh được sự tấn công của dịch bệnh”, bác sĩ Mortman nói.