Năm 2015, Sally Cloke và bạn đời Richard Thursby, hai cư dân vùng Virginia Water, hạt Surrey (Anh), vỡ òa hạnh phúc khi hay tin họ trúng xổ số với giải thưởng lên đến 1 triệu GBP (tương đương 1,2 triệu USD). Quá choáng váng trước niềm vui bất ngờ, Sally tạm ngưng công việc điều dưỡng trong viện dưỡng lão để có thời gian bình tĩnh lại. Song, vì quá nhớ nghề cũ, người phụ nữ 54 tuổi quyết định trở lại làm việc vào năm 2017.
Hiện tại, bà mẹ ba con vẫn cần mẫn chăm sóc cho các cụ già trong viện dưỡng lão với mức lương ca đêm 12 USD/giờ. Dù rất muốn dành trọn tâm huyết cho công việc, nhưng tâm trí Sally chưa từng thôi lo sợ vì lựa chọn mạo hiểm của mình. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiệt huyết của bà tương đương với việc mang cả mạng sống của bản thân lẫn gia đình ra đánh cược.
“Gần đây chồng tôi bị xuất huyết não, hệ thống miễn dịch của anh ấy yếu đi nhiều. Con gái và cháu ngoại cũng đang sống cùng chúng tôi”, Sally chia sẻ về nỗi băn khoăn khi kiên trì tiếp tục nghề điều dưỡng. “Nhưng tôi có rất nhiều người bạn tâm giao ở viện dưỡng lão. Tôi không thể khiến họ thất vọng, nhất là vào thời điểm khó khăn thế này”.
“Ban đầu, cả nhà đều rất lo sợ và khuyên tôi nên nghỉ việc thì hơn. Nhưng tôi giải thích rằng những người già trong viện dưỡng lão cần đến mình, tính chất công việc của tôi là thế, và họ đã cảm thông. Tôi không phải là người hùng, nhưng ít ra tôi tự hào vì đã góp chút sức lực trong cuộc chiến chung chống lại COVID-19”, bà nói.
Trong thời điểm gian nan này, viện dưỡng lão vẫn cố xoay sở để mua đủ số trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) cung cấp cho nhân viên. Vì thế, bà Sally chẳng những yên tâm hoàn thành công việc mà còn chủ động yêu cầu được tăng số ca làm buổi đêm.
“Tôi đã làm việc ở đây từ trước khi đại dịch bùng phát, trải qua nhiều thử thách và chứng kiến những khoảnh khắc đau lòng. Nhưng đó là một ngôi nhà ấm áp”, bà nói. “Mọi thứ vẫn ổn định, chúng tôi đều có ý thức giữ gìn vệ sinh và rửa tay thường xuyên. Chúng tôi đang cố hết sức để mang đến điều tốt nhất cho những người sống trong viện dưỡng lão”.