Nguyệt thực toàn phần hay còn gọi là “Mặt Trăng máu” là hiện tượng thiên văn xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trời và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng. Khi đó, Trái đất sẽ che phủ hoàn toàn ánh sáng mà Mặt Trời chiếu tới Mặt Trăng.
Có một thực tế khá thú vị, khi hiện tượng này xảy ra, Mặt Trăng mà chúng ta quan sát được không có màu trắng sáng như bình thường, thay vào đó là một màu đỏ như máu.
Lý giải cho hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết sở dĩ Mặt Trăng có màu đỏ là do một hiệu ứng có tên là tán xạ Rayleigh. Đây là một loại tán xạ ánh sáng (hay sóng điện từ nói chung) bởi các hạt hay các vùng không đồng nhất trong môi trường có kích thước rất nhỏ hơn so với bước sóng của ánh sáng. Kiểu tán xạ này làm lệch hướng mạnh các tia sáng có bước sóng ngắn.
Nói một cách dễ hiểu, Mặt Trăng luôn “nép mình” trong bóng tối. Trong khi đó, ánh sáng Mặt trời phải đi một chặng đường khá dài qua bầu khí quyển, mới có thể thoát ra và hướng về phía mặt trăng.
Trong quá trình đó, các phân tử khí quyển và bụi của Trái Đất đóng vai trò như một màng lọc, phân tán các quang phổ màu sắc có bước sóng ngắn. Chỉ có các tia sáng màu đỏ hoặc cam mới có cơ hội chiếu tới Mặt Trăng.
Theo NASA, trong quá trình nguyệt thực diễn ra, Mặt Trăng sẽ thay đổi các sắc thái khác nhau, chuyển dần từ xám sang cam và cuối cùng là hổ phách.
Bên cạnh đó, điều kiện khí quyển của Trái Đất cũng có vai trò quan trọng, quyết định màu sắc của Mặt Trăng. Chẳng hạn như tình cờ xuất hiện các hiện tượng như cháy rừng lớn, hoặc núi lửa phun trào, Mặt Trăng sẽ có màu đỏ sẫm.
Vào ngày 28/7 tới đây, người dân Việt Nam, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ sẽ có cơ hội chứng kiến nguyệt thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21, kéo dài từ 0 giờ 14 phút đến 6 giờ 28 phút.
Cũng trong khoảng thời gian này, mưa sao băng Delta Aquarids với cực điểm vào ngày 28-29/7 cũng sẽ là một hiện tượng thú vị để những người yêu thiên văn có cơ hội quan sát.