Junko Iizuka còn nhớ như in ngày ấy khi bà còn là một cô gái 17 tuổi, được đưa tới bệnh viện và trải qua thủ thuật thắt ống dẫn trứng vì bị nghi thiểu năng trí tuệ.
Iizuka tỉnh dậy trên giường bệnh với một vết sẹo lớn dọc trên bụng. Cô gái là một trong hàng nghìn nam và nữ giới bị ép triệt sản theo Luật Ưu sinh của Nhật Bản, nhằm tránh sinh con “hạ đẳng”.
Sau ca phẫu thuật, Iizuka được gửi trả lại cha mẹ đẻ và chỉ lúc đó cô bé mới hiểu chuyện gì thực sự xảy ra với mình: Em vô sinh. “Đó là lúc nỗi thống khổ của tôi bắt đầu”, AFP dẫn lời người phụ nữ giờ đã hơn 60 tuổi nói.
Những nỗi đau dai dẳng
Bộ Y tế Nhật Bản thừa nhận, khoảng 16.500 người đã bị cưỡng bức triệt sản theo Luật Ưu sinh bắt đầu có hiệu lực từ năm 1949. Luật pháp khi đó cho phép các bác sĩ triệt sản những người bị khuyết tật về trí tuệ do di truyền nhằm “ngăn việc tạo ra con cháu có chất lượng thấp”.
Theo giới chức Nhật, 8.500 người đồng ý triệt sản. Tuy nhiên, các luật sư vẫn hoài nghi đó là những trường hợp “bắt buộc” vì áp lực mà họ phải đối mặt.
Số ca triệt sản bắt đầu giảm sau khi đạt đỉnh cao với 1.362 vụ triệt sản trong chỉ một năm vào giữa thập niên 1950. Năm 1972, chính phủ đưa ra một đề xuất sửa đổi gây tranh cãi trong Luật Ưu sinh, cho phép phụ nữ mang thai mà thai nhi bị khuyết tật được quyền sinh nở. Tới năm 1996, Luật Ưu sinh bị bãi bỏ khi thái độ của người dân thay đổi.
Iizuka chưa bao giờ chính thức được chẩn đoán bị khuyết tật, dù người mẹ nuôi đã đưa cô con gái đến nhà trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật trí tuệ khi cô bé 14 tuổi.
Cha của Iizuka sau đó thừa nhận, giới chức địa phương đã “liên tục thúc ép” ông đăng ký triệt sản cho con gái.
“Khi chuyển đến Tokyo để bắt đầu làm việc, tôi đã đến bệnh viện để xem bác sĩ có thể làm phẫu thuật phục hồi không. Nhưng đó là điều không thể”, bà Iizuka nói trong thất vọng.
Ở tuổi 20, Iizuka từ chối lời cầu hôn vì mặc cảm mình vô sinh. Bà vẫn kết hôn sau đó và nhận nuôi một cậu con trai. “Nhưng tôi vẫn ghen tị với bạn bè khi họ luôn có những đứa cháu tới thăm”, người phụ nữ tâm sự.
Trong 20 năm qua, bà Iizuka liên tục khiếu nại chính phủ Nhật Bản, nhưng chỉ nhận lại câu trả lời rằng, thủ tục triệt sản là hợp pháp ở thời điểm đó, mà không hề nhận được bất kỳ lời xin lỗi hoặc tiền đền bù cho những mất mát ngần ấy năm.
Yumi Sato, em chồng của bà Michiko Sato, cũng cùng hoàn cảnh như Iizuka. Michiko đang đại diện cho em chồng trong cuộc đấu tranh đòi công lý. Cách đây hơn 40 năm, khi về làm dâu nhà Sato, bà Michiko biết em chồng Yumi bị ép triệt sản.
“Tôi 19 tuổi còn cô ấy 18… Khi lần đầu nghe tin đó từ mẹ chồng, tôi cảm thấy buồn cho cả hai người”, Michiko nhớ lại. “Tôi không thể hỏi mẹ bởi cảm thấy thật quá tàn nhẫn khi gặng hỏi lý do. Trong nhiều năm, tôi vẫn giữ băn khoăn đó, mãi tới năm ngoái mới biết rằng, cô ấy bị ép triệt sản từ năm 15 tuổi”.
Một bức ảnh chụp thời thơ ấu cho thấy bà Yumi từng là một cô gái hay cười với mái tóc bồng. Yumi bị tàn tật sau sự cố liên quan tới thuốc gây tê trong ca mổ khi còn nhỏ. Đó là tình huống cô bé chẳng thể kháng cự, nhưng cũng vì thế em bị ép triệt sản theo Luật Ưu sinh của chính phủ.
Cuộc chiến đòi công bằng
Với sự hỗ trợ của Michiko, Yumi đâm đơn kiện chính phủ, yêu cầu họ phải bồi thường và xin lỗi. Thế nhưng, trái lại, chính phủ lại thúc giục tòa án bãi vụ kiện.
“Công chúng vẫn còn nhìn những người tàn tật bằng ánh mắt kỳ thị và đó là một phần lý do tôi đấu tranh”, Michiko nói. Bà nhắc tới vụ sát hại 19 người tại trung tâm người tàn tật ở phía nam Tokyo hồi năm ngoái. Kẻ sát nhân nói hắn có “nhiệm vụ loại bỏ những người mắc tâm thần khỏi thế giới của chúng ta”.
“Chúng ta phải thay đổi lối suy nghĩ như vậy. Người tàn tật cũng là con người và có giá trị như mọi thành viên khác trong gia đình”, bà Michiko nói.
Vụ kiện chính phủ của Michiko và Iizuka là động lực thôi thúc những người chung cảnh ngộ tiếp tục đấu tranh. Trong số đó có một người đàn ông 70 tuổi. Ông nói đã đọc thông tin về trường hợp của bà Yumi và rằng chính ông cũng là nạn nhân của Luật Ưu sinh.
“Tôi đã rất đau khổ về điều này suốt nhiều năm”, người đàn ông xin phép giấu tên nói với các phóng viên.
Ông bị buộc thắt ống dẫn tinh từ khi còn nhỏ. Nhiều năm sau khi kết hôn, ông không có đủ can đảm để nói với vợ và chỉ dám tiết lộ sự thật trước khi vợ ông qua đời năm 2013. “Tôi cảm thấy đau đớn khi thấy vợ mình ôm con của người khác. Tôi đã giữ gánh nặng này trong lòng một thời gian dài. Tôi muốn giành lại cuộc đời”.
Vào tháng 3, các nhà lập pháp cam kết sẽ nghiên cứu để bồi thường cho những người bị ảnh hưởng từ Luật Ưu sinh với kế hoạch đưa ra dự luật về vấn đề này trong năm tới. Nhưng nạn nhân chọ cho biết, quá trình này đang diễn ra quá chậm chạp.
“Tôi chẳng còn sống được bao lâu”, bà Iizuka nói với các nhà lập pháp hồi tháng 3. Bà đang mắc bệnh ung thư vú. “Mọi người đang già đi. Làm ơn hãy đẩy nhanh tiến trình”.