Guangzhou Daily ngày 26/6 dẫn nguồn Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc cho hay băng cháy được phát hiện tại Biển Đông, gần lưu vực cửa sông Châu Giang. Theo đó, cuộc thăm dò do tàu lặn điều khiển từ xa mang tên Seahorse thực hiện và chia làm 3 đợt, từ tháng 5 năm ngoái tới tháng 10 và tháng 3 năm nay. Tàu Seahorse có thể lặn ở độ sâu 4.500 m.
Trong đợt thăm dò mới nhất ở phía tây lưu vực cửa sông châu Giang, Trung Quốc phát hiện một dải băng cháy trải rộng 350 km2 cùng các suối nước lạnh ở độ sâu 1.350 tới 1.430 m dưới mực nước biển.
Giới chức Trung Quốc không đưa ra con số ước tính về trữ lượng băng cháy mới nhất có thể sản xuất ra bao nhiêu lượng khí đốt tự nhiên.
Chính phủ Trung Quốc từng khẳng định về sự tồn tại của băng cháy ở Biển Đông, gần lưu vực cửa sông châu Giang 3 năm trước. Họ cho rằng, khu vực này có thể chứa 100 tới 150 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Tháng 8/2014, Bắc Kinh thông báo về kế hoạch khai thác băng cháy ở Biển Đông vào năm 2017.
Băng cháy hay còn gọi là methane hydrate, được hình thành từ khí methane nén chặt trong băng bên dưới đáy biển. Nó là nguồn năng lượng khổng lồ. Cứ một m3 băng cháy chứa khoảng 164 m3 khí đốt tự nhiên vì nó ở thể nén. Băng cháy sạch hơn nhiên liệu hóa thạch vì hydrate đông lạnh, ít tạp chất.
Băng cháy được phát hiện tại hơn 100 quốc gia. Nguồn năng lượng này vốn bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và dưới đáy đại dương.
Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… là những quốc gia đang ráo riết đi tìm công nghệ để khai thác băng cháy. Giới quan sát nhận định, một trong những mục đích của âm mưu chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đang thực hiện là giành được “mỏ vàng” mang tên băng cháy.
Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông. Mọi hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.