Tục “cướp vợ” của người dân tộc Mông ở vùng núi phía Bắc có lẽ không xa lạ với người Việt. Tại đây, những đôi trai gái có tình cảm với nhau sẽ hẹn hò ở bìa rừng hay phiên chợ rồi đến xế chiều, chàng trai nhờ một vài người bạn đến kéo cô gái về nhà làm vợ.
Tuy nhiên, tại Kyrgyzstan, tục “cướp vợ” lại là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ, cuộc sống hôn nhân sau đó của họ cũng không hề hạnh phúc.
Cướp vợ - Nỗi ám ảnh của hàng nghìn phụ nữ
Hôn nhân ở Kyrgyzstan bắt nguồn từ tục “ala kachuu” (bắt và chạy trốn). Những cô gái từ 16 tuổi trở lên sẽ là “đối tượng” để nam giới “cướp vợ”.
Tục “cướp vợ” có thể diễn ra bất cứ nơi đâu từ đường phố, nơi làm việc hay thậm chí là ngay tại nhà. Mặc cho cô gái khi bị bắt về làm vợ liên tục la hét, giãy đạp, tuyệt nhiên không có ai mảy may quan tâm hay tới giúp đỡ bởi họ coi đó là lẽ thường tình.
Khi bị bắt về nhà, những cô gái sẽ đội một chiếc khăn trắng, dấu hiệu cô đã sẵn sàng trở thành cô dâu. Theo quan niệm của người Kyrgyzstan, khi con gái bước chân vào nhà của người bắt cóc mình và đội khăn trắng, họ sẽ không còn “trong sạch” và khiến gia đình xấu hổ nếu trở về nhà.
Theo Newsweek cha mẹ của kẻ bắt cóc sẽ liên tục gây áp lực cho cô gái. Họ nói về chiếc khăn trắng và hậu quả nếu cô bỏ trốn khỏi đây. Chính vì ám ảnh về chiếc khăn trắng đó, đa phần phụ nữ sẽ trở thành vợ của người bắt họ. Theo thống kê, khoảng 84% phụ nữ bị bắt đồng ý kết hôn.
Đôi khi, chú rể sẽ cưỡng hiếp người anh ta vừa bắt cóc về để cô gái đó chịu ở lại. Theo thống kê năm 2013, có 12.000 trường hợp phụ nữ bị bắt cóc ở nước này và có tới 2.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Sau ngày “cướp vợ”, chú rể sẽ tới nhà bố mẹ cô dâu và tuyên bố rằng anh ta đã bắt cóc con gái họ đồng thời đưa một khoản tiền thách cưới cho nhà gái. Đám cưới sẽ diễn ra không lâu sau đó.
Cuộc sống “tù gông”
Có lẽ nhiều người cho rằng, khi về chung một nhà, lâu dần hai người ắt sẽ có tình cảm với nhau, người phụ nữ sẽ dần quên đi nỗi đau bị cướp về. Nhưng không, cuộc sống sau hôn nhân lại chẳng khác gì “tù gông”, không có niềm vui, cũng không có hạnh phúc.
Gulzat Akmatbekova (36 tuổi) sống ở vùng Naryn của Kyrgyzstan, nói rằng mẹ, chị gái và một người bạn thân của cô đều là nạn nhân của hủ tục cướp vợ. Trong một lần đi xem phim cùng với bạn bè, mẹ cô bị người chồng hiện giờ bắt cóc về nhà. Cô gái năm ấy mới 18 tuổi, không hề có tình cảm với người đàn ông, nhưng do đã bị bắt về nên bà đành nhẫn nhịn bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc hôn nhân trái ý muốn.
“Mẹ kể rằng bà khóc rất nhiều vì không muốn kết hôn với cha tôi bởi lúc đó, bà đã có người trong mộng”, chị Gulzat kể lại.
Tại gia đình chồng, mọi người luôn miệng nói rằng số phận của bà là phải kết hôn và nếu rời đi, cuộc sống của bà sẽ đầy nỗi bất hạnh. Dù rất muốn chạy trốn, nhưng mọi cô gái Kyrgyz đều phải nghe lời người lớn nên bà đành ở lại, sinh con đẻ cái. “Những người trong gia đình có vẻ hài lòng với đám cưới, nhưng mẹ tôi lại không hề tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hôn nhân đó“.
Không chỉ mẹ chị, nỗi đau của tục cướp vợ lại lặp lại lần nữa với chị gái của Gulzat. Dù đã có bạn trai, chị gái của Gulzat vẫn trong tầm ngắm của người đàn ông lớn hơn 7 tuổi. Người đàn ông này thường xuyên mua quà, tán tỉnh chị gái của Gulzat nhưng cô không đồng ý. Rồi một ngày, ông quyết định bắt cóc bằng cách ném cô lên xe và đưa tới một thành phố khác. Cuối cùng, cha mẹ của Gulzat đành phải chấp nhận chàng rể mới.
Không giống mẹ, chị gái của Gulzat đã dũng cảm ly hôn sau 10 năm chung sống thay vì chịu đựng cuộc hôn nhân không khác gì ngục tù. Bạn thân của Gulzat cũng là nạn nhân của hủ tục và cô gái này bị chính người mà mình coi là bạn bè bắt cóc.
12.000 phụ nữ là nạn nhân hủ tục “cướp vợ” mỗi năm
Theo nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Demography, cứ 4 người phụ nữ thì có một người là nạn nhân của tục “cướp vợ”. Dù bị cấm từ năm 1994 nhưng cho tới nay, tục này vẫn còn tồn tại và có tới 12.000 phụ nữ là nạn nhân của hủ tục “cướp vợ” mỗi năm.
Tổ chức từ thiện toàn cầu Girls Not Brides cũng cho biết có gần 10%, tương đương với 15 triệu thiếu nữ ở Kyrgyzstan, kết hôn trước 18 tuổi. Những đứa trẻ được sinh ra bởi người phụ nữ bị bắt cóc về thường nhẹ cân hơn so với những đứa trẻ được sinh trong các cuộc hôn nhân bình thường từ 80 đến 190g. Giáo sư kinh tế Charles Becker cho biết nguyên nhân có thể là do chấn thương tâm lý mà người mẹ phải chịu đựng từ cuộc hôn nhân.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Duke của Mỹ cho biết tục bắt cóc cô dâu cũng xảy ra ở các nước như Armenia, Ethiopia, Kazakhstan, Nam Phi và đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn của Trung Á, dù bất hợp pháp.