Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Từ 'kẻ biến thái' trở thành 'siêu nhân kinh nguyệt quốc gia' - anh là ai?

Arunachalam Muruganantham bị ám ảnh bởi việc phải tạo ra những miếng băng vệ sinh cho người vợ thương yêu của mình. Sau nhiều năm mày mò và không ít đánh đổi, sáng chế của anh đã làm thay đổi cuộc đời hàng triệu phụ nữ Ấn Độ - những người trìu mến gọi anh là "siêu nhân kinh nguyệt quốc gia".

Năm 1998, Arunachalam Muruganantham, con trai một người thợ dệt thổ cẩm nghèo ở miền nam Ấn Độ phát hiện ra vợ mình sử dụng những miếng giẻ cũ để đối phó với kỳ kinh nguyệt vì không đủ tiền mua băng vệ sinh. Anh thực sự rất sốc nhưng cho rằng đây là cơ hội gây ấn tượng với người phụ nữ của mình nên quyết định tự tay làm ra những miếng băng vệ sinh để tặng vợ.

Muruga cắt bông gòn thành từng miếng với kích thước như băng vệ sinh được bán tại các cửa hàng, sau đó bọc chúng lại bằng một lớp vải cotton mỏng. Anh hí hửng giới thiệu sản phẩm tự tay làm với vợ và đề nghị cô dùng thử. Kết quả phản hồi là… “tạch”, món quà đặc biệt của anh không sử dụng được. Vợ anh lại tiếp tục dùng những miếng giẻ cũ như trước kia.

sieunhankinhnguyetquocgia (2)

Vì tình yêu dành cho vợ - Shanti, Muruga đã tự tay làm ra những miếng băng vệ sinh - điều mà nhiều người đàn ông khác cả đời không bao giờ nghĩ đến.

Muruga bắt đầu tìm hiểu sự khác biệt giữa băng vệ sinh mà anh tự làm với những cái đang bán tại cửa hàng. Nhưng vấn đề là anh phải chờ cả tháng trời, đến ngày “đèn đỏ” của vợ thì cô mới có thể thử mẫu mới giúp anh. Do đó, người đàn ông này quyết định tìm các nữ tình nguyện viên. Một vài sinh viên tại trường đại học y khoa đã đồng ý tham gia thử nghiệm nhưng họ quá nhút nhát nên phản hồi không rõ ràng.

Thế là Muruga táo bạo đi đến quyết định tự mình kiểm tra. Anh mang băng vệ sinh đồng thời đeo bên hông một túi cao su chứa đầy máu động vật có ống dẫn xuống quần lót để mô phỏng hiện tượng kinh nguyệt của phụ nữ.

Mọi người xung quanh khi phát hiện mùi hôi thối và máu trên quần áo của Muruga đã nghĩ rằng anh là một tên biến thái. Không chịu đựng được áp lực dư luận về người chồng có những hành vi kỳ lạ, vợ Muruga đã bỏ anh và về sống với mẹ đẻ. Nhưng không vì thế mà anh bỏ cuộc.

Phóng sự về “siêu nhân kinh nguyệt quốc gia”:

Muruga biết rõ vì sao anh phải trải qua tất cả những việc khủng khiếp thế này. Ngoài kia vẫn còn 20% phụ nữ Ấn Độ không có khả năng chi trả cho những sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt an toàn. Việc anh đang làm không chỉ giúp cho vợ mình mà còn hàng triệu phụ nữ khác.

Sau 2 năm miệt mài, cuối cùng Muruga cũng đã tìm ra chất liệu phù hợp và thêm 4 năm nữa để sản xuất ra những chiếc băng vệ sinh an toàn với giá phải chăng. Anh còn chế tạo cả máy sản xuất băng vệ sinh với chi phí chỉ có 950 USD (22 triệu đồng), rẻ hơn 500 lần so với máy nhập khẩu trị giá 500.000 USD (12 tỷ đồng). Nhờ vậy, nhiều phụ nữ Ấn Độ có thể mua máy để tự sản xuất băng vệ sinh cho riêng họ tại nhà hoặc bán lấy lời. 

1.300 cái máy đã được bán ở 27 tiểu bang và bắt đầu xuất khẩu sang các nước đang phát triển trên toàn thế giới. Hàng loạt các tập đoàn trên thế giới đã đề nghị mua bản quyền chiếc máy của Muruga nhưng anh dứt khoát từ chối vì muốn ưu tiên bán cho phụ nữ Ấn Độ để tạo công ăn việc làm cho họ.

sieunhankinhnguyetquocgia (1)

Không ai ngờ được rằng gần 20 năm sau, từ một “kẻ biến thái”, Arunachalam Muruganantham đã được vinh danh là “siêu nhân kinh nguyệt của Ấn Độ”.

Ngày nay, Muruga đã trở thành một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Ấn Độ. Thậm chí, anh còn được tạp chí TIME vinh danh là một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2014.

Là người đàn ông đầu tiên trên thế giới mang băng vệ sinh, Arunachalam Muruganantham được vinh danh là “siêu nhân kinh nguyệt của Ấn Độ”. Sự chu đáo, kiên trì và hy sinh đã giúp anh trở thành người hùng trong lòng hàng triệu phụ nữ Ấn Độ. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm