Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Vatican loay hoay trong tình cảnh 1 tòa thánh, 2 giáo hoàng

Giáo hoàng Benedict bất ngờ lên tiếng với bức thư dài 6000 chữ khiến Vatican trở nên bối rối khi vô tình tạo điều kiện cho chia rẽ giữa phe bảo thủ và cấp tiến trong giáo hội.

“Mặc dù ta rút lui về cầu nguyện, ta sẽ luôn luôn ở gần các con, và ta chắc rằng các con cũng sẽ ở gần ta, ngay cả khi ta ẩn mình với thế giới”, Giáo hoàng Benedict nói trước hàng nghìn linh mục của Rome bằng một giọng nhỏ nhẹ và thỉnh thoảng hơi khàn, trong buổi sáng của ngày Valentine năm 2013.

Đó là bài phát biểu cuối cùng của ông với tư cách giáo hoàng, sau quyết định về hưu sớm đầy bất ngờ vì lý do sức khỏe được đưa ra bằng tiếng Latin chỉ hai ngày trước đó. Giáo hoàng người Đức trở thành người đầu tiên từ bỏ cương vị này sau 600 năm, phá vỡ truyền thống làm việc cho đến ngày trở về với Chúa của những người tiền nhiệm.

Vị giáo hoàng với tên đầy đủ là Joseph Aloisius Ratzinger chính thức rời khỏi vị trí hai tuần sau đó và có kỳ nghỉ tại thị trấn Castel Gandolfo, cách Rome 25 km về phía nam, nơi các giáo hoàng thường lui tới để nghỉ dưỡng vào mùa hè.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ, cựu giáo hoàng không trở về tu viện ở xứ Bavaria, nơi ông sinh ra, mà quay trở lại Rome để sinh sống trong tu viện Mater Ecclesiae, nằm ngay phía sau Vương cung Thánh đường St. Peter. Vatican tuyên bố việc này sẽ không làm ảnh hưởng tới quá trình bầu chọn vị giáo hoàng tiếp theo, nhưng họ chưa thể đưa ra quyết định cựu giáo hoàng sẽ có danh hiệu gì, hay trang phục của ông là như thế nào. Không ai biết liệu ông sẽ mặc đồ màu trắng của giáo hoàng, màu đỏ của hồng y hay màu đen của một linh mục bình thường.

6 năm kín tiếng

Điều thú vị là trong số 117 hồng y tham dự mật nghị để bầu chọn vị giáo hoàng tiếp theo thì hơn nửa là những người được chính Giáo hoàng Benedict tấn phong. Vì vậy các chuyên gia dự đoán vị giáo hoàng tiếp theo sẽ là người không có tư tưởng quá khác biệt so với quan điểm truyền thống của cựu giáo hoàng.

Nhưng giáo hoàng mới, Francis, lại khiến cả thế giới hào hứng với sự khiêm tốn và những phát biểu được cho là mới lạ với người đứng đầu Vatican. Giáo hoàng người Argentina từng nói: “Ta là ai mà phán xét” khi được hỏi về vấn đề các linh mục đồng tính, và ông cũng chia sẻ không muốn nhắc nhiều tới vấn đề phá thai hoặc tránh thai vì cảm thấy nhà thờ quá bị “ám ảnh” với chủ đề này.

Trong khi người kế nhiệm đang trở thành nhân vật thu hút sự chú ý của toàn thế giới (tạp chí Time bình chọn Giáo hoàng Francis là nhân vật của năm 2013), Giáo hoàng Benedict giữ đúng lời hứa của mình với cuộc sống trầm lặng ở Rome. Trong căn phòng đầy sách với cửa sổ nhìn thẳng ra mái vòm Thánh đường St. Peter, cựu giáo hoàng nuôi một con mèo và đi bộ mỗi chiều ở khu vườn của Vatican. Ông cũng tham dự các buổi thánh lễ không thường xuyên và thỉnh thoảng tiếp khách tới thăm, hoặc gặp gỡ giáo hoàng mới.

Những người từng tới thăm cựu giáo hoàng, trong đó có người bạn lâu năm Marcello Pera, cựu chủ tịch thượng viện Italy, cho biết ông cố gắng tránh “tái xuất” bằng cách không bình luận về các quyết định của Giáo hoàng Francis. Benedict nói với mọi người rằng ông không còn là giáo hoàng, và không nên liên quan đến công việc hàng ngày của Vatican.

Ông Pera, người ủng hộ quan điểm truyền thống, kể lại ông từng đến thăm Benedict sau khi Francis được bầu và đưa ra những nhận định của ông về vị giáo hoàng mới, người mà ông cho là chính trị hơn và sẵn sàng điều chỉnh những lời dạy sao cho phù hợp với bộ phận khán giả rộng lớn hơn, bao gồm những người không quá sùng đạo. Khi ông Pera nói rằng mình lo lắng về tương lai của nhà thờ, cựu giáo hoàng người Đức nói: “Nhà thờ là của Chúa Jesus, con không nên lo lắng”.

Mặc dù vậy, cựu giáo hoàng người Đức vẫn mặc bộ áo choàng màu trắng, và mặc dù nhiều nhà thần học cho rằng vị giáo hoàng cũng là giám mục giáo phận Rome, danh hiệu của Benedict nên là “Giám mục danh dự Rome” để cho thấy rõ Vatican chỉ có một giáo hoàng.

Nhưng Benedict tuyên bố ông sẽ là “Giáo hoàng danh dự”, quyết định khiến nhiều người chỉ trích và thậm chí một số người ủng hộ ông cũng thấy bối rối. Ông Andrea Tornielli, nhà báo kỳ cựu người Italy chuyên về Vatican, cho rằng hình ảnh hai người đàn ông mặc áo choàng trắng bên trong những bức tường của Vatican gây ấn tượng mạnh mẽ với tất cả mọi người. “Đây là sự mới lạ hoàn toàn trong lịch sử nhà thờ”, ông Tornielli cho biết.

Tổng giám mục Rino Fisichella, nhà thần học nổi tiếng ở Vatican, một trong những cố vấn của Benedict, cho rằng ông tôn trọng quyết định của cựu giáo hoàng, nhưng nếu là mình thì ông sẽ không sử dụng danh xưng đó.

“Về mặt thần học, nó tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng”, cha Fisichella nhận định.

Lá thư 6.000 chữ

Ví dụ điển hình nhất là lá thư 6000 chữ, mà theo thư ký riêng Georg Ganswein là do chính tay cựu giáo hoàng biên soạn, nêu quan điểm của ông về vụ bê bối mà Vatican đang phải đối mặt, liên quan đến việc các linh mục xâm hại tình dục tín đồ. Trong bức thư này, giáo hoàng danh dự phân tích về tình trạng ấu dâm trong nhà thờ, cho rằng nó là sản phẩm của cuộc cách mạng tình dục hồi những năm 1960, theo ông, việc “tự do tình dục hoàn toàn” dẫn đến sự sụp đổ về tinh thần và điều đó sẽ liên quan đến xu hướng sử dụng bạo lực.

“Đó là lý do phim kh.iêu dâm không còn được trình chiếu trên máy bay. Vì bạo lực sẽ nổ ra ở cộng đồng nhỏ các hành khách”, vị giáo hoàng 92 tuổi cho biết trong bức thư hồi tháng 4.

Đây không phải là lần đầu tiên Giáo hoàng Benedict gây tranh cãi với những tuyên bố của mình. Trong 8 năm giữ vị trí người đứng đầu Vatican, ông nổi bật với hai điều: những giáo lý đề cao truyền thống và những thảm họa truyền thông. Năm 2006, giáo hoàng từng khiến cộng đồng người Hồi giáo nổi giận với những phát biểu về mối liên hệ giữa đạo Hồi và bạo lực, quản gia riêng của Benedict cũng bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật của Vatican ra ngoài, gây ra vụ bê bối Vatileaks xôn xao hồi năm 2012.

Giáo hoàng danh dự cũng chỉ trích các nhà thần học có quan điểm tự do, những người hoài nghi về quan điểm truyền thống của nhà thờ về vấn đề giới tính. “Không còn điều gì có thể trở thành tốt đẹp tuyệt đốt, cũng như không còn điều gì xấu xa cơ bản, chỉ còn lại những phán xét có giá trị tương đối”, giáo hoàng chỉ trích những quan điểm trung lập hơn về đạo đức.

“Tại sao ấu dâm lại xảy ra nhiều như vậy? Cuối cùng thì lý do là thiếu vắng sự xuất hiện của Chúa”, giáo hoàng Benedict nhận định và cho rằng việc thiếu vắng đức tin tôn giáo ngày càng gia tăng trong xã hội chính là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Quan điểm này rất khác với Giáo hoàng Francis, người gọi những vụ xâm hại tình dục là “tội ác” và cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần nằm ở việc lạm dụng quyền lực có hệ thống trong nhà thờ.

Trong bức thư, cựu giáo hoàng cũng chỉ trích một số yếu kém của nhà thờ khi xử lý các vụ xâm hại tình dục. Ông cho rằng các điều lệ truyền thống của nhà thờ có lợi cho người bị tố cáo, và hệ thống pháp lý của nhà thờ đã bị quá tải trong khi nhiều trường hợp cần phải được giải quyết bằng quy trình điều tra tội phạm đích thực thì mới có thể đưa ra hình phạt mạnh mẽ nhất.

“Tất cả những điều này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo lý và Đức tin”, cựu giáo hoàng kết luận về cơ quan của Vatican có trọng trách xử lý các vụ xâm hại. Chính ông Benedict là người đứng đầu cơ quan đầy quyền lực này trong vòng 24 năm trước khi trở thành giáo hoàng.

Vito Mancuso, một tác giả người Ý với những cuốn sách về thần học và triết học Công giáo, nhận định về bức thư: “Ông ấy (Giáo hoàng Benedict), nói rất ít về các nạn nhân. Nó gần như là lý do để nói về thứ duy nhất mà ông ấy hứng thú: khôi phục các giá trị truyền thống bên trong nhà thờ”.

Bên cạnh những chỉ trích về mặt nội dung của bức thư, nhiều người cho rằng động thái của cựu giáo hoàng đã đưa ông trở lại với công chúng, khác hẳn với tuyên bố “ẩn mình với thế giới” mà ông đưa ra khi từ nhiệm. Thậm chí có người còn chỉ ra cựu giáo hoàng đã không làm theo hướng dẫn của Bộ Giám mục Vatican, trong đó yêu cầu “giám mục danh dự sẽ phải cẩn thận để không can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vào việc quản trị giáo phận. Ông ấy sẽ phải tránh khỏi mọi thái độ và mối quan hệ có thể gợi ý về một loại thẩm quyền song song nào đó”.

Biểu tượng của sự phản kháng

Mặc dù không còn là giáo hoàng, Benedict vẫn có tầm ảnh hưởng rộng lớn với các người có thiên hướng bảo thủ trong giáo hội, họ ngưỡng mộ các công trình nghiên cứu sâu sắc về giáo lý truyền thống của ông với tư cách là nhà thần học hàng đầu Vatican trong hơn 30 năm, cùng với quan điểm cho rằng các giáo lý nhà thờ không nên được hiểu khác đi để phù hợp với thời đại.

Nhiều quan chức trong tòa thánh có quan điểm được định hình bởi những lời chỉ dạy của Giáo hoàng Benedict, và cũng được chính ông nâng đỡ trong hàng ngũ nhà thờ. Đối với họ, những chỉ dạy của cựu giáo hoàng còn có sức nặng hơn so với những lời nói của giáo hoàng đương nhiệm Francis, một tu sĩ Dòng Tên được cho là nhấn mạnh vào tính toàn diện mục vụ hơn là các giáo lý chính thống của nhà thờ.

Mặc dù Giáo hoàng Benedict đã báo trước với người kế nhiệm và Vatican về bức thư, và nó vốn chỉ được gửi tới tờ báo nhỏ dành cho các linh mục ở Đức, phe bảo thủ trong giáo hội đã lập tức tận dụng cơ hội này để khuếch đại thông điệp của giáo hoàng danh dự.

“Trong suốt văn bản ngắn gọn của mình, Ratzinger có những khoảnh khắc sâu sắc và thiên tài như mưa rơi trên sa mạc, đặc biệt là trong ngày hôm nay”, Tổng giám mục Philadelphia Charles Chaput nhận định về bức thư của cựu giáo hoàng. Ông Chaput là một trong những linh mục bảo thủ hàng đầu, người từng có xung đột tư tưởng với Giáo hoàng Francis.

Hồng y Gerhard Muller, người được Giáo hoàng Benedict cử giữ vị trí đứng đầu Bộ Giáo lý và Đức tin năm 2012, và bị Giáo hoàng Francis sa thải năm 2017, cũng lên tiếng ca ngợi bức thư của cựu giáo hoàng người Đức.

Những phản ứng này đã được dự đoán từ trước, vì từ lâu vị giáo hoàng danh dự - dù chủ động tránh xuất hiện trước truyền thông - đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng trước mong muốn cải cách và quan điểm trung lập hơn của Giáo hoàng Francis.

Trong khi những giáo sĩ với xu hướng truyền thống xung đột quan điểm với Giáo hoàng Francis về các vấn đề sinh sản và giới tính, các chính trị gia cánh hữu cũng không hài lòng với sự ôn hòa hơn của giáo hoàng người Argentina trước những câu hỏi về nhập cư và việc bảo vệ các giá trị truyền thống phương Tây.

Những người bảo thủ ở châu Âu rất tự hào về Giáo hoàng Benedict, người có cội nguồn và di sản đến từ châu lục của họ, trong khi đó một bộ phận bảo thủ ở châu Mỹ không ưa Giáo hoàng Francis vì quan điểm đề cao bảo vệ môi trường, chống lại sự giàu có vật chất và chủ nghĩa tư bản (mặc dù cả Giáo hoàng Benedict và Giáo hoàng John Paull II cũng từng chỉ trích thị trường không kiểm soát).

Điều này dẫn tới sự hình thành của một thinktank Công giáo cánh hữu, Viện Dignitatis Humanae được đặt tại Lazio, cách Rome 70 km, với hai nhân vật nổi tiếng có liên quan là Hồng y người Mỹ Raymond Burke và cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump, chuyên gia vận động cánh hữu Steve Bannon.

Hồng y Burke là một trong những quan chức bảo thủ hàng đầu của Vatican, người mà vào năm 2016 đã cùng 3 vị hồng y khác yêu cầu Giáo hoàng Francis làm rõ rằng liệu văn bản Amoris Laetitia có đi ngược lại giáo huấn Công giáo hay không. (Văn bản này được Giáo hoàng Francis ký ban hành trong đó thể hiện lập trường khoan dung hơn với các tín đồ ly dị và tái hôn).

Phó thủ tướng Italy Matteo Salvini, chính trị gia thiên hữu với quan điểm bài nhập cư, vốn là người phản đối quan điểm dung hòa hơn với người di cư của Giáo hoàng Francis, cách đây 3 năm từng mặc chiếc áo phông in dòng chữ “Il mio papa e Benedetto”, nếu dịch từ tiếng Ý thì có thể hiểu theo hai nghĩa: “Giáo hoàng của tôi được ban phước”; hoặc “Giáo hoàng của tôi là Benedict”.

Chia sẻ với Washington Post hồi năm ngoái, ông Marcello Pera - một người bạn lâu năm, từng viết sách chung với cựu giáo hoàng, nhận định: “Ngài ấy (Benedict) sẽ không ngăn cản cuộc cách mạng (của Francis), nhưng sự hiện diện của ngài ấy nhắc nhở bạn, tôi, và tất cả mọi người, rằng vẫn còn một hướng đi khác”.

Tại sao không có giáo hoàng nào từ chức trong 600 năm qua?

Phía cuối bức thư, Giáo hoàng Benedict gửi lời cảm ơn tới người kế nhiệm, “vì tất cả những gì ngài ấy đã làm để tiếp tục chỉ cho chúng ta thấy ánh sáng của Chúa, thứ đã không biến mất, kể cả trong thời điểm này”.

Ông Austen Ivereigh, người viết tiểu sử cho Giáo hoàng Francis, cho rằng lá thư của giáo hoàng danh dự không nên được coi là sự chỉ trích với giáo hoàng đương nhiệm, và “về cơ bản” thì cả hai giáo hoàng có rất nhiều điểm tương đồng. Điều này có thể đúng, nhưng sự thật là vẫn có một số nhất định những người trong giáo hội phản đối Giáo hoàng Francis, và họ tận dụng bức thư để gây sức ép với giáo hoàng đương nhiệm.

Không chỉ vậy, bức thư của Giáo hoàng Benedict được công bố vào thời điểm nhạy cảm, khi Vatican đang nỗ lực để giải quyết vụ bê bối gây rúng động giáo hội Công giáo. Nhiều người ngay lập tức đặt câu hỏi tại sao bức thư của Giáo hoàng Benedict không được công bố vào thời điểm Giáo hoàng Francis tổ chức hội nghị hồi tháng 2, gặp gỡ các giám mục trên khắp thế giới để bàn về tình trạng xâm hại tình dục trong nhà thờ, mà lại được công bố sau đó.

“Bỏ qua nội dung của lá thư, đó là việc làm không thận trọng với một cựu giáo hoàng”, ông Brian Flanagan, giáo sư giảng dạy thần học và nghiên cứu tôn giáo tại đại học Marymount, nhận định. Ông Flanagan nói thêm rằng: “Không tốt khi nhà thờ có tới 2 tiếng nói. Nếu như coi đây là nỗ lực nhằm tạo ra bối cảnh cho những quyết định trước đây của Giáo hoàng Benedict, thì đó là cách hữu ích để hiểu được cách suy nghĩ của ông ấy. Nhưng bức thư cũng đặt ra khả năng lời nói của ông ấy được coi là một lựa chọn khác bên cạnh Giáo hoàng Francis. Và đó sẽ là điều không tốt cho sự đoàn kết của nhà thờ”.

Trước khi Benedict từ nhiệm, người gần nhất từ chức người đứng đầu Vatican là Giáo hoàng Gregory XII vào năm 1415. Giáo hoàng Paul IV đã từng cân nhắc điều này, theo một cuốn sách tập hợp những lá thư của ông, nhưng lo ngại việc từ chức có thể gây nên những xung đột quyền lực trong tòa thánh. Giáo hoàng John Paul II được cho là đã chuẩn bị sẵn một lá thư từ chức đề phòng trường hợp sức khỏe đi xuống, nhưng chưa bao giờ cần dùng đến nó mặc dù tình trạng của ông ngày càng xấu đi do bệnh Parkinson.

Nhiều nguồn thân cận với Giáo hoàng Benedict cho biết ông từ nhiệm vì không muốn lãnh đạo giáo hội khi sức khỏe giảm sút nghiêm trọng như người tiền nhiệm John Paul II, người mà ông có nhiều năm làm việc bên cạnh và tận mắt chứng kiến điều đó.

Những nhà quan sát Vatican cho rằng chính quyết định từ chức của Giáo hoàng Benedict hồi năm 2013 đã khiến vị giáo hoàng hiện tại trở nên dễ bị tổn thương hơn, vì nó tạo điều kiện cho những tiếng nói bất đồng xuất hiện. Họ cho rằng thật khó để tưởng tượng một lá thư giống như bức thư do Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano đưa ra hồi tháng 8 năm ngoái, kêu gọi Giáo hoàng Francis từ chức, nếu như Giáo hoàng Benedict không tạo ra khả năng một giáo hoàng hiện đại có thể từ bỏ nhiệm sở trước khi chết.

Việc có 2 giáo hoàng ở Vatican đã là vấn đề, và khi cả hai người cùng lên tiếng về vụ bê bối nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhà thờ lại càng khiến nhiều người bối rối hơn, nhất là khi những tin đồn luôn được lan truyền với tốc độ chóng mặt từ Vatican. New York Times cho biết mặc dù sức khỏe đã giảm sút, cựu giáo hoàng vẫn rất minh mẫn ở tuổi 92, và theo những người thân cận với ông, Benedict viết lá thư với mong muốn duy nhất là giúp đỡ người kế nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng trong thời đại của mạng xã hội, động thái đó không giúp gì nhiều cho Giáo hoàng Francis, mà còn gây thêm nhiều vấn đề.

“Điều đang xảy ra là điều mà phần lớn chúng ta không mong muốn chứng kiến. Ý tưởng về hai giáo hoàng song song thật sự đem lại rất nhiều rắc rối”, ông Massimo Faggioli giáo sư thần học tại Đại học Villanova, bang Pennsylvania nhận định.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố