Khóc thuê là một nghề nghiêm túc và có thể kiếm bộn tiền ở Trung Quốc. Tại đám tang của những người xa lạ, người khóc thuê sẽ khóc lóc, vật vã, kêu gào thảm thiết theo đúng nghi thức truyền thống của Trung Quốc và họ có thể kiếm được 350 USD (gần 8 triệu đồng) cho mỗi lần nhận việc.
Tuy nhiên, dịch vụ khóc thuê ở Trung Quốc ngày càng biến tướng. Thay vì thuê người khóc thuê theo cách thông thường, một số gia đình lại thuê vũ nữ biểu diễn thoát y.
Điển hình là vào năm 2015, một phụ nữ ở Đài Loan (Trung Quốc) đã mời hai vũ nữ thoát y biểu diễn trong đám tang chồng. Lý giải về hành động này, người vợ phân trần rằng bà chỉ muốn mang lại niềm vui cho người chồng quá cố. Khi ông còn sinh thời, bà hiểu sở thích của chồng là được ngắm nhìn những người phụ nữ đẹp. Vì vậy, cho dù đã qua thế giới bên kia, bà vẫn muốn chồng mình “thưởng thức” cuộc vui này.
Trước đó, đám tang của người quá cố tên Zhang tại một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc cũng diễn ra màn khóc thuê tương tự. Theo những người dự đám tang, sau phần điếu văn, cảnh tượng “nhức mắt” xảy ra khi các vũ công trong trang phục thiếu vải bước lên sân khấu và bắt đầu nhảy, hát.
Chưa dừng lại tại đó, các vũ công còn thoát y ngay trên sân khấu trước mặt hàng trăm người tới tham dự tang lễ. Người đàn ông vừa phát biểu thậm chí còn chạm tay vào những vùng nhạy cảm của các cô gái.
Đằng sau những cô vũ công thoát y là một màn hình điện tử chiếu ảnh người quá cố kèm theo dòng chữ: “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc trước cái chết của ông Zhang”. Được biết, màn thoát y kỳ quặc này là do cô con gái của người quá cố thuê về biểu diễn trong đám tang.
Tại Trung Quốc, khóc thuê theo kiểu thoát y phổ biến trong nhiều năm qua bởi nó giúp thể hiện sự giàu có của gia đình người quá cố. Theo Bộ văn hóa Trung Quốc, màn biểu diễn phản cảm này xuất hiện phổ biến ở 4 tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Hà Bắc.
Việc tổ chức đám tang với màn biểu diễn thoát y, khiêu dâm được cho là hành động xúc phạm người đã khuất, trái với quy chuẩn đạo đức. Mặc dù, giới chức Trung Quốc đã phát động nhiều đợt tảy chay hành động khóc thuê phản cảm từ năm 2006 nhưng không đem lại hiệu quả. Hiện tại, giới chức đang tiếp tục mạnh tay với nạn “nhảy múa thoát y” vô cùng xấu xí này.