Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Plos One hôm 4-8 đã phân tích hồ sơ y tế điện tử của hơn 74.700 người từ Mỹ, Anh, Ý, Đức, Israel và Singapore, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Theo ABC News, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đã chủng ngừa cúm trong 6 tháng trước đó ít có khả năng gặp các biến chứng về sức khỏe liên quan đến mắc Covid-19.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện những người không tiêm phòng cúm có khả năng phải điều trị tích cực lên tới 20%, khả năng nhập viện cấp cứu cao đến 58%, nguy cơ nhiễm trùng máu lên đến 45%, khả năng bị đột quỵ cao tới 58% và nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao đến 40% so với những người được tiêm phòng cúm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc tiêm phòng cúm và giảm nguy cơ tử vong do dịch Covid-19.
Nghiên cứu mới này tương đồng với một số nghiên cứu trước đó đã phát hiện mối liên hệ giữa những trường hợp mắc Covid-19 ít nghiêm trọng hơn với việc tiêm phòng cúm. Tương tự, nghiên cứu trước đó cũng không phát hiện vắc-xin ngừa cúm có khả năng bảo vệ chống nguy cơ tử vong do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mối liên hệ của tiêm phòng cúm với các ca mắc Covid-19 ít nghiêm trọng hơn không đồng nghĩa với việc nó có khả năng ngừa SARS-CoV-2. Tiêm phòng cúm có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch và giảm rủi ro gặp các biến chứng nặng do Covid-19.
GS Devinder Singh tại Trường Y Miller thuộc Trường ĐH Miami cho rằng dù cơ chế đằng sau mối liên hệ này vẫn chưa được biết rõ nhưng vắc-xin ngừa cúm sẽ kích thích một nhánh của hệ thống miễn dịch, làm giảm viêm trong cơ thể.
Tuy nhiên, GS Singh vẫn khuyến cáo dùng vắc-xin ngừa Covid-19 và hoàn toàn không đề xuất vắc-xin cúm thay thế cho vắc-xin ngừa Covid-19 phù hợp.
Nếu mối liên hệ nói trên được chứng minh, các nhà nghiên cứu hy vọng điều này có thể giúp ích cho những nơi đang thiếu nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19.