Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài truyền hình CCTV hôm 17/2, Tiêu Nhã Huy (Jiao Yahui), Phó Tổng cục trưởng Cục Quản lý Y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) giải thích lý do vì sao số lượng lớn các ca nhiễm Covid-19 nặng xảy ra tại Vũ Hán.
“Những lý do đằng sau tỷ lệ cao rất phức tạp. Đầu tiên, các biện pháp được thực hiện khi bắt đầu bùng phát dịch là không đủ… Thứ hai, thiếu thiết bị y tế tại các bệnh viện”, Phó Tổng cục trưởng Cục Quản lý Y tế Tiêu Nhã Huy giải thích.
Theo dữ liệu bà Tiêu Nhã Huy cung cấp, trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19 (nCoV), thời gian trung bình để một bệnh nhân nhập viện là 9,84 ngày. Thời gian dài chờ đợi này khiến bệnh nhân mất đi cơ hội để được điều trị tốt nhất và tình trạng bệnh sau đó trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, khi các bệnh nhân nghiêm trọng được đưa đến bệnh viện, không đủ nhân viên y tế để điều trị cho họ. “Thường có 10% giường dành cho khu chăm sóc tích cực - ICU, trong một bệnh viện. Thế nhưng, giờ đây bệnh viện ở Vũ Hán cần biến tất cả giường và phòng thành thành ICU và đó là thử thách lớn”, bà Tiêu Nhã Huy cho hay.
Ngoài ra, tình trạng thiếu bình oxy và máy thở trong các khu ICU là một trong những vấn đề lớn nhất. “Mọi thứ đang trở nên tốt hơn khi trang thiết bị đang được dồn về Vũ Hán. Sự thiếu hụt đang giảm”, Phó Tổng cục trưởng Cục Quản lý Y tế Tiêu Nhã Huy cho biết.
Cũng trong cuộc phỏng vấn CCTV, bà Tiêu Nhã Huy nhấn mạnh rằng cần có biện pháp điều trị toàn diện đối với bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 (nCoV). “Để điều trị cho những bệnh nhân nặng, chỉ dùng thuốc kháng virus là không đủ. Các cơ quan khác trong cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi căn bệnh này, vì vậy việc điều trị cần toàn diện”, bà Tiêu Nhã Huy nói.
Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), tỷ lệ các trường hợp nhiễm Covid-19 nghiêm trọng trong tất cả các trường hợp được xác nhận tại Trung tâm Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã giảm từ 38% từ khi bắt đầu bùng phát xuống còn 18%.