Năm 2014, ông lớn công nghệ Tecent đã mở ra phương hướng kinh doanh mới với phương thức chuyển tiền lì xì trực tuyến e-hongbao thông qua ứng dụng tán gẫu trên smartphone Wechat. Theo đó, người dùng Wechat có thể chuyển một lượng tiền nhất định từ tài khoản ngân hàng của mình vào một số “phong bao lì xì” mong muốn, hay e-hongbao.
Những e-hongbao này sau đó được gửi dưới dạng thư tới người nhận, và người nhận có thể mở thư để nhận được một số tiền lì xì nhất định. Lượng tiền lì xì tù e-hongbao mà mỗi người nhận được là ngẫu nhiên và tuân theo nguyên tắc “đến trước được trước”, vì vậy mà dịch vụ này không chỉ được sử dụng để tặng người thân mà nhiều người còn sử dụng nó để tặng bạn bè của mình như một trò chơi may mắn trong những ngày đầu năm mới.
Trong vòng 2 năm tồn tại, e-hongbao đã ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Theo thống kê của Tecent, năm nay đã có hơn 420 triệu tài khoản Wechat sử dụng phương pháp lì xì kiểu mới này với số lượng phong bao trao đổi lên tới 8 tỷ.
Trào lưu “lì xì online” đã trở nên phổ biến đến mức chính phủ Trung Quốc cũng quyết định tham gia lì xì người dân thông qua e-hongbao với tổng số tiền lên tới 300.000 nhân dân tệ (tương đương gần 1 tỷ đồng).
Nhiều công ty công nghệ cũng quyết định tri ân khách hàng của mình nhân dịp năm mới thông qua e-hongbao với tổng giá trị lên tới hơn 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 33 nghìn tỷ đồng).
Hiện nay, nhiều người dân Trung Quốc - đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng yêu thích e-hongbao nên thị trường phong bao giấy cuối năm ngày càng trở nên ảm đạm.
Tuy nhiên, phong bao lì xì truyền thống vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội Trung Quốc do những người lớn tuổi vẫn yêu thích sử dụng phương pháp lì xì truyền thống hơn.
Bên cạnh đó, e-hongbao vẫn có nhược điểm nhất định là số tiền trong mỗi phong bao thường không quá lớn và ngẫu nhiên, do đó vẫn chưa thích hợp khi dùng để lì xì họ hàng thân thuộc.