Alexander Gukov, 42 tuổi, một nhà leo núi người Nga đã mắc kẹt ở độ cao 6.300 m trên núi Latok, một dãy núi ở Karakoram, Pakistan. Người đồng hành cùng ông là Sergey Glazunov đã thiệt mạng khi ông cố gắng xuống núi và gặp động đất vào ngày 25/7.
Do thời tiết chuyển biến rất xấu nên mọi nỗ lực giải cứu ông Gukov đều bất thành. Mãi cho tới gần đây, ông Gukov đã được giải cứu bằng trực thăng sau 6 ngày mắc kẹt ở nơi nhiệt độ âm độ C.
Giới chức cho biết, tình trạng sức khỏe của ông Gukov rất yếu. Hiện ông đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc khu vực Skardu. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán, ông Gukov bị mất nước, kiệt sức và đói nhưng không bị tê cóng.
Khi được hỏi về cảm giác mắc kẹt 6 ngày ở độ cao 6.300 m, ông Gukov nói với giọng khàn khàn: “Vào mỗi đêm, tôi thường mơ thấy tôi đang ở nhà, bên cạnh những người thân yêu. Tôi cũng nghĩ rằng họ đang mong tôi trở về nhà. Tôi hy vọng mọi người sẽ không quên tôi. Cám ơn tất cả mọi người vì đã giúp tôi“.
Ông Gukov cũng chia sẻ rằng trong 6 ngày mắc kẹt, 3 ngày cuối cùng ông không có gì vào bụng. Mặc dù rất mệt mỏi, thường mê sảng nhưng sợ trực thăng cứu hộ không thể thấy mình nên ông luôn cố gắng vùng vẫy trong đống tuyết đang phủ trên người.
Ông Gukov chia sẻ, ông cùng người đồng hành đã lên kế hoạch chinh phục núi Latok vào ngày 12/7. Núi Latok cao 7.145 m, tuy không phải là một trong những ngọn núi cao nhất thế giới nhưng Latok lại nằm trong top những ngọn núi khó chinh phục nhất. Latok nổi tiếng là ngọn núi có sườn rất dốc, trơn trượt và thời tiết thay đổi rất khắc nghiệt.
Ngày 15/7, ông Gukov cùng bạn đồng hành đã lên kế hoạch kĩ lưỡng, chuẩn bị đồ ăn cho 5 ngày. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, do trời có sương mù và tuyết rơi dày đặc nên ông Gukov đành phải hoãn thời gian đi xuống. Sau đó, nhóm của ông Gukov quyết định leo xuống bằng một con đường khác thì gặp sự cố.
Tới ngày 31/7, khi thời tiết tạnh ráo, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, đội cứu hộ mới xác định được vị trí của ông Gukov. Thế nhưng, trực thăng lúc này chỉ đủ nhiên liệu cho một lần thả dây cứu ông Gukov. Điều này đồng nghĩa rằng nếu ông Gukov không thể bắt được dây, đội cứu hộ sẽ phải quay trở lại vào thời điểm khác nếu điều kiện thời tiết cho phép.
Trong vòng 15 phút, những ngón tay tê cóng của Gukov gắn sợi dây vào thắt lưng của ông. Khi trực thăng kéo ông ra, chiếc trực thăng bị nghiêng và các phi công phải rất cố gắng mới giữ cho nó ổn định. Cuối cùng, mọi cố gắng nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng.