Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, Phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ nông nghiệp hiện đại Lĩnh Nam tỉnh Quảng Đông, Viện nghiên cứu quân y thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc và Cơ quan nghiên cứu động vật thành phố Quảng Châu vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tê tê với tên khoa học là Pholidota có thể là vật chủ trung gian truyền nhiễm virus corona chủng mới.
Kết luận này được đưa ra, sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích hơn 1.000 mẫu hệ gene cộng đồng của nhiều loài động vật hoang dã khác nhau có khả năng mang virus corona chủng mới. Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử cho thấy tỷ lệ dương tính với virus corona beta ở loài tê tê là 70%. Tiếp tục cô lập và quan sát virus dưới kính hiển vi, các nhà nghiên cứu nhận thấy trình tự bộ gene của tê tê giống đến 99% so với chủng virus lây nhiễm sang người.
Đại học Nông nghiệp Hoa Nam cho rằng phát hiện mới nhất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán hồi tháng 12 năm ngoái được cho rằng khởi nguồn từ một chợ hải sản và động vật hoang dã. Các nghiên cứu trước nghi ngờ dơi là vật truyền virus, tuy nhiên, dơi không được bán ở chợ hải sản đó, nên các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có loài vật khác đóng vai trò trung gian truyền bệnh.
Trung Quốc đã lệnh đóng cửa các trang trại nuôi động vật hoang dã khắp Trung Quốc, việc mua bán động vật hoang dã ở siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn bị cấm.
Tê tê là loài động vật hoang dã hiện bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới. Đây là loài động vật có vú, là loài thú ăn kiến sinh sống ở miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Thịt của tê tê được coi là đặc sản ở các nước Châu Á trong đó có Trung Quốc và vảy của chúng được sử dụng trong y học cổ truyền, được cho rằng giúp lưu huyết, lợi sữa, khử trùng…
Việc buôn lậu tê tê cùng với nạn phá rừng đã làm giảm số tê tê. Hiện nay, tất cả các loài tê tê đều được liệt kê trong danh sách cấm buôn bán theo công ước quốc tế CITES.