Từ năm 2008, các nhà khoa học đã khẳng định trên sao Hỏa tồn tại nước đóng băng. Nhưng các phát hiện gần đây đã cho thấy có bằng chứng về dòng nước muối dạng lỏng chảy xuống các vách đá vào mỗi mùa hè.
Theo báo cáo hình ảnh từ tàu thăm dò vũ trụ Reconnaissance Orbiter gửi về Trái đất, bề mặt sao Hỏa có những dòng suối nhỏ rộng khoảng 3,5 m đến 4,5 m và dài hơn 90 m. Điều này chứng tỏ sao Hỏa không phải là một hành tinh khô hạn như chúng ta từng biết đến trong quá khứ. Nước dạng lỏng là một điều kiện cho sự sống, do vậy các kết luận này đã làm dấy lên hy vọng về sự sống tồn tại trên hành tinh đỏ. Các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều khả năng có sự sống trên sao Hỏa, cho dù chỉ là các vi sinh vật.
Dòng nước chảy chụp được là những vệt nước sâu và sẫm màu trên bề mặt sao Hỏa, có vẻ như xuất hiện nhiều hơn vào những tháng mùa hè và mờ đi vào thời gian còn lại trong năm. Trên thực tế, sao Hỏa vẫn vô cùng lạnh vào mùa hè. Khi nhiệt độ tăng lên đến -10 độ F (khoảng -23 độ C), các rãnh nước bắt đầu hình thành. Thêm vào đó, muối có trong nước khi đó có thể làm hạ thấp ngưỡng nhiệt đóng băng của nước và băng tan, khiến cho nước vẫn chảy ở dạng lỏng trong điều kiện lạnh giá như vậy.
Nguồn gốc của dòng nước này hiện vẫn là một bí ẩn. Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân có thể là do băng tan, các mạch nước ngầm, hơi nước ở lớp khí quyển mỏng trên bề mặt sao Hỏa, hoặc là sự tổng hợp của tất cả các khả năng trên.
Theo Tiến sỹ Alfred McEwen, một trong ba tác giả của bản báo cáo, lượng nước được phát hiện có dung tích lớn đến mức có thể đổ đầy rất nhiều hồ bơi Olympic, tuy rằng dòng chảy lại trải mỏng trên diện tích rộng. Sự hiện diện của nước lỏng cũng có thể giúp chuyến du hành vũ trụ ở sao Hỏa thuận lợi hơn khi các nhà thám hiểm có thể dùng chính nguồn nước đó để làm nước uống, chuyển hóa thành oxy và thậm chí là nhiên liệu cho tên lửa. Mục tiêu của NASA là sẽ đưa con người lên hành tinh này vào năm 2030.
Các nhà khoa học cũng cho biết do những vệt nước này chảy dọc trên sườn dốc ở địa hình gồ ghề nên rô-bốt thám hiểm hay các nhà du hành vũ trụ rất khó tiếp cận. Các rô-bốt cũng chỉ có thể quan sát từ một khoảng cách khá xa. Ngoài ra, việc khảo sát toàn diện bằng việc sử dụng các thiết bị hiện có trên sao Hỏa hay thiết bị đời 2020 tới đây cũng gặp nhiều hạn chế. Theo Times, các thiết bị này không được tiệt trùng hoàn toàn để đến gần các khu vực rãnh nước. Do vậy, phạm vi nghiên cứu đã bị thu hẹp lại để tránh lây lan vi khuẩn từ Trái Đất còn sót lại trên các máy thăm dò.
Mục tiêu lớn nhất đặt ra là một ngày nào đó các nhà khoa học có thể đưa vài mẫu vật về nghiên cứu ở Trái đất, theo tác giả chính của báo cáo nghiên cứu là tiến sỹ Lujendra Ojha từ Viện nghiên cứu Georgia.
Công bố của NASA cũng là bước ngoặt lớn về định hướng nghiên cứu trong thời gian tới cho các nhà khoa học. Sao Hỏa hiện nay cũng không khác gì sao Hỏa cổ đại. Nhưng cách đây hơn 3 tỉ năm, hành tinh láng giềng giống Trái đất nhất từng có một đại dương rộng lớn và đã xảy ra một sự kiện chấn động khiến sao Hỏa chỉ còn những dòng nước chảy len lỏi như những gì chúng ta vừa thấy. Vậy đó là điều gì, hiện vẫn còn là một ẩn số chờ đợi các nhà khoa học giải đáp.